Hà Nội có thêm 500 sản phẩm OCOP trong năm 2021

NÔNG NGHIỆP HÀ NỘI
08:43 - 21/12/2021
Hà Nội có thêm 500 sản phẩm OCOP trong năm 2021
0:00 / 0:00
0:00
Theo Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng điều phối xây dựng nông thôn mới Hà Nội Nguyễn Văn Chí, dự kiến tới cuối năm 2021 tổng sản phẩm OCOP của thành phố sẽ lên tới con số 1.500.

Ông Chí cho biết, năm 2021, thành phố có 22 trên 27 quận, huyện, thị xã đăng ký 581 sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng OCOP. Đến nay, Tổ công tác giúp việc Hội đồng của thành phố Hà Nội đã đánh giá, phân hạng đối với 493 sản phẩm.

Trước đó, theo Sở Công thương Hà Nội, toàn thành phố có hơn 1054 sản phẩm của 225 doanh nghiệp hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh được công nhận là sản phẩm OCOP. Sở cho biết sản phẩm OCOP của thành phố phần lớn được đánh giá, phân hạng là sản phẩm chất lượng từ 3-5 sao.

Trong giai đoạn từ năm 2019-2020, thành phố Hà Nội đã đánh giá, phân hạng và quyết định công nhận được 1.054 sản phẩm OCOP Hà Nội, trong đó có 4 sản phẩm được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận 5 sao, có 13 sản phẩm tiềm năng 5 sao (chiếm 1,61%); 731 sản phẩm 4 sao (chiếm 69,36%); 306 sản phẩm 3 sao (chiếm 29,03%).

4 sản phẩm OCOP đạt 5 sao bao gồm: Bộ bát đĩa gốm sứ hoa sen đỏ, bộ bát đĩa gốm sứ chim én hoa sen, bộ bát đĩa gốm sứ rồng phượng và bộ ấm chén gốm sứ chim én hoa sen. Cả 4 sản phẩm OCOP 5 sao này đều do Công ty TNHH Gốm sứ Quang Vinh (huyện Gia Lâm) sản xuất.

Trong tổng số 1.054 sản phẩm OCOP Hà Nội, có 691 sản phẩm thực phẩm (chiếm 65,56%), đồ uống 30 sản phẩm (chiếm 2,85%), thảo dược 7 sản phẩm (chiếm 0,66%), vải, may mặc 27 sản phẩm (chiếm 2,56%), sản phẩm lưu niệm, nội thất và trang trí 299 sản phẩm (chiếm 28,37%).

Theo báo cáo của Văn phòng điều phối Nông thôn mới Trung ương, sau hơn 3 năm triển khai chương trình OCOP, đến nay cả nước đã có 4.957 sản phẩm OCOP 3 sao đến tiềm năng 5 sao; 2.711 chủ thể có sản phẩm OCOP, trong đó có 37,6% là HTX, 27,7% là doanh nghiệp. Đặc biệt, năm 2020 đã có 20 sản phẩm OCOP 5 sao được công nhận.

Các sản phẩm OCOP được phát triển theo 6 nhóm, ưu tiên các sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ đặc sắc, truyền thống và có lợi thế ở mỗi địa phương, theo hướng phát huy trí tuệ sáng tạo, lao động, văn hóa địa phương…

Ông Nguyễn Minh Tiến, Cục trưởng, Chánh Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương cho biết, triển khai Chương trình OCOP với nhiệm vụ chính là xây dựng lên những sản phẩm có tính chất "đa giá trị tích hợp" đó là kinh tế, văn hóa, xã hội.

Từ những sản phẩm nông nghiệp đơn thuần, chủ thể OCOP sẽ phát triển thành sản phẩm các giá trị văn hóa truyền thống của địa phương. Chương trình OCOP sẽ thay đổi tư duy của người nông dân từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp. Đồng thời phát huy sự gắn kết của chủ thể với cộng đồng.

OCOP - "Mỗi xã, phường một sản phẩm" là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị. Đây được coi là giải pháp, nhiệm vụ trong triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Trọng tâm của Chương trình OCOP là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế tư nhân (doanh nghiệp, hộ sản xuất) và kinh tế tập thể thực hiện.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà. Ảnh: VGP

Rà soát toàn diện các dự án BOT giao thông

Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 190 ngày 3/5/2024 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà về giải pháp xử lý khó khăn, vướng mắc tại một số dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức hợp đồng BOT.