Hoa Sen chuyển hướng kinh doanh, muốn niêm yết thêm hai công ty thành viên

DOANH NGHIỆP Việt nAM
14:20 - 21/03/2022
Hoa Sen muốn tập trung phát triển chuỗi phân phối vật liệu xây dựng và nội thất.
Hoa Sen muốn tập trung phát triển chuỗi phân phối vật liệu xây dựng và nội thất.
0:00 / 0:00
0:00
“Bây giờ người ta nói đến Hoa Sen là nói đến ống tôn, ống thép. Trong 5-10 năm tới, khi nói đến Hoa Sen người ta sẽ nhắc đến hệ thống phân phối vật liệu xây dựng Hoa Sen Home, nếu vận hành tốt có thể đạt doanh thu xấp xỉ 50.000 tỷ đồng”.

Đó là chia sẻ của Chủ tịch Lê Phước Vũ trong ĐHĐCĐ thường niên 2022 CTCP Tập đoàn Hoa Sen (mã chứng khoán HSG), tổ chức vào sáng 21/3. Cụ thể, ông cho biết Hoa Sen sẽ không đầu tư vào sản xuất nữa, do đó những tài sản không liên quan đến hệ thống phân phối đều sẽ được tập đoàn bán hết, kể cả dự án khách sạn, khu công nghiệp… Thay vào đó, doanh nghiệp tập trung nguồn lực phát triển mảng tối ưu nhất, tạo ra giá trị nhiều nhất là hệ thống Hoa Sen Home.

“Muốn phát triển ngành thép nữa thì phải đầu tư vào thượng nguồn, như cách đây mấy năm chúng ta đã đầu tư vào Cà Ná nhưng không được. Hoa Sen có lựa chọn khác tốt hơn là hệ thống Hoa Sen Home. Bây giờ, hệ thống phân phối có trên dưới 600 cửa hàng trên cả nước, có năng lực quản lý, có dữ liệu khách hàng, có sự chín muồi về năng lực cạnh tranh…”, ông Vũ cho biết.

Từ định hướng trên, HSG đã trình cổ đông thông qua chủ trương chuyển đổi một công ty thành viên thành CTCP Nhựa Hoa Sen, tiếp nhận toàn bộ hoạt động sản xuất kinh doanh của mảng nhựa và thành lập mới CTCP Phân phối Vật liệu xây dựng và Nội thất Hoa Sen (Hoa Sen Home).

Đơn vị này sẽ tiếp nhận toàn bộ hoạt động kinh doanh của mảng phân phối, bán lẻ và chuỗi siêu thị vật liệu xây dựng và nội thất Hoa Sen Home. Tính đến tháng 3, HSG đã đưa vào hoạt động gần 90 siêu thị vật liệu xây dựng và nội thất Hoa Sen Home. Ban lãnh đạo Hoa Sen dự kiến khi đủ điều kiện sẽ tiến hành IPO và niêm yết 2 công ty này trên sàn chứng khoán.

Chủ tịch Lê Phước Vũ khẳng định, Hoa Sen đã giảm nợ rất nhiều trong các năm qua và đặt mục tiêu giữa năm sau hết nợ. Hiện nay, doanh nghiệp có đủ điều kiện chín muồi về năng lực tài chính, hệ thống phân phối, hệ thống sản xuất và công nghệ để đẩy mạnh chuỗi Hoa Sen Home thành chuỗi phân phối vật liệu xây dựng lớn nhất Việt Nam.

Ban lãnh đạo Hoa Sen đưa kế hoạch lợi nhuận thận trọng trong năm 2022.

Ban lãnh đạo Hoa Sen đưa kế hoạch lợi nhuận thận trọng trong năm 2022.

Năm 2021, mặc dù ảnh hưởng bởi Covid-19 nhưng nhờ giá thép phi mã, Hoa Sen vẫn ghi nhận kết quả kinh doanh khả quan. Cụ thể là sản lượng tiêu thụ đạt 2,25 triệu tấn, vượt 25% kế hoạch và tăng trưởng 39%. Doanh thu thuần đạt 48.727 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 4.313 tỷ đồng, vượt 48% và 188% so với kế hoạch.

Năm 2022, Hoa Sen đặt kế hoạch với doanh thu 46.399 tỷ đồng và lợi nhuận dao động 1.500-2.500 tỷ đồng, tùy thuộc vào giá nguyên liệu đầu vào; tương ứng giảm 42-65% so với kết quả đạt được ở năm 2021. Giải thích về sự thận trọng trên, ban lãnh đạo HSG cho biết thị trường ngành thép năm nay vẫn tiềm ẩn nhiều bất ổn.

Mặc dù mặt bằng giá thép được dự đoán sẽ tiếp tục neo ở mức cao, ít nhất trong nửa đầu năm 2022 do nhiều dự án bất động sản được triển khai nhưng sản lượng xuất khẩu thép có thể chững lại do chuỗi cung ứng toàn cầu hồi phục. Giá thép sẽ được điều chỉnh ổn định dần từ nửa cuối năm 2022 khi tình trạng đứt gãy nguồn cung được giải quyết, tình trạng dư cung có thể xảy ra khi các nhà máy thép gia tăng sản lượng.

Hoa Sen từng đầu tư vào Tổ hợp dự án thép Cà Ná (Ninh Thuận) với tổng vốn đầu tư khoảng 10 tỷ USD, kỳ vọng sản xuất 16 triệu tấn thép mỗi năm. Tuy nhiên tháng 7/2020, doanh nghiệp bất ngờ thông báo chuyển nhượng toàn bộ vốn góp tại Công ty Cảng tổng hợp quốc tế Hoa Sen Cà Ná – Ninh Thuận và Công ty Đầu tư hạ tầng khu công nghiệp Hoa Sen Cà Ná – Ninh Thuận (hai công ty do Hoa Sen sở hữu 100% vốn và giao vai trò chủ đầu tư của dự án cảng biển và hạ tầng khu công nghiệp); đồng thời giải thể 4 doanh nghiệp khác được thành lập để triển khai dự án này.

Dự án trên được Bộ Công Thương đưa vào dự thảo quy hoạch ngành thép đến năm 2025 và định hướng năm 2035, nhưng sau đó bị loại bỏ. Giữa năm 2017, Thủ tướng cũng yêu cầu tạm dừng dự án để làm rõ một số vấn đề liên quan tới môi trường, công nghiệp và thiết bị. Còn Hoa Sen lý giải việc đột ngột rút khỏi "siêu dự án" là do “tình hình hiện nay đã không còn phù hợp với mục tiêu ban đầu khi xúc tiến đầu tư”.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Ảnh minh họa: PGBank đã có những phát triển vượt bậc sau khi cổ đông sáng lập là Petrolimex thoái vốn và sự tham gia của Tập đoàn Thành Công.

Những cổ đông ‘gần lớn’ ở PGBank

ĐHĐCĐ năm 2024 của PGBank có sự tham dự của 20 cổ đông, đại diện cho 97,424% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết. Xét theo tỷ lệ, đây là con số rất cao trên thị trường, thậm chí còn cao hơn các ngân hàng thương mại quốc doanh.