HoREA kiến nghị cho phép doanh nghiệp bảo hiểm đầu tư bất động sản

bđs BẢO HIỂM
15:59 - 02/06/2022
0:00 / 0:00
0:00
Hiệp hội Bất động sản thành phố Hồ Chí Minh (HoREA) vừa có công văn kiến nghị Chính phủ cho phép các doanh nghiệp bảo hiểm được sử dụng vốn nhàn rỗi đầu tư bất động sản.

HoREA kiến nghị sửa đổi Điều 150 Dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) theo hướng "cho phép doanh nghiệp bảo hiểm được sử dụng vốn nhàn rỗi của mình để đầu tư bất động sản theo quy định của Chính phủ", để phù hợp với Nghị quyết 39-NQ/TW ngày 15/1/2019 của Bộ Chính trị.

Kiến nghị cho phép doanh nghiệp bảo hiểm đầu tư bất động sản.

Kiến nghị cho phép doanh nghiệp bảo hiểm đầu tư bất động sản.

Điểm a và điểm b khoản 3 Điều 150, Dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) quy định doanh nghiệp bảo hiểm “không được phép đầu tư bất động sản” là chưa phù hợp với chủ trương “khuyến khích các doanh nghiệp bảo hiểm đầu tư trở lại nền kinh tế” theo Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị, nên cần bổ sung quy định cho phép “doanh nghiệp bảo hiểm đầu tư trở lại nền kinh tế” vào Điều 150 “Dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi)”.

Hiệp hội nhận thấy, rất cần thiết cho phép doanh nghiệp bảo hiểm dùng “vốn nhàn rỗi từ dự phòng nghiệp vụ” để “đầu tư tài chính, đầu tư vốn” vào một số lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực bất động sản (nhưng không được thực hiện hoạt động kinh doanh bất động sản), tương tự như nhiều nước cho phép doanh nghiệp bảo hiểm được đầu tư tài chính.

Nguồn vốn bảo hiểm cũng là một nguồn vốn xã hội hóa rất lớn cần được khai thác, sử dụng hiệu quả sẽ bổ sung thêm một nguồn vốn đầu tư, góp phần chia sẻ bớt áp lực cho các tổ chức tín dụng.

Việc cho phép doanh nghiệp bảo hiểm dùng “vốn nhàn rỗi từ dự phòng nghiệp vụ” để đầu tư tài chính, đầu tư vốn vào lĩnh vực bất động sản vẫn đảm bảo phù hợp với quy định “không cho phép doanh nghiệp bảo hiểm được sử dụng vốn nhàn rỗi của mình để kinh doanh bất động sản”, HoREA phân tích trong văn bản.

Tại khoản 5 Điều 13 Luật Kinh doanh bất động sản 2014 quy định chủ đầu tư dự án kinh doanh bất động sản “không được ủy quyền cho bên tham gia hợp tác đầu tư, liên doanh, liên kết, hợp tác kinh doanh hoặc góp vốn thực hiện ký hợp đồng mua bán, chuyển nhượng, cho thuê mua bất động sản”, nên doanh nghiệp bảo hiểm cũng không được trực tiếp kinh doanh bất động sản mà chỉ được đầu tư vốn và được phân chia lợi nhuận (hoặc chịu lỗ) theo hợp đồng góp vốn đầu tư.

Về mức vốn mà doanh nghiệp bảo hiểm được phép đầu tư vào lĩnh vực bất động sản, Hiệp hội nhận thấy quy định “doanh nghiệp bảo hiểm được sử dụng vốn nhàn rỗi của mình để đầu tư tài chính, góp vốn vào lĩnh vực bất động sản với mức tối đa 10% đối với doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, tối đa 20% đối với doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ” tại Điều 62 Nghị định 73/2016/NĐ-CP là phù hợp.

Đồng thời, HoREA tiếp tục kiến nghị bổ sung quy định về bảo hiểm nghĩa vụ tài chính của chủ đầu tư đối với khách hàng khi chủ đầu tư không bàn giao nhà ở theo đúng tiến độ đã cam kết với khách hàng khi bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai.

Theo HoREA, nếu chỉ quy định một biện pháp “bảo lãnh nghĩa vụ tài chính của chủ đầu tư đối với khách hàng” thì đúng nhưng chưa đủ, mà cần bổ sung thêm biện pháp “bảo hiểm rủi ro” thông qua cơ chế hoạt động doanh nghiệp bảo hiểm.

Để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của khách hàng khi mua nhà ở hình thành trong tương lai, khoản 1 điều 56 Luật Kinh doanh bất động sản 2014 quy định: Chủ đầu tư dự án bất động sản trước khi bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai phải được ngân hàng thương mại có đủ năng lực thực hiện bảo lãnh nghĩa vụ tài chính đối với khách hàng khi không bàn giao nhà ở theo đúng tiến độ đã cam kết. Đây là quy định bắt buộc.

Tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XV, Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) được đưa ra thảo luận. Theo dự thảo, doanh nghiệp bảo hiểm, tái bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ... không được kinh doanh bất động sản do đó HoREA đã có kiến nghị như trên.

Tin liên quan

Đọc tiếp