Hàng Việt Nam còn nhiều dư địa xuất khẩu sang Thụy Điển

XNK Việt nAM
09:52 - 23/01/2022
Hàng Việt Nam còn nhiều dư địa xuất khẩu sang Thụy Điển
0:00 / 0:00
0:00
Dù kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Thụy Điển tăng trưởng trở lại trong năm 2021, đặc biệt xuất khẩu đã vượt mức 1,18 tỷ USD của năm 2019, nhưng quốc gia Bắc Âu này vẫn là thị trường còn nhiều dư địa mà doanh nghiệp Việt chưa khai thác hết. 

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, trong năm 2021, kim ngạch hai chiều giữa Việt Nam và Thụy Điển đạt khoảng 1,52 tỷ USD, tăng 2,8% so với năm 2020, trong đó xuất khẩu sang Thụy Điển đạt khoảng 1,2 tỷ USD, tăng 6%. Kim ngạch nhập khẩu từ Thụy Điển đạt 321,59 triệu USD, giảm 9% so với cùng kỳ năm 2020.

Cụ thể, với mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam là điện thoại và các loại linh kiện, kim ngạch vẫn duy trì ở mức cao, đạt khoảng 597 triệu USD dù chỉ tăng 1% so với năm 2020.

Đa phần kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng của Việt Nam sang Thụy Điển đều tăng. Trong đó, một số mặt hàng khác lại có mức tăng trưởng đáng kể, cao nhất là nguyên phụ liệu, da giày, với kim ngạch đạt 10 triệu USD, tăng 62% so với con số 6,2 triệu USD năm 2020. Đây là dấu hiệu tích cực đối với Việt Nam, khi các đối thủ cạnh tranh truyền thống của Việt Nam tại thị trường này như Bangladesh, Campuchia, Indonesia và cả Trung Quốc đều sụt giảm từ khoảng 2 – 20 %kim ngạch xuất khẩu.

Bên cạnh đó, mặt hàng gốm, sứ, thủ công mỹ nghệ cũng là mặt hàng có sự tăng trưởng mạnh, dù kim ngạch chưa chiếm phần nhiều, chỉ đạt 3,8 triệu USD, nhưng đã tăng 49% so với năm trước. Có thể thấy được tiềm năng của Việt Nam trong việc đưa hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam tới với các khách hàng Thụy Điển.

Một mặt hàng khác cũng có kim ngạch tăng mạnh, là máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác, với mức tăng 42%, mặt hàng này đã đóng góp hơn 77,1 triệu USD vào kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Đồng thời với đó là mặt hàng kim loại thường và các loại sản phẩm, cũng tăng 35%, đạt hơn 1,9 triệu USD.

Những ngành này của Việt Nam đang được hưởng lợi từ việc dịch chuyển cơ cấu các ngành sản xuất của Thụy Điển khiến nhu cầu các sản phẩm máy móc, thiết bị, phụ tùng rất lớn.

Theo đó, Thụy Điển có lĩnh vực kỹ thuật công nghiệp/ sản xuất đang phát triển mạnh mẽ, chiếm hơn 20% GDP. Từ năm 2017, Chính phủ Thụy Điển đã khởi động giai đoạn hai của chiến lược phát triển ngành công nghiệp sản xuất, lộ trình công nghiệp hóa thông minh.

Ngoài ra, các mặt hàng cũng có kim ngạch tăng trưởng mạnh là hàng thủy sản (18,8 triệu USD, tăng 32%), mặt hàng dệt may (83,3 triệu USD, tăng 32%), các sản phẩm mây, tre, cói và thảm (14,5 triệu USD, tăng 28%), các sản phẩm từ chất dẻo (21,4 triệu USD, tăng 25%)…

Ngược lại, có những mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam bị giảm mạnh, trong đó có thể kể đến như cao su (kim ngạch chỉ đạt 642 nghìn USD, giảm tới 36%), máy tính và sản phẩm điện tử, linh kiện (đạt 69 triệu USD, giảm 13%)…

Bên cạnh đó, kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Thụy Điển cũng đã có sự giảm sút so với năm trước, trong đó, giảm nhiều nhất ở mặt hàng máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, kim ngạch nhập khẩu giảm 54%, chỉ đạt 2,4 triệu USD.

Tuy nhiên, vẫn có những mặt hàng nhập khẩu của Việt Nam có kim ngạch tăng trưởng tốt trong năm 2021, tiêu biểu là mặt hàng chiếm tỉ trọng nhập khẩu lớn nhất là máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác, đạt gần 123 triệu USD, tăng 10% so với năm 2020. Việt Nam đang đẩy mạnh việc phát triển công nghiệp chế biến nên có nhu cầu nhập khẩu rất lớn đối với các loại máy móc công nghệ của các nước phát triển, trong đó có Thụy Điển.

Bên cạnh đó, sản phẩm từ chất dẻo là mặt hàng nhập khẩu có mức tăng trưởng lớn nhất, tăng gấp gần 3 lần (191%), từ 3,2 triệu USD lên tới 9,5 triệu USD. Đồng thời, kim ngạch nhập khẩu chất dẻo nguyên liệu cũng tăng tới 80% so với năm trước, lên 4,5 triệu USD.

Một số sản phẩm nhập khẩu khác cũng có sự tăng trưởng là sắt thép các loại (đạt 15,5 triệu USD, tăng 32%), sản phẩm hóa chất (đạt 18 triệu USD, tăng 29%), sản phẩm từ dầu mỏ (đạt 1,6 triệu USD, tăng 19%)…

Có thể thấy, Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa phát triển trong xuất nhập khẩu với Thụy Điển. Bởi cơ cấu kinh tế của quốc gia này có tới gần 27% GDP là của ngành công nghiệp và đang có những kế hoạch thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp hiện đại hóa. Do vậy, nhu cầu máy móc, linh kiện, nguyên liệu sắt thép, vốn đang là những mặt hàng xuất khẩu chính trong những năm gần đây của Việt Nam, sẽ rất cao.

Ngoài ra, người Thụy Điển có nhu cầu rất lớn với các mặt hàng dệt may, thời trang, tuy nhiên doanh nghiệp Việt Nam đang chưa có sự quan tâm đúng mức và đầu tư đủ để phát triển sản phẩm Việt Nam tại thị trường này.

Thủy sản cũng là mặt hàng thế mạnh của Việt Nam, với các mặt hàng xuất khẩu thủy sản chính là tôm, cá, mực đông lạnh. Tuy nhiên, kim ngạch mới chỉ đạt khoảng 18 triệu USD, trong khi nhu cầu thủy sản của Thụy Điển rất lớn. Mỗi năm, thị trường này tiêu thụ tới 150.000 tấn, trong đó nhập khẩu gần 65.000 tấn.

Ngoài ra, nông sản (rau và hoa quả) cũng là mặt hàng nhập khẩu lớn của Thụy Điển, khi đất nước này nhập khẩu tới 95% rau và 60% hoa quả để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước. Cà chua là mặt hàng chiếm thị phần rau nhập khẩu lớn nhất. Do tình hình khí hậu của Thụy Điển, việc trồng cà chua rất khó, vì vậy thường được nhập khẩu quanh năm. Nhà cung cấp chủ yếu là Hà Lan và Canary. Ngoài ra, các loại quả nhiệt đới như xoài, đu đủ, dứa, vải… cũng hứa hẹn xu hướng thị trường tích cực trong những năm gần đây.

Dù vậy, rau quả của Việt Nam vẫn chưa thể xuất hiện trên giỏ hàng của các thương nhân Thụy Điển. Vì vậy, các doanh nghiệp Việt cần cải thiện hơn nữa chất lượng sản phẩm, đặc biệt là vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Bởi Thụy Điển nói riêng và EU nói chung rất khắt khe về tiêu chuẩn chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm.

Các chuyên gia cho rằng, trong thời gian tới, doanh nghiệp và nhà sản xuất, vùng trồng cần mở rộng việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật để có sản phẩm sạch, đạt tiêu chuẩn chất lượng quốc tế và có thêm nhiều rau quả trái vụ. Đồng thời, cũng cần chú ý việc xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm đặc sản Việt Nam cũng như quảng bá, đẩy mạnh tiếp cận nhiều hơn các sản phẩm rau quả Việt Nam tới khách hàng quốc tế.

Tin liên quan

Đọc tiếp