Nhiều ngân hàng thêm dư địa tăng trưởng nhờ nới room tín dụng

NGÂN HÀNG TÍN DỤNG
17:05 - 25/11/2021
2 ngân hàng thương mại nhà nước là BIDV và VietinBank được nới ít nhất, lần lượt lên mức 12% và 12,5%.
2 ngân hàng thương mại nhà nước là BIDV và VietinBank được nới ít nhất, lần lượt lên mức 12% và 12,5%.
0:00 / 0:00
0:00
Nhiều đơn vị được cấp thêm chỉ tiêu tín dụng, điều này giúp các ngân hàng có thêm dư địa tăng trưởng trong thời gian tới, đặc biệt với bối cảnh nhiều bên đã chạm trần tín dụng sau 9 tháng đầu năm.

Theo thông tin từ nhiều công ty chứng khoán, room tín dụng mới đã được Ngân hàng Nhà nước phát tới từng ngân hàng thương mại.

Cụ thể, TPBank là ngân hàng được cấp room tăng trưởng cao nhất là 23,4% cho cả năm 2021, nới thêm đáng kể so với mức 17,4% trước đó. 3 ngân hàng khác được tăng trưởng tín dụng trên 20% trong năm nay còn có Techcombank (22,1%), MSB (22%) và MBB (21%).

Các ngân hàng khác cũng được nới mạnh room tín dụng: VIB (19,1%), VPBank (17,1%), Vietcombank (15%), OCB (15%), ACB (13,1%). Trong khi đó, 2 ngân hàng thương mại nhà nước là BIDV và VietinBank được nới ít nhất, lần lượt lên mức 12% và 12,5%.

Tính chung, hạn mức tín dụng trong năm 2021 của các ngân hàng đã được nới lên 13,8%.

Room tín dụng mới của một số ngân hàng niêm yết

Room tín dụng mới của một số ngân hàng niêm yết

Được biết, tại đợt nới room tín dụng hồi quý 3, Ngân hàng Nhà nước từng nhấn mạnh, việc điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng được thực hiện trên cơ sở đề nghị của tổ chức tín dụng, đánh giá tình hình hoạt động, năng lực tài chính, quản trị điều hành và khả năng mở rộng tín dụng lành mạnh của từng tổ chức tín dụng.

Đồng thời, nhà điều hành sẽ ưu tiên đối với tổ chức tín dụng thực hiện chủ trương của Chính phủ và chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất cho vay nhằm chia sẻ khó khăn, đồng hành cùng doanh nghiệp, người dân.

Thực tế, sau khi được nới room tín dụng nhiều ngân hàng đã đồng loạt giảm lãi suất theo khuyến nghị của Ngân hàng Nhà nước. Phần lớn các ngân hàng đều giảm ít nhất 1%/năm cho tổng dư nợ hiện hữu của chính khách hàng đó tại thời điểm 15/7 đến hết năm 2021.

Tuy nhiên, với đợt nới room quý 4 này, giới chuyên gia cho rằng chủ yếu là do Ngân hàng Nhà nước muốn giúp các ngân hàng có thêm dư địa tăng trưởng trong thời gian tới, trong điều kiện nhiều ngân hàng đã chạm trần tín dụng trong 9 tháng đầu năm.

Hiện tại, dịch Covid-19 có tác động tiêu cực vào nhu cầu tín dụng cũng như dự phòng của các ngân hàng. Song ảnh hưởng này không làm điều chỉnh giảm quá nhiều lợi nhuận, do các ngân hàng đã hoàn thành khoảng 80% kế hoạch của cả năm và trích lập phần lớn các khoản nợ tái cơ cấu cần trích trong năm 2021.

Ngoài ra, chất lượng tài sản của các ngân hàng đang trong tầm kiểm soát. Cụ thể, mặc dù có sự ảnh hưởng giảm chất lượng tài sản do dịch bệnh nhưng với chính sách kiểm duyệt tín dụng chặt chẽ và tỷ lệ bao phủ nợ xấu cao, các ngân hàng có thể quản lý chất lượng tài sản tốt và giữ ở mức như hiện nay (tỷ lệ nợ xấu khoảng 1,6-1,7%). Một số ngân hàng đã tăng trích lập dự phòng, và cải thiện mạnh tỷ lệ bao phủ nợ xấu (BIDV, MB, Techcombank, Vietcombank,…).

Không những thế, nợ tái cơ cấu sẽ không quá ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của các ngân hàng do doanh thu của ngân hàng tạo ra ở mức cao giúp các ngân hàng đủ khả năng trích lập thêm mà không ảnh hưởng nhiều đến tăng trưởng. Đồng thời, dự kiến các khoản nợ tái cơ cấu sẽ không tăng nhiều nhờ sự mở cửa lại của nền kinh tế.

Đáng chú ý, tỷ lệ an toàn vốn (CAR) theo Basel 2 tiếp tục được giữ ở mức cao, và tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn giữ ở mức an toàn. Các tỷ lệ khác đều đảm bảo tốt tỷ lệ yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước.

Như vậy, với việc chất lượng tài sản vẫn được bảo đảm, bộ đệm dự phòng chưa bị hao hụt quá nhiều, giờ đây lại được nới thêm dư địa tăng trưởng tín dụng, nhiều khả năng lợi nhuận ngân hàng vẫn sẽ tốt trong năm 2021.

Trong báo cáo mới nhất, Công ty Chứng khoán BSC cập nhật dự báo doanh thu và lợi nhuận của toàn ngành ngân hàng năm 2021 lần lượt ở mức 406.694 tỷ đồng (tăng 16,7% so với năm tước) và 163.846 tỷ đồng (tăng 24,2%).

Dài hạn hơn, trong năm 2022, nhóm nghiên cứu tại công tỷ chứng khoán này kỳ vọng tốc độ tăng trưởng của ngành ngân hàng có thể lên mức 22,2% nhờ kinh tế phục hồi sau dịch và mức nền lợi nhuận thấp hơn trong năm 2021.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Eximbank báo lãi quý 1/2024 giảm 24%

Eximbank báo lãi quý 1/2024 giảm 24%

Năm 2024, Eximbank đặt tham vọng lãi trước thuế tăng tới 90% so với 2023, tuy nhiên hết quý 1, lợi nhuận ngân hàng này chỉ đạt hơn 661 tỷ đồng, giảm 24% so với cùng kỳ năm trước và thực hiện được 13% kế hoạch.
TPBank khép lại quý 1/2024 với kết quả kinh doanh khởi sắc.

TPBank báo lãi 1.800 tỷ đồng trong quý 1/2024

Kết thúc quý 1/2024, lợi nhuận của TPBank đạt hơn 1.800 tỷ đồng. Đáng chú ý, ngân hàng đã tiến hành góp vốn vào CTCP Quản lý quỹ Việt Cát (VFC), bước đầu mở rộng quy mô nhằm phát triển trở thành tập đoàn tài chính vững mạnh.