Giải ngân vốn đầu tư công các dự án thủy lợi vượt kế hoạch đề ra

ĐẦU TƯ CÔNG Thủy lợi
11:28 - 12/01/2023
Các dự án thủy lợi được giao vốn cho cả năm ban đầu là 897 tỷ đồng.
Các dự án thủy lợi được giao vốn cho cả năm ban đầu là 897 tỷ đồng.
0:00 / 0:00
0:00
Theo Bộ NN&PTNT, lũy kế giá trị giải ngân vốn năm 2022 của các dự án thủy lợi tính đến ngày 9/1/2023 là 933 tỷ đồng, đạt 96% kế hoạch vốn của Bộ giao sau điều chỉnh, và đạt 104% so với kế hoạch Bộ giao ban đầu.

Báo cáo của Ban quản lý Trung ương các dự án Thủy lợi - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết, trong năm 2022, kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước giao cho Bộ là 6.438 tỷ đồng, gồm vốn trong nước 4.538 tỷ đồng, vốn ODA là 1.900 tỷ đồng.

Về nhiệm vụ xây dựng hạ tầng nông nghiệp, ngư nghiệp, tính đến thời điểm hiện nay, đối với các dự án mở mới giai đoạn 2021 - 2025, ngành nông nghiệp thực hiện 130 dự án mở mới. Kết thúc năm 2022, đã phê duyệt 73 dự án, một số dự án đã được khởi công từ năm 2011 - 2012. Phần lớn các dự án sẽ được khởi công trong năm 2023 và những năm tới.

Tính đến hết năm 2022, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công ngành nông nghiệp đạt 66% so với kế hoạch. Trong đó, riêng các dự án thủy lợi được giao vốn cho cả năm ban đầu là 897 tỷ đồng, sau đó đến giữa năm điều chỉnh lên gần 972 tỷ đồng.

Lũy kế giá trị giải ngân vốn năm 2022 của các dự án thủy lợi tính đến ngày 9/1/2023 là 933 tỷ đồng, đạt 96% kế hoạch vốn của Bộ giao sau điều chỉnh, và đạt 104% so với kế hoạch Bộ giao ban đầu.

Trong năm qua, phần lớn các dự án đầu tư trung hạn 2016 - 2020 đã cơ bản hoàn thành, phần khối lượng còn lại đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép kéo dài thời gian thực hiện, giải ngân sang năm 2022 không nhiều, chủ yếu là công tác hoàn thiện trước khi bàn giao đưa vào sử dụng.

Thành tựu lớn nhất trong năm vừa qua có thể kể đến là hoàn thành Dự án Hệ thống thủy lợi Cái Lớn – Cái Bé giai đoạn 1, được Bộ NN&PTNT công nhận 2 công trình đạt chất lượng cao và danh hiệu “Chủ đầu tư xuất sắc”. Hệ thống thủy lợi Cái Lớn – Cái Bé đã trở thành công trình thủy lợi lớn nhất Đông Nam Á, là niềm tự hào của Việt Nam.

Các dự án đầu tư trung hạn giai đoạn 2021 - 2026 đã lần lượt được gỡ khó để hoàn thành các khâu thiết kế, đấu thầu và khởi công xây dựng. Trong giai đoạn 2021-2026, các dự án thủy lợi chủ yếu tập trung ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Trong nỗ lực ngăn mặn, trữ ngọt, chống triều cường, sạt lở, nhiều dự án thủy lợi tại Đồng bằng sông Cửu Long đang được tăng tốc xây dựng. Các công trình này không chỉ đóng góp quan trọng cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, tăng giá trị ngành nông nghiệp, cải thiện sinh kế cho nông dân, mà còn góp phần tăng tỷ lệ giải ngân đầu tư công, thúc đẩy kinh tế vùng Tây Nam Bộ phát triển.

Tại Đồng bằng sông Cửu Long, trong 8 dự án thủy lợi ở giai đoạn chuẩn bị đầu tư, đã phê duyệt được 6 dự án, vượt kế hoạch 3 dự án. Hai dự án còn lại đang được hoàn thiện hồ sơ, trình Bộ NN&PTNT thẩm định, phê duyệt.

Trong tháng 11/2022, đã khởi công xây dựng 8 gói thầu thuộc 3 dự án, gồm: Dự án Nâng cấp, cải tạo kênh Hồng Ngự - Vĩnh Hưng; Dự án Công trình kiểm soát nguồn nước kênh Nguyễn Tấn Thành và bờ hữu sông Vàm Cỏ Tây; Dự án Xử lý sạt lở cấp bách bờ sông, bờ biển khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Trong quý 1/2023, Bộ NN&PTNT sẽ tiếp tục khởi công 2 dự án Cống âu Rạch Mọp thuộc Dự án Công trình kiểm soát nguồn nước bờ Nam sông Hậu và Dự án Nâng cấp, cải tạo kênh trục vùng Tứ giác Long Xuyên.

Cùng với đó, Bộ sẽ khởi công thêm 3 gói thầu thuộc Dự án Công trình kiểm soát nguồn nước bờ Nam sông Hậu và Dự án Nâng cấp, cải tạo kênh trục vùng Tứ giác Long Xuyên.

Trong năm 2023, Bộ cũng tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án chưa hoàn thành. Tổ chức thẩm định, phê duyệt các dự án đầu tư giai đoạn 2021 - 2025 trước 30/6/2023.

Để đạt được tiến độ đặt ra, Bộ NN&PTNT cho biết, cần phải tháo gỡ các vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng để khởi công các công trình trong năm 2023. Đặc biệt là các dự án chưa hoàn thành thủ tục chuyển mục đích sử dụng rừng và dự án có khối lượng giải phóng mặt bằng lớn.

Tin liên quan

Đọc tiếp