Hàng loạt địa phương lập tổ công tác gỡ khó cho doanh nghiệp

CẦN THƠ Quảng nam
11:09 - 14/06/2023
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
0:00 / 0:00
0:00
Trước tình hình sản xuất kinh doanh khó khăn, hàng loạt địa phương đã thành lập các tổ công tác do lãnh đạo tỉnh trực tiếp chỉ đạo, nhằm tháo gỡ nhanh nhất các vướng mắc cho các doanh nghiệp.

UBND TP Cần Thơ vừa có quyết định thành lập tổ công tác đặc biệt do ông Trần Việt Trường - Chủ tịch UBND Thành phố làm tổ trưởng.

Tổ công tác có nhiệm vụ rà soát, tổng hợp các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, nhà đầu tư, dự án đầu tư trên địa bàn để báo cáo UBND Thành phố chỉ đạo giải quyết, tháo gỡ đối với các nội dung thuộc thẩm quyền; tổng hợp những khó khăn vượt thẩm quyền để báo cáo Thủ tướng Chính phủ, tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng và bộ, ngành Trung ương.

Bên cạnh đó, tổ công tác còn có nhiệm vụ hướng dẫn doanh nghiệp, nhà đầu tư thực hiện các quy định của pháp luật về đầu tư, sản xuất - kinh doanh và các quy định liên quan; nghiên cứu, đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa và đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền trong giải quyết các thủ tục đầu tư; nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư theo quy định; chủ động tiếp cận, trao đổi, làm việc với các nhà đầu tư tiềm năng nhằm vận động, xúc tiến đầu tư vào các lĩnh vực có thế mạnh.

UBND tỉnh An Giang cũng ban hành Quyết định số 785/QĐ-UBND ngày 1/6/2023 về việc thành lập tổ công tác đặc biệt về rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và hỗ trợ thực hiện dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh.

Tổ công tác do Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình làm tổ trưởng, có nhiệm vụ chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, giám sát, theo dõi việc triển khai thực hiện các dự án đầu tư; kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện các thủ tục về đầu tư, quy hoạch, xây dựng, đất đai, môi trường, công tác tạo quỹ đất, phòng cháy chữa cháy...

Đồng thời trực tiếp chỉ đạo, giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc, kiến nghị, đề xuất của nhà đầu tư trong quá trình thực hiện dự án; trường hợp vượt thẩm quyền thì xin ý kiến của cấp trên trước khi quyết định.

Hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư tiếp cận vị trí, địa điểm dự án kêu gọi đầu tư; tiếp cận cơ chế, chính sách khuyến khích, ưu đãi, hỗ trợ đầu tư theo quy định của Nhà nước. Hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ hoàn chỉnh các thủ tục đầu tư và triển khai thực hiện đối với các dự án đã cấp quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư...

Khu dân cư Sao Mai của Tập đoàn Sao Mai mới được UBND tỉnh An Giang chỉ đạo tháo gỡ vướng mắc liên quan đến tiền sử dụng đất.
Khu dân cư Sao Mai của Tập đoàn Sao Mai mới được UBND tỉnh An Giang chỉ đạo tháo gỡ vướng mắc liên quan đến tiền sử dụng đất.

Các tổ công tác với mục đích tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, cho các dự án cũng đã được thành lập ở Cà Mau, Lâm Đồng, Quảng Nam, Bà Rịa Vũng Tàu, TP HCM, Hải Phòng, Bắc Ninh, Gia Lai…

Phải thực hiện theo cách “đặc biệt”

Các tổ công tác đặc biệt của địa phương ra đời trên cơ sở Nghị quyết 50 ngày 8/4/2023 của Chính phủ nhằm kịp thời rà soát, đề xuất tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh. Đối với vấn đề vượt thẩm quyền, cấp tỉnh sẽ kiến nghị các bộ ngành Trung ương, Chính phủ.

Nhiều địa phương đã thể hiện rõ quyết tâm phát huy hiệu quả tổ công tác đúng tinh thần “nhanh, thuận tiện hơn cách giải quyết thông thường”. Như tại Quảng Nam, ông Lê Trí Thanh – Chủ tịch UBND tỉnh, tổ trưởng tổ công tác yêu cầu việc giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp phải thực hiện theo cách “đặc biệt”, nhanh gọn.

Cách thức giải quyết đặc biệt là 10 ngày giải quyết một lần các khó khăn của doanh nghiệp, cụ thể từng dự án, từng vướng mắc chứ không đợi chờ báo cáo văn bản rườm rà.

Đáng chú ý, với việc 9 đơn vị trong 11 cơ quan, ngành liên quan cử cấp phó tham gia thành viên tổ công tác, ông Lê trí Thanh đã yêu cầu sửa ngay quyết định thành viên, thay 9 cấp phó nói trên bằng giám đốc các sở, ngành, người đứng đầu đơn vị, đồng thời bổ sung 3 thành viên.

Ông Lê Trí Thanh chủ trì cuộc họp tổ công tác đặc biệt. Ảnh: Báo Quảng Nam

Ông Lê Trí Thanh chủ trì cuộc họp tổ công tác đặc biệt. Ảnh: Báo Quảng Nam

Tại Bắc Ninh, ngoài tổ công tác đặc biệt thì tỉnh còn thành lập 5 tổ chuyên gia gỡ khó về các lĩnh vực: Quy hoạch - xây dựng; đất đai - môi trường; đầu tư; lao động; an ninh - an toàn.

Trong đó, tổ công tác đặc biệt có nhiệm vụ tiếp nhận và xử lý thông tin thông qua hệ thống truyền thông đa phương tiện: Cổng thông tin điện tử tỉnh; thành viên thường trực và các tổ trưởng tổ chuyên gia gỡ khó; kênh zalo hỗ trợ doanh nghiệp (đã có); số điện thoại, email cá nhân của thành viên thường trực và tổ trưởng tổ chuyên gia gỡ khó được công khai.

Các tổ chuyên gia gỡ khó lập danh mục các dự án, các hồ sơ cần giải quyết kiến nghị, cập nhật tiến độ thời gian giải quyết gửi thành viên thường trực vào ngày 15 hàng tháng để tổng hợp báo cáo tổ trưởng tổ công tác đặc biệt. Sở Thông tin và Truyền thông thiết lập, đưa vào sử dụng phần mềm phản ánh và xử lý kiến nghị dành cho doanh nghiệp (chậm nhất ngày 1/7/2023).

Tin liên quan

Đọc tiếp