Hoàn nhập dự phòng rủi ro, ACB báo lãi tăng hơn 33% trong quý I/2022

ACB NGÂN HÀNG
15:05 - 28/04/2022
Hoàn nhập dự phòng rủi ro, ACB báo lãi tăng hơn 33% trong quý I/2022
0:00 / 0:00
0:00
Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB - mã chứng khoán ACB) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2022, trong đó ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 4.114 tỷ đồng, tăng 33% so với cùng kỳ năm trước.

Về thu nhập, trong quý đầu năm, các mảng hoạt động của ngân hàng có sự biến động trái chiều. Cụ thể, thu nhập lãi thuần trong quý đạt 5.440 tỷ đồng, tăng 17,3% so với cùng kỳ. Thu nhập từ hoạt động dịch vụ đạt 739,2 tỷ đồng, tăng 18,2%. Đặc biệt, thu nhập từ kinh doanh ngoại hối đạt 303,4; tăng 54,7% so với quý I/2021.

Trong khi đó, thu nhập từ mảng chứng khoán kinh doanh đều đi xuống so với cùng kỳ, lỗ hơn 11 tỷ đồng, thu nhập từ chứng khoán đầu tư giảm 87% so với cùng kỳ, đạt vỏn vẹn 6,5 tỷ đồng.

Tính chung cả quý, ACB ghi nhận lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh đạt 6.850 tỷ đồng, tăng gần 21%. Trong khi chi phí hoạt động tăng 39,3%, lên gần 2.739 tỷ đồng do ngân hàng đã tuyển dụng thêm hơn 800 nhân sự trong quý, đồng thời tăng mức chi phí cho nhân viên trong kỳ lên 1.709 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, cũng trong quý I/2022 ngân hàng được hoàn nhập 2,84 tỷ đồng chi phí dự phòng rủi ro tín dụng. Kết quả, ACB báo lãi trước thuế quý I/2022 hơn 4.114 tỷ đồng, tăng 33% so với cùng kỳ.

Cũng trong ba tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng của ACB đạt 5%, tiền gửi khách hàng tăng trưởng ở mức khiêm tốn 1,6%. Tỷ số lợi nhuận ròng trên tài sản (ROA) và tỷ số lợi nhuận ròng trên vốn chủ sở hữu (ROE) lần lượt là 0,62% và 7,06%

Đặc biệt, số dư nợ xấu ngân hàng tăng 11,4% với 3.119 tỷ đồng, đưa tỷ lệ nợ xấu tăng từ 0,77% lên 0,82%. Trong đó số dư nợ nhóm 5 chiếm 62%, tăng 40% so với cuối năm trước.

ACB đặt mục tiêu đạt 15.000 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế năm 2022

Năm 2022, ACB đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế tăng đến 25%, kỳ vọng đạt 15.018 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 2%. Mục tiêu tổng tài sản đạt 558.187 tỷ đồng, tăng 11% so với năm 2021. Tiền gửi khách hàng đạt 421.897 tỷ đồng, cũng tăng 11%. Dư nợ cho vay đạt 398.299 tỷ đồng, tăng 10% và sẽ được điều chỉnh khi có sự chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước.

Ngoài ra, trong năm 2022, ACB đặt mục tiêu tăng vốn lên gần 34.000 tỷ đồng. ACB dự kiến phát hành hơn 675 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2021 cho cổ đông, tương đương tỷ lệ 25%. Nguồn sử dụng để tăng vốn điều lệ từ lợi nhuận có thể sử dụng chia cổ tức sau khi đã trích lập đầy đủ các quỹ và lợi nhuận năm trước còn lại chưa chia theo báo cáo tài chính kiểm toán tại thời điểm 31/12/2021.

Sau khi chia cổ tức, vốn điều lệ của ACB dự kiến tăng từ 27.019 tỷ đồng lên 33.774 tỷ đồng. Ngân hàng cho rằng việc tăng vốn điều lệ là cần thiết đối với ACB nhằm tăng thêm nguồn vốn trung, dài hạn cho các hoạt động cấp tín dụng, đầu tư trái phiếu Chính phủ của ngân hàng. Đồng thời, ngân hàng còn có thêm nguồn vốn để xây dựng văn phòng làm việc, cải tạo, sửa chữa, di dời trụ sở kênh phân phối; đầu tư vào các dự án thực hiện chiến lược 2019-2024.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Eximbank báo lãi quý 1/2024 giảm 24%

Eximbank báo lãi quý 1/2024 giảm 24%

Năm 2024, Eximbank đặt tham vọng lãi trước thuế tăng tới 90% so với 2023, tuy nhiên hết quý 1, lợi nhuận ngân hàng này chỉ đạt hơn 661 tỷ đồng, giảm 24% so với cùng kỳ năm trước và thực hiện được 13% kế hoạch.
TPBank khép lại quý 1/2024 với kết quả kinh doanh khởi sắc.

TPBank báo lãi 1.800 tỷ đồng trong quý 1/2024

Kết thúc quý 1/2024, lợi nhuận của TPBank đạt hơn 1.800 tỷ đồng. Đáng chú ý, ngân hàng đã tiến hành góp vốn vào CTCP Quản lý quỹ Việt Cát (VFC), bước đầu mở rộng quy mô nhằm phát triển trở thành tập đoàn tài chính vững mạnh.