Giữ sáng những ngọn đèn công xưởng

DOANH NGHIỆP Việt nAM
15:33 - 14/02/2024
Giữ sáng những ngọn đèn công xưởng
0:00 / 0:00
0:00
Đối mặt với bộn bề thách thức từ suy thoái toàn cầu, thiếu đơn hàng, thiếu vốn...nhiều doanh nghiệp sản xuất trong năm 2023 đã phải tìm mọi cách để giữ cho ngọn đèn các công xưởng vẫn sáng.

KHÓ KHĂN KÉO DÀI NHỮNG VẤT VẢ

"Mặc dù Vinatex đã đưa ra nhiều kịch bản dự báo cho ngành dệt may trong năm 2023 nhưng cuối cùng kết quả lại rơi vào kịch bản xấu nhất. Trong suốt 29 năm từ khi thành lập, năm 2023 là năm khó nhất của ngành xuất khẩu dệt may", chia sẻ của ông Cao Hữu Hiếu - Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) tại buổi tổng kết ngành dệt may năm 2023 có lẽ cũng là tiếng thở dài của hàng nghìn doanh nghiệp Việt.

Nhìn từ số liệu thống kê đơn thuần, năm 2023, có 89.100 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động có thời hạn, tăng 20,7% so với năm 2022; 65.500 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 28,9%; 18.000 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, giảm 3,1%. Bình quân một tháng có 14.400 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Doanh nghiệp ở nhiều ngành sản xuất, xuất khẩu cùng lúc đối mặt với những khó khăn kép, thậm chí còn hơn cả thời kỳ đại dịch Covid-19, khi vốn yếu, cầu xuống thấp từ những thị trường bạn hàng dẫn tới đơn hàng giảm mạnh, rất nhiều phần lớn doanh nghiệp phải chật vật giữ sáng những ngọn đèn công xưởng.

Theo dữ liệu của S&P Global, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) trong tháng 12/2023 đạt 48,9 điểm, tức là vẫn nằm dưới ngưỡng 50 điểm, cho thấy các điều kiện kinh doanh trong ngành sản xuất không hoàn toàn mạnh khỏe. Theo cơ quan này, sức khỏe ngành sản xuất Việt Nam yếu kém trong hầu hết thời gian của năm 2023, với hai thời điểm ghi nhận sự cải thiện nhẹ vào tháng 2 và tháng 8. Kết quả, chỉ số PMI trung bình của năm là thấp nhất kể từ thời điểm bùng phát đại dịch covid-19 vào năm 2020.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp năm 2023 chỉ tăng 3,02% so với năm trước, là mức tăng thấp nhất của các năm trong giai đoạn 2011-2023, đóng góp 1,0 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 3,62%, là mức tăng thấp nhất của các năm trong giai đoạn 2011-2023, đóng góp 0,93 điểm phần trăm.

Nhưng sức sống doanh nghiệp Việt Nam vẫn mãnh liệt. Lần đầu tiên số doanh nghiệp thành lập mới trong năm 2023 chạm mức kỷ lục gần 160.000 doanh nghiệp. Con số này được coi là ấn tượng khi gấp 1,2 lần mức bình quân giai đoạn 2017-2022. Với tinh thần nỗ lực vượt khó, thời điểm giáp Tết, đa số doanh nghiệp vẫn cố gắng bảo đảm việc làm, tiền lương và nỗ lực chăm lo Tết cho công nhân lao động. Bà Phạm Thị Thanh Tâm, Chủ tịch Công đoàn Dệt may Việt Nam, cho biết trong cuộc họp báo ngày 8/1/2023, theo thống kê sơ bộ, bình quân lương tháng 13 và thưởng Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024 cho người lao động của Vinatex đạt 16 triệu đồng/người, tương đương 1,7 tháng lương.

DOANH NGHIỆP ĐÃ NHẮC NHIỀU HƠN ĐẾN TỪ "LẠC QUAN"

Bước sang năm 2024, các rủi ro tiềm ẩn từ môi trường kinh tế thế giới vẫn còn hiện hữu và ám ảnh tiêu cực đối với tăng trưởng kinh tế và hoạt động sản xuất kinh doanh hướng về xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, doanh nghiệp đã nhắc nhiều hơn đến từ "lạc quan".

Theo kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý 4/2023 của Tổng cục Thống kê, dự kiến quý 1/2024, có 31,6% số doanh nghiệp ngành công nghiệp đánh giá xu hướng sẽ tốt lên so với quý 4/2023. Cũng theo kết quả điều tra trên, có 40% số doanh nghiệp được hỏi cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh sẽ ổn định.

Về đơn đặt hàng quý 1/2024 so với quý 4/2023, có 29,3% số doanh nghiệp dự kiến có đơn hàng tăng lên; 43,4% số doanh nghiệp dự kiến có đơn hàng ổn định và 27,3% số doanh nghiệp dự kiến đơn hàng giảm.

Trong một góc nhìn lạc quan về kinh tế Việt Nam năm 2024 có thể đạt được mức tăng trưởng 6,5%, ông Michael Kokalari - Giám đốc phòng Phân tích kinh tế vĩ mô và Nghiên cứu thị trường của VinaCapital tại báo cáo Chiến lược năm 2024 cũng đặt nhiều kỳ vọng vào sự phục hồi trong xuất khẩu. Điều này sẽ đi kèm với sự phục hồi sản lượng ngành sản xuất của Việt Nam lên 8 - 9% vào năm 2024, so với mức tăng trưởng trung bình dài hạn 12% của ngành này trước Covid-19.

Theo ông Michael Kokalari, vấn đề của ngành sản xuất Việt Nam năm 2023 bắt nguồn từ việc các nhà bán lẻ Mỹ và các công ty tiêu dùng khác đã tích lũy quá nhiều hàng hóa vào năm 2022. Sau đó, thay vì mua nhiều sản phẩm hơn khi lệnh phong tỏa Covid-19 được dỡ bỏ, người tiêu dùng lại đổ tiền vào các dịch vụ như du lịch và ăn uống ở ngoài. Do vậy, các công ty ở Mỹ đã phải giải quyết lượng hàng tồn kho này trong suốt năm 2023.

"Đây là yếu tố chính gây sụt giảm xuất khẩu và sản lượng sản xuất của Việt Nam trong năm 20238. Tuy nhiên, rất nhiều dữ liệu cho thấy hiện tượng này sắp kết thúc và các đơn hàng xuất khẩu của Việt Nam đang phục hồi", ông Michael Kokalari dự báo trong báo cáo chiến lược nêu trên.

NHÌN ĐẾN TRIỂN VỌNG NĂM 2024

Năm 2024, hàng loạt vấn đề về thanh khoản, lãi suất, tỷ giá, trái phiếu doanh nghiệp hay thị trường bất động sản đã và đang được nỗ lực xử lý. Ở mức độ nhất định, doanh nghiệp cảm nhận được sự đồng hành của Chính phủ. Một số chính sách tài khóa, tiền tệ đã hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi, phát triển, nhiều quyết sách tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các lĩnh vực đã phát huy tác dụng.

Chất lượng môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh trên các bảng xếp hạng quốc tế được cải thiện. Việt Nam là quốc gia có động lực lớn nhất trên toàn thế giới, tăng 12 bậc trong bảng đo lường mức độ hấp dẫn của môi trường kinh doanh tại 82 quốc gia do bộ phận Nghiên cứu và phân tích (EIU) thuộc tập đoàn truyền thông Anh The Economist đưa ra.

Bên cạnh đó, sau một năm gộp vào Nghị quyết 01/NQ-CP năm 2023 về điều hành kinh tế - xã hội, việc tách độc lập riêng một Nghị quyết của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh là một động thái chính sách mang đến nhiều kỳ vọng.

Giống như TS. Nguyễn Đình Cung đã nhiều lần chia sẻ, niềm tin của doanh nghiệp là quan trọng nhất. Năm 2023 các thị trường trong nước sụt giảm niềm tin, môi trường kinh doanh khá bất ổn khiến vốn đầu tư tư nhân giảm mạnh.

Chỉ khi môi trường kinh doanh trong nước được cải thiện sẽ phần nào bù đắp được những khó khăn do bối cảnh bên ngoài. Môi trường kinh doanh được cải thiện sẽ thúc đẩy đầu tư tư nhân trong nước, hiện đang chiếm hơn 60% tổng đầu tư xã hội.

CẦN NHIỀU HƠN MỘT SỰ NỖ LỰC

Mây mù chưa hẳn đã qua đi, báo cáo gần nhất của Cục Quản lý Đăng ký Kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường năm nay vẫn có thể tăng so với năm 2023 do gặp một số khó khăn mới cũ, đan xen.Theo TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) để doanh nghiệp vượt qua khó khăn, phục hồi và phát triển nhanh, bền vững cần có các giải pháp đồng bộ, phù hợp.

Chính phủ cần tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, chính sách tài khóa mở rộng hợp lý. Chủ động các chính sách tạo hành lang thông thoáng hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển.

Triển khai các giải pháp tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp. Tăng cường xúc tiến thương mại, tìm cơ hội xuất khẩu cho doanh nghiệp Việt qua các thị trường truyền thống cũng như những thị trường tiềm năng mới. Kết hợp kích cầu, thúc đẩy tiêu dùng trong nước.

Trăn trở nhiều hơn từ chính góc độ doanh nghiệp, theo TS. Nguyễn Quốc Việt, bản thân cộng đồng doanh nghiệp cũng cần tư duy thích ứng và tinh thần khởi sự kinh doanh, phát huy tinh thần tự chủ, tự lực bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước để duy trì tính sáng tạo và động lực cạnh tranh trước các "cơn gió ngược" của môi trường kinh doanh.

Toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế đang buộc các doanh nghiệp muốn xuất khẩu sản phẩm cần phải có "giấy thông hành xanh". Chuyển đổi xanh giờ đây đã là câu chuyện bắt buộc để bảo vệ sức cạnh tranh, cơ hội duy trì sản xuất, vươn ra quốc tế.

Tất nhiên, không có lời giải chung cho tất cả các doanh nghiệp, để tồn tại và phát triển, buộc doanh nghiệp phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, lộ trình khôn ngoan và khả năng thích ứng dẻo dai.

"Tôi tin rằng, mỗi doanh nhân, doanh nghiệp đều đã có trong mình các động lực cải cách, sẵn sàng đối mặt với những thách thức, chủ động nắm bắt, chắt chiu từng cơ hội đổi mới và sáng tạo, có phương án đón đầu xu hướng kinh doanh mới, xây dựng uy tín và thương hiệu của doanh nghiệp trên thị trường khu vực, quốc tế", TS. Nguyễn Quốc Việt kỳ vọng.

Đọc tiếp

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện tại Việt Nam 4 tháng đầu năm 2024 ước đạt 6,28 tỷ USD tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 4 tháng đầu năm trong 5 năm qua.