Giá dầu và vàng dự báo tiếp đà tăng, giá kim loại công nghiệp diễn biến trái chiều

THỊ TRƯỜNG THẾ GIỚI
18:57 - 22/02/2022
Giá dầu và vàng dự báo tiếp đà tăng, giá kim loại công nghiệp diễn biến trái chiều
0:00 / 0:00
0:00
Khi các ngân hàng trung ương hướng tới trung hòa chính sách tiền tệ nới lỏng để chuyển sang chính sách thắt chặt, gây áp lực lên lợi suất trái phiếu kho bạc và làm tăng tỷ giá đồng USD, giá hàng hóa toàn cầu được dự báo sẽ tiếp tục tăng.

Trong suốt năm 2021, hàng hóa là một trong những nhóm có tốc độ tăng giá hàng đầu. Bằng chứng là chỉ số hàng hóa Bloomberg đã tăng hơn 25% trong năm qua. Nhu cầu tăng vọt trở lại sau đại dịch, kết hợp với nguồn cung thiếu hụt do gián đoạn chuỗi cung ứng, yếu tố thời tiết bất lợi và nhiều nguyên nhân khác đã khiến giá hàng hóa bùng nổ trong năm ngoái.

Mặc dù nhiều dự báo cho rằng tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng sẽ được cải thiện phần nào trong năm nay. Theo đó, nhu cầu bình thường hóa trở lại và nguy cơ thị trường bất động sản Trung Quốc tiếp tục giảm tốc sẽ giúp hạ nhiệt giá hàng hóa từ mức hiện tại. Tuy nhiện, hiện vẫn có nhiều yếu tố tiếp thêm đà tăng cho giá hàng hóa.

Yếu tố lớn nhất là điều kiện vĩ mô toàn cầu khi các ngân hàng trung ương hướng tới trung hòa chính sách tiền tệ nới lỏng để chuyển sang chính sách thắt chặt, gây áp lực lên lợi suất trái phiếu kho bạc và tỷ giá đồng USD. Vì hàng hóa được định giá bằng đồng USD và là tài sản không sinh lời nên kịch bản này sẽ dẫn tới giá hàng hóa tăng, dự kiến duy trì ở mức trên trung bình trong dài hạn.

Dưới đây là những dự báo mới nhất của Yogesh Khairajani, chiến lược gia thị trường toàn cầu tại Century Financial trên tờ GB Invest về giá hàng hóa trong năm 2022.

Yogesh Khairajani, chiến lược gia thị trường toàn cầu tại Century Financial. Ảnh: GB

Yogesh Khairajani, chiến lược gia thị trường toàn cầu tại Century Financial. Ảnh: GB

Giá dầu leo dốc

Dầu đã được lên kịch bản cho sự hạ nhiệt giá trong năm nay với nguồn cung dầu tăng mạnh từ các nước ngoài OPEC cũng như việc hạ mức cắt giảm sản lượng dầu của các nước trong nhóm OPEC và đồng minh. Trong khi đó, Trung Quốc và Mỹ cũng có động thái giải phóng dầu từ kho dự trữ chiến lược.

Nhưng tình huống thực tế đi khác xa kịch bản. Những bình luận gần đây của nhóm các nước thành viên OPEC+ cho thấy nhiều quốc gia trong nhóm có thể tăng sản lượng dầu ra thị trường như cam kết. Công suất dự phòng của OPEC+ cũng sẽ giảm xuống mức thấp nhất trong lịch sử là khoảng 1,2 triệu thùng/ ngày.

Ở thời điểm 13h30 phút ngày 22/2/2022, giá dầu Brent lên mức 97,5 USD/ thùng, tiến sát 100 USD/ thùng (Ảnh: OilPrice)

Ở thời điểm 13h30 phút ngày 22/2/2022, giá dầu Brent lên mức 97,5 USD/ thùng, tiến sát 100 USD/ thùng (Ảnh: OilPrice)

Trong khi đó, nhu cầu dầu sau đại dịch đang dần vượt xa nguồn cung khi các quốc gia tiếp tục lộ trình mở cửa mạnh mẽ, vận tải hàng không trên đà phục hồi. Dự báo đến giữa năm nay, lượng dầu tồn kho của các quốc gia thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế OECD có thể giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2020.

Căng thẳng địa chính trị Nga - Ukraine và nguy cơ gây ra khủng hoảng năng lượng tại châu Âu cũng tiếp tục tạo thêm động lực cho sự tăng giá.

Vàng duy trì đà tăng giá

Giá vàng kết thúc năm 2021 với mức giảm gần 4% so với đầu năm. Năm đầu tiên trong 4 năm gần nhất, giá vàng cuối năm nằm trong lãnh thổ tiêu cực.

Nhiều dự báo ban đầu cho rằng giá vàng có thể tiếp tục chịu áp lực suy yếu khi các ngân hàng trung ương thắt chặt chính sách tiền tệ, đưa đồng USD mạnh lên. Đồng USD mạnh đồng nghĩa nhu cầu đầu tư vào vàng yếu đi.

Nhưng trái với kỳ vọng này, giá vàng tiếp tục duy trì ổn định cho đến nay, ngay cả khi ngân hàng trung ương lớn nhất toàn cầu là Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đã chuẩn bị sẵn sàng cho đợt tăng lãi suất đầu tiên vào tháng 3 tới.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tại Mỹ cao nhất trong 4 thập kỷ, lạm phát dai dẳng kéo dài tại nhiều quốc gia và môi trường bất định trong bối cảnh căng thẳng Nga - Ukraine leo thang đang đưa các nhà giao dịch đến với các tài sản trú ẩn an toàn như vàng. Xu hướng này hiện đang mạnh mẽ và lấn át nguy cơ vàng giảm giá do chính sách tiền tệ thắt chặt.

Vàng tăng trở lại mốc kháng cự 1.900 USD trong bối cảnh lạm phát dai dẳng và căng thẳng địa chính trị leo thang (Ảnh: Oilprice)

Vàng tăng trở lại mốc kháng cự 1.900 USD trong bối cảnh lạm phát dai dẳng và căng thẳng địa chính trị leo thang (Ảnh: Oilprice)

Nhìn chung trong năm 2022, giá vàng dự kiến vẫn sẽ chịu ràng buộc với động thái tăng lãi suất của FED và các ngân hàng trung ương toàn cầu. Tuy nhiên, nhu cầu vàng của các ngân hàng trung ương, nhu cầu trang sức của người dân và các yếu tố bất ổn như căng thẳng địa chính trị có thể tiếp tục hỗ trợ giá vàng trong trung và dài hạn. Mức kháng cự mạnh của giá vàng dự báo nằm gần vùng 1.900-1.920 USD trong khi mức đáy có thể nằm gần 1.680 USD.

Triển vọng trái chiều cho nhóm kim loại công nghiệp

Cân bằng cung - cầu của hầu hết nhóm kim loại công nghiệp đều đang được cải thiện rõ rệt, cho thấy xu hướng giá hạ nhiệt từ mức cao hiện tại. Tuy nhiên trong năm, giá kim loại công nghiệp được dự báo vẫn ở mức trên trung bình dài hạn do tồn kho một số kim loại đang ở mức thấp. Ngoài ra, dự báo về nhu cầu trong trung hạn là khả quan do sự thúc đẩy các ngành kinh tế xanh từ công nghiệp cho đến năng lượng, vốn là những ngành thâm dụng kim loại.

Cụ thể, với kim loại đồng, trong ngắn hạn từ nay đến cuối năm, giá đồng có xu hướng hạ nhiệt do tăng trưởng sản lượng đồng tinh chế (dự báo khoảng 6%) vượt xa tốc độ tăng trưởng nhu cầu là 1,3%. Các mỏ đồng lớn của thế giới tiếp tục duy trì công suất cao và dự kiến xuất hiện thêm nguồn cung đồng đáng kể 300.000 tấn/ năm từ mỏ Quellaveco (Peru) bắt đầu hoạt động trong năm nay.

Tuy vậy trong dài hạn, xu hướng chung là giá đồng tăng do nhu cầu đồng dự báo tăng 16% vào năm 2030 trong khi nguồn cung tương lai dự báo đi ngang do các mỏ đồng hiện nay gần như đã đạt đến công suất cao nhất.

Giá đồng hiện đang dao động quanh mức 4,5 USD/pound (Ảnh: Mining.com)

Giá đồng hiện đang dao động quanh mức 4,5 USD/pound (Ảnh: Mining.com)

Giá quặng sắt gần đây đã tăng vọt từ mức 80 USD/ tấn vào tháng 11/2021 lên khoảng 140 USD/ tấn vào đầu tuần này, tức tăng hơn 70% khi Chính phủ Trung Quốc tăng cường các biện pháp chi tiêu công, đầu tư cơ sở hạ tầng để hỗ trợ nền kinh tế.

Trung Quốc là quốc gia sản xuất thép lớn nhất hành tinh, trong khi đó quặng sắt là nguyên liệu quan trọng của ngành công nghiệp thép. Do đó, bất kỳ động thái nào từ Trung Quốc cũng tác động lớn đến thị trường quặng sắt toàn cầu.

Giá quặng sắt lấy lại đà tăng từ đầu năm đến nay (Ảnh: FT)

Giá quặng sắt lấy lại đà tăng từ đầu năm đến nay (Ảnh: FT)

Trong dài hạn, triển vọng giá quặng sắt tương đối ảm đạm do sự bất ổn của lĩnh vực bất động sản tại Trung Quốc cũng như việc giới chức Bắc Kinh theo đuổi mục tiêu giảm phát thải carbon - một động thái có thể hạn chế hoạt động sản xuất thép, gây áp lực giảm giá quặng sắt.

Với kim loại nhôm, mức giá dự kiến vẫn tiếp tục tăng lên do thị trường nhôm đang ở thời điểm thiếu cung và không có giải pháp nào có khả năng giải quyết nhanh chóng sự thiếu hụt mang tính cấu trúc này.

Tương tự nhôm, giá niken - kim loại quan trọng trong sản xuất pin xe điện nói riêng và ngành công nghiệp năng lượng sạch nói chung - cũng được dự báo tăng mạnh do sự mất cân bằng cung cầu và lượng dự trữ giảm dần. Ngoài ra, ý tưởng đánh thuế xuất khẩu niken của Indonesia, một trong những nhà sản xuất niken lớn nhất hành tinh, cũng gây áp lực lên giá. Trong phiên 21/2, giá Niken đạt mức 24.792 USD/ tấn, cao nhất kể từ năm 2007.

Hàng hóa nông nghiệp nhiều diễn biến phức tạp

Hợp đồng tương lai một số loại hạt tiếp tục duy trì đà tăng giá (Ảnh: Bloomberg)

Hợp đồng tương lai một số loại hạt tiếp tục duy trì đà tăng giá (Ảnh: Bloomberg)

Dự báo giá hàng hóa nông nghiệp hạ nhiệt khi điều kiện thời tiết cải thiện, tuy nhiên nó có thể tiếp tục duy trì trên mức giá bình quân dài hạn do một số yếu tố khác liên quan đến giá phân bón, đặc biệt là ure tăng vọt trong thời gian qua. Diễn biến phức tạp của đại dịch được nhận định sẽ là yếu tố tác động mật thiết đến mức giá hàng hóa nông nghiệp trong năm 2022.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà. Ảnh: VGP

Rà soát toàn diện các dự án BOT giao thông

Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 190 ngày 3/5/2024 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà về giải pháp xử lý khó khăn, vướng mắc tại một số dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức hợp đồng BOT.