Hà Nội đưa 92 biệt thự cổ vào danh sách bảo tồn, chỉnh trang

Biệt thự HÀ NỘI
14:56 - 12/08/2022
0:00 / 0:00
0:00
Trong số 1.216 biệt thự cũ trên địa bàn, Sở Xây dựng và Sở Quy hoạch - kiến trúc Hà Nội vừa rà soát, lựa chọn 92 biệt thự được xây dựng trước năm 1954 để đưa vào danh mục chỉnh trang, bảo tồn.

Sở Xây dựng và Sở Quy hoạch - kiến trúc TP Hà Nội vừa rà soát, kiểm tra và lựa chọn 30 biệt thự cũ do thành phố quản lý, 50 biệt thự cũ do Trung ương quản lý và 12 công trình kiến trúc có giá trị xây dựng trước năm 1954 để đưa vào danh mục chỉnh trang, bảo tồn.

Đồng thời các đơn vị chức năng lập kế hoạch bảo tồn, chỉnh trang biệt thự cũ, công trình kiến trúc khác; lập hồ sơ quản lý biệt thự cũ; khảo sát, đánh giá và kiểm định chất lượng biệt thự cũ để trình UBND TP Hà Nội.

Hà Nội cũng sẽ xem xét việc cải tạo, chỉnh trang các biệt thự: 59 Hai Bà Trưng, 46 Phan Bội Châu, 51 Hàng Chuối, 12 Lê Quý Đôn, 22 Tăng Bạt Hổ, 8 Nguyễn Biểu, 12 Cao Bá Quát, 46 Trần Hưng Đạo, 20 Hai Bà Trưng, 68 Thợ Nhuộm.

Nhiều ngôi biệt thự cổ xuống cấp nghiêm trọng. Ảnh: Quách Sơn.

Nhiều ngôi biệt thự cổ xuống cấp nghiêm trọng. Ảnh: Quách Sơn.

Ngoài ra, thành phố sẽ tiếp tục đôn đốc, hướng dẫn các quận bảo trì, cải tạo, sửa chữa biệt thự cũ được xây dựng trước năm 1954 tại địa chỉ: 72 Lý Thường Kiệt, 28A Điện Biên Phủ, 51 Trần Hưng Đạo, 46 Hàng Bài, 49 Trần Hưng Đạo, 45 Quang Trung, số 2-4 Lê Phụng Hiểu.

Trước đó, UBND TP Hà Nội ban hành Quyết định 1845/QĐ-UBND về danh mục nhà biệt thự cũ được xây dựng từ trước năm 1954 thay thế Quyết định số 7177/QĐ-UBND ngày 28/11/2013 của UBND TP.

Quyết định này gồm danh mục 1.216 nhà biệt thự cổ, được chia làm 3 nhóm: Nhóm 1 có 222 biệt thự; nhóm 2 có 356 biệt thự và nhóm 3 có 638 biệt thự, thuộc đối tượng quản lý theo Quy chế quản lý, sử dụng biệt thự cổ.

Quyết định này nêu rõ, tất cả các biệt thự nằm trong danh mục danh mục quản lý, bao gồm cả biệt thự thuộc sở hữu của Nhà nước, của các tổ chức, của hộ gia đình, cá nhân... không được tự ý phá dỡ.

Trường hợp biệt thự nhóm 1 và 2 bị hư hỏng nặng, xuống cấp, có nguy cơ sập đổ, đã có kết luận của cơ quan có thẩm quyền về kiểm định chất lượng công trình xây dựng và phải được Sở Xây dựng kiểm tra, báo cáo UBND TP và HĐND TP (đối với biệt thự nhóm 1).

Đối với biệt thự nhóm 2, cho phép phá dỡ, xây dựng lại theo kiểu dáng kiến trúc, quy hoạch của nhà biệt thự cũ (mật độ xây dựng, số tầng, độ cao).

Trường hợp biệt thự nhóm 3 bị hư hỏng nặng, xuống cấp hoặc có nguy cơ sập đổ đã có kết luận của cơ quan có thẩm quyền về kiểm định chất lượng công trình xây dựng, Sở Xây dựng, UBND quận kiểm tra, báo cáo UBND TP cho phép mới được phá dỡ. Công trình xây dựng lại trên khuôn viên đất phải là nhà thấp tầng, phù hợp với quy hoạch, kiến trúc được phê duyệt...

Đáng chú ý, Hà Nội không cho phép đăng ký biến động về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản gắn liền với đất thuộc các trường hợp: Chia tách thành nhiều thửa đất đối với khuôn viên đất của nhà biệt thự thuộc sở hữu tư nhân; chặt hạ cây xanh cổ thụ, xây thêm công trình mới trên khuôn viên đất trống của nhà biệt thự; chia tách hợp đồng thuê nhà đối với biệt thự thuộc sở hữu Nhà nước.

Sau khi Quyết định số 1845/QĐ-UBND được UBND TP Hà Nội ban hành, nhằm siết chặt quản lý các biệt thự cũ trên địa bàn, tháng 7/2022, Sở Xây dựng Hà Nội đã có văn bản đôn đốc, nhắc nhở việc chấp hành quy định pháp luật trong quản lý, sử dụng quỹ biệt thự cũ được xây dựng trước năm 1954 trên địa bàn thành phố.

Theo UBND TP Hà Nội, thời gian vừa qua, việc quản lý biệt thự cũ trên địa bàn Hà Nội gặp rất nhiều khó khăn. Vẫn còn nhiều vụ vi phạm trật tự xây dựng, sửa chữa không có giấy phép, không đúng quy cách, người dân tự cơi nới, lắp thêm “chuồng cọp," tranh chấp ranh giới, tranh chấp quyền sử dụng giữa các chủ sở hữu và người mua đi bán lại...Do đó, UBND thành phố mong muốn việc ban hành quyết định trên sẽ tăng cường và siết chặt việc quản lý, giúp cơ quan chức năng, cán bộ cơ sở dễ thực thi nhiệm vụ.

Tin liên quan

Đọc tiếp