Kiểm soát lạm phát năm 2022 dưới 4% không đơn giản

LẠM PHÁT Việt nAM
18:25 - 10/03/2022
Kiểm soát lạm phát năm 2022 dưới 4% không đơn giản
0:00 / 0:00
0:00
Tại Diễn đàn trực tuyến với chủ đề "Kiểm soát lạm phát- Thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế” vừa qua, các chuyên gia đều nhận định sẽ có nhiều khó khăn để có thể hoàn thành mục tiêu kiểm soát lạm phát như quốc hội đề ra.

Tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo điều hành giá cuối tháng 2/2022, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái - Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá vẫn yêu cầu phải kiên định mục tiêu kiểm soát lạm phát 4% như Quốc hội đề ra.

Tuy nhiên, phát biểu tại tọa đàm "Kiểm soát lạm phát- Thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế”, ông Nguyễn Bích Lâm - nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, năm 2022, áp lực lạm phát của kinh tế Việt Nam xuất phát từ sự kết hợp, cộng hưởng của cả tổng cầu tăng đột biến và nguồn cung khó đáp ứng mức tăng của tổng cầu.

Trong đó yếu tố thứ hai đóng vai trò chính, lớn hơn trong việc gia tăng lạm phát của nền kinh tế. Nói cách khác, áp lực lạm phát trong năm 2022 của Việt Nam vừa đến từ vấn đề kinh tế vĩ mô và lạm phát chuỗi cung ứng toàn cầu cũng như chuỗi cung ứng trong nước. “Hiện nay, nền kinh tế đang chịu áp lực lạm phát rất lớn của giá xăng dầu và tổng cầu tăng cao đột biến, cùng với đó là áp lực lạm phát chuỗi cung ứng trong nước và thế giới”, ông Lâm nhận định.

Ảnh tác giả

Khi xây dựng mục tiêu lạm phát 4%, chưa tính hết được biến cố. Do đó, theo tôi, việc kiểm soát lạm phát năm nay khoảng 4% theo mục tiêu Quốc hội đã phê duyệt là không đơn giản.

Ông Nguyễn Bích Lâm

Lạm phát có thể lên đến từ 3,6 - 4,3%, nguy cơ nhập khẩu lạm phát

Trong giai đoạn vừa qua, giá nguyên vật liệu, năng lượng và giá xăng dầu trên thế giới tăng rất cao.

Cụ thể, giá xăng dầu tăng 60% tính từ đầu năm đến nay. Giá xăng dầu tăng là áp lực rất lớn với nền kinh tế, vì xăng dầu là nguyên vật liệu huyết mạch, tác động làm tăng giá nhiều loại hàng hóa khác. Tương tự, than vào thời điểm này cách đây 2 tuần trên thị trường thế giới chỉ khoảng 200 USD/tấn, thì hiện nay lên hơn 400 USD/tấn. Đây cũng là một trong những yếu tố chi phí ảnh hưởng trực tiếp tới ngành điện.

Bên cạnh đó, giá lương thực thế giới đã tăng 24% so với đầu năm. Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) công bố chỉ số giá lương thực thế giới tăng cao nhất trong 60 năm qua. Giá lương thực thế giới tăng tạo ta áp lực lạm phát, nhưng cũng đem lại nguồn lợi cho Việt Nam trong xuất gạo.

Ngoài ra, một yếu tố tác động tới lạm phát, đó là việc Việt Nam vừa khắc phục khá thành công dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp vừa phục hồi, đang bắt đầu quay lại hoạt động sản xuất kinh doanh, do đó thiếu hụt lao động cũng sẽ là yếu tố sức ép làm lạm phát tăng cao. Nguyên nhân là do thiếu hụt lao động sẽ khiến doanh nghiệp phải chi thêm tiền để thu hút, tuyển dụng, đào tạo lao động..

Theo ông Nguyễn Xuân Định, Phó Trưởng phòng Chính sách tổng hợp, Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), trong bối cảnh thế giới đối mặt với lạm phát toàn cầu tăng mạnh, nhiều khả năng Việt Nam sẽ nhập khẩu lạm phát. Nói cách khác, theo ông, Việt Nam phải chịu lạm phát gián tiếp từ hàng hóa nhập khẩu.

Ảnh tác giả

Với một nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam, thì những hàng hóa nhập khẩu và yếu tố nguyên nhiên vật liệu đầu vào sẽ tác động lớn đến chi phí sản xuất, giá thành sản phẩm. Theo chúng tôi đánh giá, với kịch bản năm 2022, lạm phát của Việt Nam có thể lên đến từ 3,6 - 4,3%.

Ông Nguyễn Xuân Định

Triển khai giải pháp đồng bộ, tránh "tát nước theo mưa"

Ông Nguyễn Bích Lâm cho rằng, muốn kiềm chế lạm phát, trước mắt phải kiểm soát nguồn cung ứng sản phẩm ra thị trường, để đáp ứng nhu cầu của thị trường nội địa. Đặc biệt là phải đảm bảo đủ các mặt hàng nhiên liệu như xăng, dầu, khí đốt. Đồng thời, Việt Nam phải làm mọi cách để không làm đứt gãy chuỗi cung ứng giữa các địa phương, và tuyệt đối không để đứt gãy cung ứng giữa thế giới với Việt Nam.

Các chuyên gia cũng nhấn mạnh chức năng của các cơ quan trong việc theo dõi sát diễn biến giá thị trường và các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, phân tích được nguyên nhân tại sao mặt hàng tăng giá, do tăng giá xăng dầu đầu vào hay không, liệu mặt hàng với mức tăng hợp lý chưa, tránh xảy ra tình trạng “tát nước theo mưa” và tăng giá khống.

Về kiểm soát giá xăng dầu, theo đại diện Bộ Tài chính, giải pháp căn cơ hiện nay vẫn là phải đảm bảo nguồn cung, không để thiếu hụt xăng dầu trong mọi tình huống, tránh tình trạng đầu cơ găm hàng tích trữ.

Ngoài ra, trên thực tế cũng khó tránh khỏi tâm lý giá cả tăng theo giá xăng dầu, do đó, việc các cơ quan quản lý tiếp tục theo sát diễn biến thị trường, tăng cường thanh tra, kiểm tra kiểm soát giá cả, tránh tăng giá bất hợp lý là vô cùng quan trọng. Cùng với đó, các cơ quan quản lý tiếp tục sử dụng Quỹ bình ổn giá linh hoạt, phù hợp từng thời điểm, hạn chế thấp nhất đà tăng giá của mặt hàng này.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện tại Việt Nam 4 tháng đầu năm 2024 ước đạt 6,28 tỷ USD tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 4 tháng đầu năm trong 5 năm qua.