Kết nối 7 thành phố làm trung tâm phát triển tiểu vùng sông Mekong

CHÍNH SÁCH Việt nAM
07:25 - 05/03/2022
Tầm nhìn đến năm 2050, đồng bằng sông Cửu Long có các cộng đồng dân cư thịnh vượng.
Tầm nhìn đến năm 2050, đồng bằng sông Cửu Long có các cộng đồng dân cư thịnh vượng.
0:00 / 0:00
0:00
Mạng lưới 7 đô thị sẽ là trung tâm tổng hợp, chuyên ngành của vùng đồng bằng sông Cửu Long cũng như tiểu vùng sông Mekong, hướng tới mục tiêu liên kết giữa các địa phương trong vùng và mở rộng giao thương với các nước ASEAN.

Đây là một trong những nội dung quan trọng trong Quyết định 287/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, vừa được Phó Thủ tướng Lê Văn Thành ký ban hành. Mục tiêu tổng quát của Quy hoạch là phát triển vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030 trở thành trung tâm kinh tế nông nghiệp bền vững, năng động và hiệu quả cao của quốc gia; tăng cường kết nối nội vùng, liên vùng, trong nước và quốc tế.

Để thực hiện mục tiêu này, 7 thành phố sẽ được phát triển thành trung tâm tổng hợp, trung tâm chuyên ngành của vùng, tiểu vùng. Cụ thể:

Thành phố Cần Thơ là đô thị loại I trực thuộc trung ương, trung tâm hành chính, dịch vụ, thương mại, y tế, giáo dục, khoa học, văn hoá, du lịch, công nghiệp chế biến của toàn vùng; cung ứng các dịch vụ y tế, giáo dục chất lượng cao có khả năng cạnh tranh ở cấp quốc gia, khu vực và quốc tế.

Thành phố Mỹ Tho có vai trò là một trong những trung tâm dịch vụ thương mại, logistic, du lịch tại khu vực phía Bắc sông Tiền, đô thị cửa ngõ giữa TP HCM và vùng đồng bằng sông Cửu Long; trung tâm nông nghiệp công nghệ cao về cây ăn trái và du lịch miệt vườn.

Thành phố Tân An có vai trò là trung tâm công nghiệp, thương mại, dịch vụ phía Đông Bắc đồng bằng sông Cửu Long, đô thị cửa ngõ giữa TP HCM và đồng bằng sông Cửu Long.

Thành phố Long Xuyên có vai trò là một trong những trung tâm thương mại dịch vụ phía Tây Bắc đồng bằng sông Cửu Long; trung tâm chuyển giao công nghệ về nông nghiệp công nghệ cao, đặc biệt là lúa gạo và thuỷ sản nước ngọt.

Thành phố Rạch Giá có vai trò là trung tâm kinh tế biển, thương mại dịch vụ tại khu vực ven biển phía Tây của vùng đồng bằng sông Cửu Long; trung tâm nuôi trồng, đánh bắt và xuất khẩu thuỷ hải sản; trung tâm công nghiệp chế biến nông – thuỷ sản.

Thành phố Cà Mau có vai trò là trung tâm tiểu vùng ven biển tại khu vực bán đảo Cà Mau; là trung tâm năng lượng và dịch vụ dầu khí quốc gia; trung tâm dịch vụ du lịch sinh thái, trung tâm chế biến thuỷ sản của vùng.

Thành phố Sóc Trăng có vai trò là trung tâm kinh tế của tiểu vùng ven biển Đông; là trung tâm nuôi trồng, đánh bắt và xuất khẩu thuỷ hải sản; trung tâm công nghiệp chế biến nông – thuỷ sản, công nghiệp năng lượng sạch; trung tâm du lịch, văn hoá, lịch sử.

Thành phố Tân An, trực thuộc tỉnh Long An.

Thành phố Tân An, trực thuộc tỉnh Long An.

Hệ thống kết cấu hạ tầng cũng được phát triển để nâng cao năng lực kết nối vùng, tiểu vùng, quốc tế; phát triển logistics. Cụ thể đến năm 2030, đầu tư xây dựng mới và nâng cấp khoảng 830 km đường bộ cao tốc; khoảng 4.000 km đường quốc lộ; 13 cảng biển, 11 cụm cảng hành khách và 13 cụm cảng hàng hóa đường thủy nội địa.

Đặc biệt sẽ nâng cấp 4 cảng hàng không với quy mô như sau:

Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ: Cấp 4E, công suất 7 triệu lượt hành khách/năm.

Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc: Cấp 4E, công suất 10 triệu lượt hành khách/năm.

Cảng hàng không Rạch Giá: Cấp 4C, công suất 0,5 triệu lượt hành khách/năm.

Cảng hàng không Cà Mau: Cấp 4C, công suất 1 triệu lượt hành khách/năm.

Đồng thời nghiên cứu phát triển mạng lưới sân bay chuyên dùng phục vụ nhu cầu bay cá nhân, du lịch, cứu hộ cứu nạn tại một số khu vực tiềm năng như Phú Quốc, Châu Đốc, Hà Tiên, Năm Căn, Mỹ Tho, Đồng Tháp, Trần Đề…

Phát triển công nghiệp theo hướng bền vững, tăng trưởng xanh. Chú trọng phát triển công nghiệp chế biến, công nghiệp hỗ trợ, đầu tư chiều sâu, hướng đến xuất khẩu… Đến 2030 sẽ không phát thêm nhiệt điện than ngoài các nhà máy điện đang trong quá trình xây dựng; tập trung phát triển điện gió ở bán đảo Cà Mau và điện mặt trời…

Phát triển nông nghiệp theo hướng chuyển đổi cơ cấu sản xuất thích ứng với thay đổi về điều kiện tự nhiên theo 3 tiểu vùng sinh thái nước ngọt, mặn – lợ và chuyển tiếp ngọt – lợ; tăng tỷ trọng thuỷ sản, trái cây và giảm tỷ trọng lúa gạo; kết hợp thương mại, dịch vụ logistics, du lịch sinh thái…

Ngành dịch vụ phát triển theo hướng đầu tư xây dựng đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng thương mại từ khu thương mại – dịch vụ, trung tâm logistics đến hệ thống chợ dân sinh… Xây dựng thương hiệu quốc tế về du lịch nông nghiệp – nông thôn, các tuyến du lịch liên kết nội vùng, liên vùng, quốc gia, quốc tế…

Trong khi đó, kinh tế biển phát triển theo hướng công nghiệp khí, chế biến khí, điện khí, năng lượng tái tạo; đẩy mạnh nuôi trồng, khai thác thuỷ sản; bảo vệ nguồn đa dạng sinh học biển. Phát triển Kiên Giang thành trung tâm kinh tế biển quốc gia, Phú Quốc thành trung tâm dịch vụ, du lịch sinh thái biển mạnh mang tầm quốc tế…

Mục tiêu đặt ra cho vùng đồng bằng sông Cửu Long là kinh tế tăng trưởng với tốc độ bình quân khoảng 6,5%/năm. Quy mô nền kinh tế (GRDP) năm 2030 lớn hơn 2-2,5 lần so với năm 2021; năm 2030, tỷ trọng nông, lâm, ngư nghiệp trong GRDP khoảng 20%; công nghiệp – xây dựng khoảng 32%; dịch vụ khoảng 46%; thuế và trợ cấp khoảng 2%.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện tại Việt Nam 4 tháng đầu năm 2024 ước đạt 6,28 tỷ USD tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 4 tháng đầu năm trong 5 năm qua.