Khuyến nghị này được đưa ra tại Hội thảo tham vấn “Đề xuất nội dung xây dựng Chương trình hành động quốc gia hoàn thiện chính sách và pháp luật nhằm thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm của doanh nghiệp tại Việt Nam”, do Bộ Tư pháp phối hợp cùng Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam và Đại sứ quán Thụy Điển tại Việt Nam tổ chức.
Hội thảo "Đề xuất nội dung xây dựng Chương trình hành động quốc gia hoàn thiện chính sách và pháp luật nhằm thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm của doanh nghiệp tại Việt Nam". |
Bài học từ hậu quả của hành vi kinh doanh thiếu trách nhiệm
Theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu, thúc đẩy hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh để phát triển nhanh và bền vững vừa là yêu cầu, đồng thời là mục tiêu của tất cả các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể liên quan trong các hoạt động này là trách nhiệm của cả Nhà nước, doanh nghiệp và xã hội.
Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 của Việt Nam đã khẳng định quan điểm “coi con người là trung tâm, chủ thể, nguồn lực quan trọng nhất và mục tiêu của sự phát triển”.
Theo Thứ trưởng Phan Chí Hiếu, quá trình đổi mới và phát triển của Việt Nam trong hơn 35 năm đã đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng, toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực.
Bên cạnh đó, tăng trưởng kinh tế nhanh vừa mang đến cơ hội và cả những thách thức đi kèm, như một số rủi ro về xã hội, môi trường, có ảnh hưởng rộng khắp đến người lao động, cộng đồng và đối với sinh kế của người dân.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp trong phát biểu của mình đã liên hệ một số vụ việc vi phạm pháp luật liên quan các hành vi lũng đoạn thị trường hay tìm kiếm lợi nhuận bất chính trong giai đoạn dịch bệnh đang được xử lý ở Việt Nam thời gian qua như những ví dụ về hậu quả của hành vi kinh doanh thiếu trách nhiệm.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp, ông Phan Chí Hiếu tại sự kiện |
Thực hành kinh doanh có trách nhiệm được coi là 'chìa khóa' giúp cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững của Việt Nam.
Điều này đòi hỏi doanh nghiệp không chỉ dừng ở việc tuân thủ pháp luật mà còn phải thực hiện các biện pháp đánh giá rủi ro của quá trình kinh doanh đối với các yếu tố con người, xã hội và môi trường; đồng thời giải quyết các nguy cơ tiềm ẩn như phòng ngừa, giảm thiểu hoặc tiến hành biện pháp khắc phục thích hợp khi xảy ra các vi phạm.
Theo ông Hiếu, 3 định hướng quan trọng cần thực hiện gồm hoàn thiện chính sách, pháp luật về thực hành kinh doanh có trách nhiệm; thúc đẩy hiệu quả, chất lượng của công tác tổ chức thực thi chính sách; nâng cao nhận thức, năng lực về thực hành kinh doanh có trách nhiệm cho các cơ quan Nhà nước, doanh nghiệp và xã hội.
“Đây là trách nhiệm chính của doanh nghiệp; tuy nhiên, Nhà nước và xã hội cũng có trách nhiệm để thúc đẩy và bảo đảm tuân thủ”, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu nói.
Xây dựng chương trình hành động quốc gia
Bà Caitlin Wiesen, Quyền Điều phối viên thường trú của Liên hợp quốc tại Việt Nam, Trưởng Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam cho biết, Việt Nam nằm trong số 7 quốc gia châu Á đang trong quá trình thực hiện các đề xuất hướng dẫn của Liên hợp quốc về kinh doanh và quyền con người, thông qua việc xây dựng Chương trình hành động quốc gia.
“Với sự hỗ trợ của Chính phủ Thụy Điển, UNDP phối hợp với Bộ Tư pháp tiến hành hai nghiên cứu quan trọng đối nhằm xác định và ưu tiên các lộ trình hành động cho Kế hoạch hành động quốc gia trong những năm tới”, bà Wiesen nói.
Năm 2022 là năm bản lề để tạo ra những nền tảng mang tính kế hoạch về chương trình hành động quốc gia nhằm thúc đẩy kinh doanh có trách nhiệm của doanh nghiệp tại Việt Nam. Đây cũng là vấn đề cốt yếu trong bối cảnh kinh doanh hiện đại của doanh nghiệp.
“Điều tối quan trọng là các chính sách phục hồi phải được thực hiện với những thách thức này, đồng thời hướng tới một nền kinh tế bền vững, bao trùm và có khả năng phục hồi lâu dài. Phục hồi sau đại dịch phải tuân theo một quỹ đạo xanh hơn và bao trùm hơn, và khoảng cách kỹ thuật số phải được đóng lại để có thể khơi dậy tiềm năng kinh tế mới”," bà Wiesen phát biểu.
“Có thể thấy, Việt Nam đang thể hiện ý chí chính trị mạnh mẽ qua những văn kiện, văn bản quy định hay chính sách trong kinh doanh của doanh nghiệp", bà Caitlin nhận định.
Tại hội thảo, các đại biểu đã trao đổi, đánh giá để hoàn thiện dự thảo báo cáo đánh giá hiện trạng về tình hình kinh doanh có trách nhiệm tại Việt Nam. Trên cơ sở đó cung cấp các thông tin đầu vào cho các đề xuất, kiến nghị về thúc đẩy hiệu quả, chất lượng của công tác tổ chức thi hành chính sách, pháp luật về thực hành kinh doanh có trách nhiệm.