Hậu biến động thượng tầng, Eximbank đặt mục tiêu lợi nhuận 2.500 tỷ đồng

EXIMBANK Việt nAM
16:59 - 07/04/2022
0:00 / 0:00
0:00
Sau thời gian dài đi lùi vì những bất ổn trong hệ thống nhân sự thượng tầng, Eximbank đặt mục tiêu lợi nhuận năm 2022 tăng 107,5%, quyết tâm giảm tỷ lệ nợ xấu dưới 1,7%.

Cụ thể, trong tài liệu ĐHĐCĐ vừa công bố, năm 2022, Eximbank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 2.500 tỷ, tăng 107,5% so với năm 2021. Tổng tài sản dự kiến tăng 7,9% lên 179.000 tỷ đồng. Huy động vốn tăng 7,4% đạt 147.600 tỷ, dư nợ cấp tín dụng tăng 10% đạt 127.149 tỷ đồng. Đặc biệt, ngân hàng có kế hoạch giảm tỷ lệ nợ xấu từ 1,96% cuối năm 2021 xuống dưới 1,7% trong năm 2022.

Năm 2022 cũng là một dấu mốc quan trọng đối với Eximbank khi nhân sự cấp thượng tầng có sự biến động mạnh, HĐQT nhiệm kỳ 2020-2025 chính thức được bầu với danh sách 7 nhân sự trúng cử chỉ duy nhất một thành viên của HĐQT nhiệm kỳ trước ở lại. Ngoài ra, ngân hàng cũng đặt ra định hướng phát triển đẩy mạnh chuyển đổi số nhằm cung cấp cho khách hàng đa dạng dịch vụ và những trải nghiệm tiện ích.

Nhìn lại năm 2021, đây được xem là một năm sóng gió với Eximbank khi các nhóm cổ đông lớn không tìm được tiếng nói chung khiến nhiều hoạt động của ngân hàng bị đình trệ. Cùng với đó, cổ đông chiến lược nước ngoài SMBC thoái lui khi khoản đầu tư của vào Eximbank kém hiệu quả, nhất là từ năm 2013 đến nay khiến hoạt động của ngân hàng tăng trưởng chậm lại so với nhà băng cùng quy mô.

Kết quả, lợi nhuận trước thuế của Eximbank năm 2021 chỉ còn đứng thứ 19 trong hệ thống, thấp hơn nhiều ngân hàng nhỏ, ngân hàng tầm trung, đạt mức 1.100 tỷ đồng, giảm gần 18% so với lợi nhuận trước thuế năm 2020 là 1.340 tỷ đồng. Thu nhập ngoài lãi cả năm dự kiến đạt 943 tỷ đồng. Theo lý giải của lãnh đạo EIB, sở dĩ lợi nhuận năm qua không đạt mục tiêu do ngân hàng chưa xử lý được các khoản nợ mua lại từ VAMC để hoàn nhập dự phòng, vì tác động của đợt dịch Covid-19 thứ 4.

Tính đến ngày 31/12/2021, tổng tài sản của ngân hàng Eximbank đạt 166.000 tỷ đồng, huy động vốn đạt 138.600 tỷ đồng. Dư nợ cấp tín dụng của Eximbank năm qua đạt 115.790 tỷ đồng, tăng đến 13% so cùng kỳ năm 2020. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng của Eximbank duy trì dưới 2%, tổng nợ xấu khoảng 2.400 tỷ đồng.

Câu chuyện trước mắt của Eximbank có lẽ vẫn là dấu hỏi về vấn đề 15% cổ phần của SMBC tại Eximbank sẽ thuộc về ai khi thông cáo mới nhất vẫn thông tin: Các cuộc thảo luận liên quan đến tương lai của số cổ phiếu trên đang được tiến hành. Hiện chưa có quyết định cuối cùng nào được đưa ra ở thời điểm này.

Một cách tích cực, việc SMBC thoái vốn khỏi Eximbank cũng sẽ đem lại cơ hội cho nhóm cổ đông muốn nắm quyền chi phối lớn tại Eximbank nếu nhận chuyển nhượng 15% vốn này.

Dẫu vậy, cổ đông, nhà đầu tư và thị trường vẫn kỳ vọng Eximbank sớm ổn định để từng bước đưa ngân hàng phát triển trở lại. Bởi chính bất ổn thượng tầng trong thời gian dài đã làm lung lay vị trí top đầu ngân hàng tư nhân.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Ảnh minh họa: PGBank đã có những phát triển vượt bậc sau khi cổ đông sáng lập là Petrolimex thoái vốn và sự tham gia của Tập đoàn Thành Công.

Những cổ đông ‘gần lớn’ ở PGBank

ĐHĐCĐ năm 2024 của PGBank có sự tham dự của 20 cổ đông, đại diện cho 97,424% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết. Xét theo tỷ lệ, đây là con số rất cao trên thị trường, thậm chí còn cao hơn các ngân hàng thương mại quốc doanh.
Eximbank báo lãi quý 1/2024 giảm 24%

Eximbank báo lãi quý 1/2024 giảm 24%

Năm 2024, Eximbank đặt tham vọng lãi trước thuế tăng tới 90% so với 2023, tuy nhiên hết quý 1, lợi nhuận ngân hàng này chỉ đạt hơn 661 tỷ đồng, giảm 24% so với cùng kỳ năm trước và thực hiện được 13% kế hoạch.