Gói hỗ trợ nền kinh tế: Dư địa chính sách còn, nhưng dư địa thời gian thì hạn hẹp

CHÍNH SÁCH Việt nAM
21:17 - 30/11/2021
Gói hỗ trợ nền kinh tế: Dư địa chính sách còn, nhưng dư địa thời gian thì hạn hẹp
0:00 / 0:00
0:00
“Với dư địa thời gian hạn hẹp còn lại, nếu không thực hiện nhanh và hiệu quả các biện pháp hỗ trợ thì con số hỗ trợ bao nhiêu cũng không có nhiều ý nghĩa", TS. Nguyễn Minh Cường nhận định.

Là một trong những nền kinh tế hiếm hoi trên toàn cầu từng ghi nhận tăng trưởng kinh tế dương (2,91%) trong năm 2020, bước sang năm 2021, cú sốc kinh tế gây ra bởi làn sóng dịch COVID-19 thứ tư đã gây tổn hại tới đà tăng trưởng của Việt Nam. GDP quý III/2021 ghi nhận mức tăng trưởng âm chạm đáy (-6,17%). Ngay cả trong những kịch bản lạc quan nhất, tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm nay dự kiến không quá 4%.

Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) hồi tháng 9 đã hạ dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2021 từ 6,7% xuống 3,8%

Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) hồi tháng 9 đã hạ dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2021 từ 6,7% xuống 3,8%

Theo Tổng cục Thống kê, trong 11 tháng năm 2021 có khoảng 106,5 nghìn doanh nghiệp rời thị trường, tức bình quân 9,7 nghìn doanh nghiệp rời thị trường mỗi tháng.

Tín hiệu có khả quan hơn vào tháng 11 khi cả nước có 11.902 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 44,6% so với tháng 10 dù vẫn giảm 9,1% so với cùng kỳ 2020. Tổng số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động trong 11 tháng là 146,1 nghìn doanh nghiệp.

Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước 11 tháng đạt 367,7 nghìn tỷ đồng, giảm 8,7% so với cùng kỳ năm trước. Tổng vốn FDI tuy có tăng nhẹ 0,1% lên 26,46 tỷ USD nhưng vốn FDI thực hiện lại giảm 4,2% do những gián đoạn trong thời gian nhiều tỉnh thành thực hiện giãn cách xã hội.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 11 tháng đạt 4.128,5 nghìn tỷ đồng, giảm 8,7% so với cùng kỳ 2020, phản ánh sức cầu còn yếu. Doanh thu các ngành dịch vụ, đặc biệt là dịch vụ du lịch và lữ hành vẫn chìm sâu ở lãnh thổ tiêu cực.

Mặc dù vậy sản xuất công nghiệp bắt đầu có tín hiệu khởi sắc sau Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ và kim ngạch thương mại vẫn tăng trưởng tích cực, những điểm sáng này đang là hy vọng trong bối cảnh khó khăn của nền kinh tế.

Tại Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã xác định triển vọng tăng trưởng kinh tế những tháng cuối năm và cả năm 2022 còn nhiều khó khăn, thách thức, do đó cần thiết khẩn trương xây dựng và tổ chức thực hiện quyết liệt chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, góp phần phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế bình quân cả giai đoạn 2021-2025 là 6,5-7%/năm.

Dư địa chính sách vẫn còn...

Về dư địa tài khóa, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc từng khẳng định trước Quốc hội về quan điểm ủng hộ gói kích cầu phát triển kinh tế: "Ta có thể tăng bội chi giai đoạn 2022-2023 nhưng giảm bội chi trong những năm tiếp theo để kinh tế phát triển nhanh, bền vững, giữ được sức mạnh kinh tế đất nước”.

Theo tính toán của ADB, cho đến nay, tổng giá trị các gói hỗ trợ tài khóa cho toàn nền kinh tế tại Việt Nam mới chỉ ở mức khoảng 2,2% GDP, mức rất thấp so với các quốc gia trong khu vực, do đó Việt Nam hoàn toàn còn dư địa để mở rộng các gói tài khóa với giá trị phù hợp ước tính khoảng 5-7%.

ADB ước tính tổng giá trị các gói hỗ trợ tài khóa cho toàn nền kinh tế tại Việt Nam mới chỉ ở mức khoảng 2,2% GDP

ADB ước tính tổng giá trị các gói hỗ trợ tài khóa cho toàn nền kinh tế tại Việt Nam mới chỉ ở mức khoảng 2,2% GDP

Về phía dư địa chính sách tiền tệ, bà Bùi Thúy Hằng - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phát biểu tại Tọa đàm “Dẫn mạch phục hồi tăng trưởng kinh tế” do Báo Đầu tư phối hợp với NHNN tổ chức hôm 30/11 rằng, mặt bằng lãi suất trên thị trường hiện đang ở mức rất thấp sau 3 lần điều chỉnh lãi suất điều hành của NHNN hồi năm 2020. Thêm vào đó, dự báo áp lực lạm phát trong năm 2022 là rất lớn, do vậy việc điều hành lãi suất trong thời gian tới sẽ phải hướng tới đảm bảo hài hòa giữa hiệu quả của các biện pháp tiền tệ với an toàn của hệ thống tín dụng.

Tuy nhiên nhìn chung, NHNN đã và đang làm việc trực tiếp với các tổ chức tín dụng, chỉ đạo nỗ lực tiết giảm chi phí để có thêm dư địa hỗ trợ nền kinh tế.

Cũng theo bà Hằng, Chính phủ hiện đang giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Bộ KH&ĐT) chủ trì xây dựng Chương trình phục hồi kinh tế - xã hội giai đoạn 2022-2023, trong đó Bộ KH&ĐT có nhiệm vụ trọng tâm xác định phương pháp và đối tượng hỗ trợ, Bộ Tài chính và NHNN xác định các nguồn lực khả thi cho hỗ trợ, với nguyên tắc ưu tiên cuối cùng là giữ vững ổn định vĩ mô và cân đối lớn của nền kinh tế.

...nhưng doanh nghiệp và người lao động có đủ sức đợi?

Cũng trong khuôn khổ Tọa đàm “Dẫn mạch phục hồi tăng trưởng kinh tế”, TS. Nguyễn Minh Cường, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đặt vấn đề: “Dư địa chính sách còn nhưng dư địa thời gian còn không là vấn đề cần cân nhắc”.

Theo TS. Cường, có 3 lý do chính để lưu ý vấn đề dư địa thời gian: Một là xu hướng lạm phát tăng, mà nhiều nhận định cho rằng sẽ tăng trong dài hạn. Hai là tình cảnh khó khăn của doanh nghiệp và người lao động. Ba là thực tế nhiều quốc gia đang chuyển dần sang trung hòa chính sách tiền tệ nới lỏng khi nền kinh tế phục hồi mạnh mẽ, một số nước châu Á thậm chí đã bắt đầu nâng lãi suất.

Ảnh tác giả

“Khảo sát của VCCI cho thấy khoảng 90% doanh nghiệp bị tác động bởi đại dịch và 1,8 triệu lao động bị rơi vào tình cảnh thiếu việc làm. Liệu doanh nghiệp và người lao động có đủ sức đợi đến lúc các biện pháp ngắn hạn được thực hiện hay không?”.

TS. Nguyễn Minh Cường, chuyên gia kinh tế trưởng ADB

Theo TS. Cường, việc chấp nhận tăng nợ công, tăng bội chi ngân sách đồng nghĩa chấp nhận hy sinh một phần ổn định vĩ mô, đó là cái giá phải trả để kích thích phục hồi kinh tế. Vì vậy, phải có chính sách hỗ trợ thật nhanh và thật hiệu quả để tăng cường động lực phục hồi.

“Các biện pháp ngắn hạn từ nay đến tháng 6/2022 đóng vai trò rất quan trọng cho sự phục hồi động lực kinh tế. Với dư địa thời gian hạn hẹp còn lại, nếu không thực hiện nhanh và hiệu quả các biện pháp hỗ trợ thì con số gói hỗ trợ bao nhiêu cũng không có nhiều ý nghĩa", TS. Cường nhấn mạnh.

Đồng quan điểm với TS. Nguyễn Minh Cường, chuyên gia kinh tế Phan Đức Hiếu, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội khoá XV cho hay: “Tôi cho rằng hiện tại chúng ta đã vượt qua giai đoạn thảo luận về phương pháp tiếp cận, nguyên tắc triển khai chương trình hỗ trợ phục hồi kinh tế. Cái tôi đau đáu nhất là dư địa thời gian ngày càng hạn hẹp và dư địa hấp thụ cần phải được làm rõ”.

Theo ông Hiếu, mục tiêu của chương trình phục hồi kinh tế - xã hội là ngắn hạn nhưng tác động của nó là dài hạn, kèm theo đó là các rủi ro vĩ mô. Do đó, chương trình ngắn hạn càng triển khai nhanh chóng, hiệu quả thì rủi ro vĩ mô dài hạn càng giảm.

Ảnh tác giả

“Ta chấp nhận nâng nợ công, tăng chi ngân sách… nhưng nếu thực hiện hiệu quả gói này, kích thích được tăng trưởng GDP trong dài hạn thì tỷ lệ nợ công, tỷ lệ bội chi trên GDP tự khắc sẽ giảm xuống”.

Chuyên gia kinh tế Phan Đức Hiếu

Ngày 27/11, Văn phòng Chính phủ đã ban hành Thông báo 318/TB-VPCP về kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19. Trong đó Thủ tướng giao Bộ KH&ĐT tiếp tục hoàn thiện chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, báo cáo Chính phủ và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt trước ngày 30/11.

Trước đó, trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết dựa trên nghiên cứu tình hình trong và ngoài nước, Bộ KH&ĐT nhận định cần có gói hỗ trợ quy mô đủ lớn, thời gian thực hiện phù hợp, hỗ trợ cho cả phía cung và cầu, phối hợp linh hoạt chính sách tiền tệ và tài khóa, phải tập trung vào các chính sách có hiệu quả nhanh chóng kịp thời nhưng đồng thời phải lường trước các tác động dài hạn, song song phải xây dựng cơ chế thực hiện khả thi, hiệu quả, hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm và xem xét khả năng hấp thụ, vay trả của nền kinh tế.

Dự tính thời gian thực hiện hỗ trợ trong 2 năm (2022 - 2023). Chương trình này nếu được thông qua ngay vào kỳ họp cuối năm thì sẽ được thực hiện ngay vào đầu năm 2022.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà. Ảnh: VGP

Rà soát toàn diện các dự án BOT giao thông

Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 190 ngày 3/5/2024 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà về giải pháp xử lý khó khăn, vướng mắc tại một số dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức hợp đồng BOT.