Thương mại và tiêu dùng Việt Nam chịu tác động từ lạm phát nhiên liệu kéo dài

VĨ MÔ Việt nAM
15:15 - 09/03/2022
Thương mại và tiêu dùng Việt Nam chịu tác động từ lạm phát nhiên liệu kéo dài
0:00 / 0:00
0:00
Báo cáo Vietnam At A Glance (VNAAG) cập nhật tháng 3/2022 mang tên “Động cơ cũ, sức bật mới” của HSBC đặc biệt nhấn mạnh nguy cơ lạm phát tại Việt Nam, do tình hình giá nhiên liệu thế giới liên tục tăng vọt.

Triển vọng từ các động lực bên ngoài

Số ca nhiễm COVID-19 trong nước tăng cao nhưng hoạt động sản xuất kinh doanh ít gián đoạn nhờ kiên trì chủ trương sống chung với dịch (Ảnh: HSBC)

Số ca nhiễm COVID-19 trong nước tăng cao nhưng hoạt động sản xuất kinh doanh ít gián đoạn nhờ kiên trì chủ trương sống chung với dịch (Ảnh: HSBC)

Theo nhận định của HSBC, xuất khẩu và thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tiếp tục là hai động lực quan trọng của kinh tế Việt Nam trong quá trình phục hồi.

Trong tháng 2, kim ngạch xuất khẩu Việt Nam tăng 13,6% so với cùng kỳ năm trước nhờ các ngành khác đều tăng trưởng, phản ánh động lực từ nhu cầu quốc tế. Sự kiện Samsung giao hàng chậm mẫu điện thoại chủ lực Galaxy S22 - vốn được kỳ vọng là “cú hích” quan trọng đối với xuất khẩu của Việt Nam - dự kiến sẽ chỉ gây tác động tạm thời tới tăng trưởng xuất khẩu.

Ngoài ra, dòng vốn FDI tiếp tục duy trì tăng trưởng ổn định, nhất là vốn đổ vào lĩnh vực sản xuất công nghệ, giúp Việt Nam vươn lên thành một công xưởng sản xuất của thế giới, tham gia ngày càng sâu rộng vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Vốn FDI vào Việt Nam tăng trưởng ổn định trong những năm qua (Ảnh: HSBC)

Vốn FDI vào Việt Nam tăng trưởng ổn định trong những năm qua (Ảnh: HSBC)

Theo số liệu từ Cục Đầu tư Nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong 2 tháng đầu năm, tổng vốn FDI vào Việt Nam đạt gần 5 tỷ USD, bằng 91,5% so với cùng kỳ năm 2021. Vốn FDI thực hiện đạt 2,7 tỷ USD, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm 2021 phản ánh tiến độ giải ngân tốt hơn đáng kể khi Chính phủ kiên trì với chủ trương kiểm soát an toàn, hiệu quả, thích ứng linh hoạt với đại dịch COVID-19.

HSBC đánh giá: “Mặc dù có lúc đại dịch đã khiến sản xuất tạm thời gián đoạn, sự quan tâm dành cho Việt Nam vẫn duy trì ở mức cao. Ví dụ, gần đây Samsung vừa “bơm” 920 triệu USD để mở rộng hoạt động sản xuất linh kiện điện thoại ở Thái Nguyên”.

Các động lực phục hồi tích cực từ bên ngoài thể hiện qua những tín hiệu sáng trong xuất khẩu và thu hút FDI được kỳ vọng sẽ đóng vai trò quan trọng trong quá trình phục hồi kinh tế, “lấy lại thế chủ động” của Việt Nam.

Rủi ro lạm phát nhiên liệu kéo dài

Trong bối cảnh giá hàng hóa thế giới tăng cao, đặc biệt là giá dầu, thương mại của Việt Nam ngay lập tức chịu tác động mạnh mẽ. Trong tháng 2, dữ liệu nhập khẩu cho thấy kim ngạch nhập khẩu xăng dầu của Việt Nam tăng gần gấp đôi so với mức trung bình hàng tháng trong cả năm 2021.

Xu hướng tăng nhập khẩu xăng dầu có khả năng tiếp tục trong thời gian tới khi Bộ Công thương ban hành quyết định về việc giao sản lượng nhập khẩu xăng dầu tăng thêm 2,4 triệu m3 trong quý II sau khi Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn cắt giảm công suất xuống còn 80%.

Chi phí vận chuyển tăng là nguyên nhân chính thúc đẩy lạm phát trong những tháng gần đây (Ảnh: HSBC)

Chi phí vận chuyển tăng là nguyên nhân chính thúc đẩy lạm phát trong những tháng gần đây (Ảnh: HSBC)

Ngoài tác động thương mại, giá nhiên liệu tăng cũng ảnh hưởng trực tiếp đến tiêu dùng. Kể từ đầu tháng 12/2021 đến nay, giá xăng dầu trong nước đã được điều chỉnh tăng 6 lần liên tiếp. Chi phí vận chuyển trong tháng 2 tăng trên 15% so với cùng kỳ năm trước là nguyên nhân chính khiến lạm phát toàn phần tăng 1,42%. Theo HSBC, lạm phát nhiên liệu có nguy cơ kéo dài chứ không phải mang tính nhất thời.

Nhóm nghiên cứu HSBC cảnh báo: “Các nhà hoạch định chính sách Việt Nam cần đặc biệt lưu tâm đến những rủi ro về lạm phát vì giá hàng hóa tăng là vấn đề xảy ra trên diện rộng chứ không chỉ xoay quanh nhiên liệu”.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện tại Việt Nam 4 tháng đầu năm 2024 ước đạt 6,28 tỷ USD tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 4 tháng đầu năm trong 5 năm qua.