Ắc quy Tia Sáng sẽ là nền tảng để DGC sản xuất pin lithium. |
Thông tin được ông Đào Hữu Huyền – Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Hóa chất Đức Giang (mã DGC) chia sẻ tại ĐHĐCĐ thường niên 2023 tổ chức sáng nay (29/3), khi cổ đông đặt câu hỏi về việc mua 51% vốn tại Ắc Quy Tia Sáng (TSB).
Theo ông Huyền, Đức Giang hiện đã là công ty mẹ của Ắc quy Tia Sáng. Doanh số của công ty này hiện chỉ đi ngang là 180-200 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đi ngang ở mức 3-4 tỷ.
Khẳng định không nhắm đến đất đai vì DGC đang có quỹ đất lớn chưa khai thác xong, ông Huyền cho biết sẽ thực hiện tham vọng đẩy doanh thu Ắc quy Tia Sáng lên 1.000 tỷ đồng, với chiến lược tận dụng nền tảng của Ắc quy Tia Sáng để sản xuất pin lithium - một yếu tố rất quan trọng cho dòng xe điện hiện nay.
Chủ tịch DGC nhận định, Việt Nam không có lithium nên đang phải nhập lithium từ Trung Quốc và các nước khác. Công ty đã “nuôi quân” 200 người tại mảng này và sẽ bắt tay làm từ quý 2/2023.
DGC được biết đến là nhà sản xuất và xuất khẩu hàng đầu về phốt pho vàng, axit photphoric, phân lân tại Việt Nam. Trong đó, phốt pho vàng và axit photphoric điện tử - sản phẩm từ phốt pho vàng hiện cũng là nguyên liệu thô quan trọng trong quá trình sản xuất chất bán dẫn (phục vụ cho thiết bị 5G) và xu hướng sản xuất xe điện (phục vụ cho pin).
Thực tế, DGC đã phát triển một số hóa chất phốt pho mới phục vụ cho ngành công nghiệp pin lithium bùng nổ trên thế giới trong 2 năm trở lại đây.
Về kế hoạch kinh doanh, năm 2023, Hóa chất Đức Giang đặt kế hoạch tổng doanh thu hợp nhất đạt 10.875 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 3.000 tỷ đồng, lần lượt giảm 25% và 50% so với thực hiện năm 2022.
DGC đặt kế hoạch thận trọng trong bối cảnh mảng phốt pho vàng (đóng góp hơn 50% tổng doanh thu) có thể ghi nhận mức tăng trưởng âm do suy thoái kinh tế đang diễn ra, nhu cầu điện tử có thể sụt giảm mạnh trong 2023. Chủ tịch Hóa chất Đức Giang cũng chia sẻ, kế hoạch lợi nhuận năm 2023 so với 2022 có thể xem là một cách lập dự phòng cho giá phốt pho.
Theo ông Huyền, giá bán phốt pho Việt Nam hiện nay đang cao hơn mặt bằng chung thế giới. Tuy nhiên các khách hàng Đài Loan, Hàn Quốc... chấp nhận trả giá cao hơn vì họ chú trọng vào chất lượng. Còn Trung Quốc hiện không xuất phốt pho ra ngoài. Tuy nhiên, so sánh giá thì Việt Nam và Trung Quốc đang khá tương đồng.
Đánh giá về việc Trung Quốc mở cửa tác động thế nào đến DGC, ông Huyền cho rằng “rất khó nói”, tuy nhiên hiện tại vẫn chưa thấy tác động gì đáng kể. Trung Quốc cũng chưa có kế hoạch xuất phốt pho và nhiều nhà máy chưa hoạt động hoàn toàn.
Lãnh đạo DGC cho biết thêm, công ty hưởng lợi rất nhiều từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc, hiện Mỹ đã áp thuế lên axit photphoric của Trung Quốc. Vì vậy, doanh nghiệp đang đẩy mạnh khai thác với khách hàng này, đang làm việc với 3-4 đối tác Mỹ. Mới đây, DGC còn thành công trở thành nơi cung cấp axit photphoric cho Coca-Cola. Đây là khách hàng lớn và nhu cầu của họ rất cao.