Hàn Quốc đề nghị nghiên cứu tái triển khai dự án điện hạt nhân tại Việt Nam

ĐIỆN HẠT NHÂN Việt nAM
11:11 - 22/02/2022
Hàn Quốc đề nghị nghiên cứu tái triển khai dự án điện hạt nhân tại Việt Nam
0:00 / 0:00
0:00
Trong bài phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF), Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc đề xuất hợp tác với chính phủ Việt Nam nghiên cứu sản xuất điện hạt nhân, nhằm hướng đến nguồn cung điện ổn định trong tương lai.

Tại diễn đàn, ông Kim Han Yong, chủ tịch hiệp hội các doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (Korcham) đồng thuận với định hướng đẩy mạnh mở rộng các dự án năng lượng mới và tái tạo, bao gồm cả điện mặt trời, cũng như các chính sách điện của Chính phủ Việt Nam.

Tuy nhiên, theo Korcham, để hỗ trợ mở rộng phổ cập nguồn năng lượng tái tạo, không chỉ cần mở rộng mạng lưới truyền tải điện mà còn cần có nguồn điện cơ sở để đảm bảo ổn định và không gián đoạn sản xuất điện.

Về vấn đề này, trong tầm nhìn trung và dài hạn, hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam cho rằng cần có một đánh giá sâu về sự cần thiết phải tái triển khai các dự án sản xuất điện hạt nhân của Việt Nam, việc mà trước đó đã bị tạm dừng thảo luận.

Ảnh tác giả

"Hàn Quốc có nhiều kinh nghiệm và bí quyết trong lĩnh vực sản xuất điện hạt nhân và xuất khẩu ra nước ngoài, nên Hàn Quốc có thể hợp tác với chính phủ Việt Nam để hướng đến nguồn cung điện ổn định trong tương lai".

Ông Kim Han Yong

Cũng trong báo báo, đại diện Korcham cho biết, các công ty của quốc gia này, trong đó có KOGAS đang quan tâm đến dự án sản xuất điện LNG, đặc biệt đang có nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc (Korea Gas Corporation, South Power, Hanwha Energy) đang tham gia trong dự án Hải Lăng giai đoạn I ở tỉnh Quảng Trị, dự kiến sẽ bắt đầu khai thác thương mại trong giai đoạn 2026 -2027.

Tuy nhiên, tiến độ dự án vốn được phê duyệt trong quy hoạch điện VII nay đã được chuyển đổi sang dự thảo quy hoạch điện VIII, trong đó nêu rõ sẽ tiến hành sau 2040, do vậy và các nhà đầu tư cũng như chính quyền tỉnh đang đối mặt với vấn đề khá nghiêm trọng.

"Chúng tôi rất mong chính phủ Việt Nam quan tâm và tạo điều kiện để dự án có thể được thực hiện như kế hoạch ban đầu", hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc thông tin.

Nhìn vào thực tế, những năm gần đây, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam luôn ở mức cao so với khu vực và thế giới, điều đó cũng đòi hỏi nhu cầu sử dụng điện ngày càng cao để phục vụ sản xuất và mức sống ngày một tăng của người dân.

Trong khi đó, thủy điện và nhiệt điện than đang chiếm tỷ trọng lớn trong việc cung cấp điện lưới quốc gia nhưng Việt Nam đã hết dư địa khai thác thủy điện, thậm chí đang đối mặt với các vấn đề về an ninh nguồn nước. Còn nhiệt điện than đang bị hạn chế do ô nhiễm môi trường, bụi mịn PM2.5 và các mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, chống biến đổi khí hậu.

Chính vì thế, việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân tại Việt Nam được nhiều chuyên gia khuyến nghị dựa trên các ưu điểm như: Đa dạng hóa nguồn năng lượng, góp phần đáp ứng nhu cầu điện năng của đất nước, giảm sự phụ thuộc vào nguyên liệu hóa thạch. Ngoài ra, góp phần giảm phát thải, ứng phó biến đổi khí hậu, hạn chế khai thác tài nguyên hóa thạch. Đặc biệt, giúp nâng cao vị thế Việt Nam khi từng bước làm chủ được công nghệ hạt nhân.

Tại dự thảo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (dự thảo Quy hoạch điện VIII) do Bộ Công thương và Viện năng lượng xây dựng. Việc tái khởi động lại dự án điện hạt nhân cũng được đưa ra để xem xét cho giai đoạn sau năm 2030, nhằm góp phần đảm bảo an ninh năng lượng cũng như đáp ứng yêu cầu giảm phát thải khí nhà kính.

Tin liên quan

Đọc tiếp