Kinh doanh sợi, bông sẽ thành động lực cho dệt may hoàn thành chỉ tiêu 2022

THỊ TRƯỜNG Việt nAM
19:03 - 02/03/2022
Kinh doanh sợi, bông sẽ thành động lực cho dệt may hoàn thành chỉ tiêu 2022
0:00 / 0:00
0:00
Trong quý IV/2021, nhiều doanh nghiệp dệt may ghi nhận lợi nhuận ròng đạt ở mức tương đương thời kỳ trước đại dịch. VNDIRECT đang kỳ vọng mảng kinh doanh sợi, bông sẽ phát triển tốt hơn, giúp các doanh nghiệp trong ngành duy trì được lợi nhuận trong năm 2022.

Đạt mục tiêu đề ra năm 2021

Theo thống kê của VNDIRECT, kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may trong quý IV/2021 đã lấy lại đà phục hồi mạnh mẽ, giá trị xuất khẩu vải và hàng may mặc tăng 21,6% so với cùng kỳ, ghi nhận ở mức 9,5 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu vải đạt 758 triệu USD, chiếm 1,9% trong tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may, tăng 27,7% so với cùng kỳ. Tổng giá trị xuất khẩu của ngành này trong năm vừa qua ghi nhận đạt mức 10,8% tương đương với 39 tỷ USD, vượt mục tiêu đề ra trong năm 2021.

Thông tin từ Tổng Cục Hải Quan (TCHQ), Mỹ vẫn là nhà nhập khẩu lớn nhất các sản phẩm dệt may của Việt Nam với giá trị nhập khẩu đạt 15,9 tỷ USD, tăng 14,3% so với cùng kỳ, chiếm 40,7% giá trị xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam.

Ngoài ra, xuất khẩu của nước ta sang các thị trường EU và Trung Quốc cũng đạt 3,7 tỷ USD và 4,4 tỷ USD, tăng lần lượt 23,3% và 23,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản giảm 28,5% so với cùng kỳ, xuống 2,5 tỷ USD vào năm 2021.

Mặt hàng sợi cũng có bước chuyển mình trong quý IV/2021, khi dịch bệnh căng thẳng khiến nhu cầu tiêu thụ sợi trên toàn cầu tăng lên nhằm đáp ứng các đơn hàng trang bị bảo hộ cá nhân như khẩu trang. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng tận dụng được lợi thế từ việc dịch chuyển đơn hàng sợi từ Trung Quốc sang do cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.

Tổng kết lại cả năm 2021, kim ngạch xuất khẩu xơ và sợi tăng 52,9% so với cùng kỳ, ghi nhận tăng trưởng hơn 1,5 tỷ USD. Đặc biệt, Việt Nam đã vượt qua Hàn Quốc để trở thành nước xuất khẩu xơ và sợi lớn thứ sáu trên thế giới với tổng giá trị xuất khẩu sợi đạt 5,6 tỷ USD vào năm 2021 (tăng 50,8% so với cùng kỳ).

Phục hồi lợi nhuận từ mức đáy 2020

Năm 2021, tổng doanh thu của các công ty dệt may niêm yết tăng nhẹ 7,6% so với cùng kỳ năm 2020, trong khi lợi nhuận ròng năm 2021 tăng 57,4% so với cùng kỳ và cao hơn 6,0% so với 2019 ( thời điểm trước đại dịch).

Các công ty ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận ấn tượng trong 2021 phải kể đến ADS ( tăng 303,2% so với 2020), VGT (tăng 161,4% so với 2020) và STK ( tăng 92,9% so với 2020). Đây là kết quả kinh doanh ấn tượng của các nhà máy sản xuất sợi kể từ khi đại dịch bùng phát đến nay, đồng thời cho thấy tác động lớn nhất từ việc giá sợi toàn cầu tăng do thiếu hụt nguồn cung bông.

Trong đó, các công ty may mặc phía Bắc như MSH, TNG cũng có mức tăng trưởng lợi nhuận cao trong 2021 với mức tăng 90,8% so với 2020 và 51,6% so với 2020. Điều này nhờ vào mức nền thấp trong năm 2020 và việc cải thiện danh mục sản phẩm (tăng đơn hàng FOB), cũng như tận dụng lợi thế từ việc chuyển đơn đặt hàng từ các công ty dệt may miền Nam trong quý III/2021.

Ngược lại, các công ty may mặc phía Nam có mức tăng trưởng lợi nhuận thấp hơn, do các nhà máy may chỉ hoạt động 50-60% công suất trong thời gian xã hội giãn cách và hạn chế di chuyển trong quý III/2021 và tháng 10/2021. Trong đó, TCM và VGG ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận âm trong năm 2021 (lần lượt là - 48,2% so với cùng kỳ và -41,0% so với cùng kỳ).

Nguồn: Fiinpro, VNDIRECT RESEARCH

Nguồn: Fiinpro, VNDIRECT RESEARCH

Kết quả thu được từ các công ty dệt may cho thấy, lợi nhuận ròng của cả ngành đã tăng 57,0% so với cùng kỳ trong quý IV/2021 và cao hơn 82,0% so với quý III/2021.

Ngoài ra, biên lợi nhuận gộp của một số doanh nghiệp sợi cũng có sự cải thiện, trong đó STK tăng 3,9 điểm % so với cùng kỳ lên 18,3% trong năm 2021 nhờ vào sự đóng góp lớn hơn từ mảng sợi tái chế có biên lợi nhuận gộp cao hơn (50% doanh thu năm 2021 so với 45% năm 2020). VGT trong 2021 cũng ghi nhận tăng trưởng 4,6 điểm % so với cùng kỳ.

Triển vọng phát triển ngành sợi, bông năm 2022

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) đã đưa ra dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu đạt 4,9% vào năm 2022 và nhu cầu dệt may thế giới trong năm 2022 sẽ quay trở lại mức 2019, với ước tính đạt khoảng 740 tỷ USD.

VNDIRECT cho biết, hiện các công ty dệt may lớn như M10, STK, TCM ghi nhận đã đủ đơn đặt hàng đến quý II, quý III/2022, "Chúng tôi tin rằng kim ngạch xuất khẩu của dệt may Việt Nam có thể hoàn thành kế hoạch đề ra trong năm 2022 (43 tỷ USD, tăng 10,2% so với cùng kỳ)."

Kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam dự kiến đạt 43 tỷ USD. Nguồn: VITAS, VNDIRECT

Kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam dự kiến đạt 43 tỷ USD. Nguồn: VITAS, VNDIRECT

Trước cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, các nhà sản xuất sợi bông lớn tại Việt Nam như VGT, ADS, PPH cũng được hưởng lợi bởi xu hướng chuyển sang mua vải và sợi tới các quốc gia này.

Tương tự như tại châu Âu trong tháng 3/2021, sau khi hàng loạt thương hiệu thời trang quốc tế lớn như Nike, H&M, Uniqlo, Zara ... tuyên bố ngừng sử dụng nguyên liệu cotton từ Tân Cương (Trung Quốc), thị phần xuất khẩu vải và sợi của Trung Quốc sang Châu Âu đã giảm từ 52,4% vào năm 2020 xuống 44,7% vào năm 2021. Trong khi đó, với việc trở thành nhà cung cấp dệt may ngoài khu vực lớn thứ sáu của EU vào năm 2021 (chiếm 3% về giá trị), Việt Nam sẽ tận dụng được lợi thế từ thị trường EU và Mỹ từ năm 2022.

Hiện tại, mảng sợi của VGT đang đóng góp 50% lợi nhuận gộp trong năm 2021. Trong khi đó, VNDIRECT dự phòng doanh thu từ sợi tại thị trường Mỹ sẽ lần lượt chiếm 10% và 20% doanh thu xuất khẩu của ADS và PPH.

Ngoài ra, chiến tranh thương mại Mỹ-Trung có thể tác động tích cực đến STK trong dài hạn khi các thương hiệu thời trang lớn có xu hướng sử dụng chất liệu thân thiện với môi trường. Qua đó, dự báo sản lượng sợi tái chế của STK trong năm 2022 và 2023 sẽ tăng lần lượt 25,9% và 15,8% so với cùng kỳ.

Trước đó, giá bông ghi nhận mức cao nhất trong 10 năm qua là vào tháng 9/2021, qua đó phản ánh sự cải thiện dần của Việt Nam trong triển vọng tiêu dùng toàn cầu. Theo Trading Economic, giá bông dự kiến sẽ đạt 107,4 USD/pound (tăng 15% so với cùng kỳ) vào năm 2022 do thu hoạch mùa vụ kém ở Mỹ và Ấn Độ.

Bộ Nông nghiệp Mỹ cũng đưa ra dự báo sản lượng bông của Mỹ đạt 17,6 triệu USD (giảm 3,2% so với cùng kỳ), trong khi khối lượng sản xuất bông của Ấn Độ trong hai vụ 2021-2022 được dự báo sẽ giảm 4,0% so với cùng kỳ do cây trồng ở các bang sản xuất chính bị thiệt hại do mưa lớn vào mùa thu hoạch.

VNDIRECT cho rằng giá bông cao sẽ ảnh hưởng đến biên lợi nhuận gộp của các công ty may mặc sử dụng sợi bông cho quá trình sản xuất như MSH, TNG, TCM. Qua đó, dự báo biên lợi nhuận gộp của các công ty may mặc sẽ giảm từ 1 đến 1,3 điểm % so với cùng kỳ trong năm 2022.

Cuối cùng, báo cáo kết luận, sự bùng phát biến thể mới từ đại dịch COVID-19 tại các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam có thể ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của các công ty dệt may. Ngoài ra, tình trạng thiếu container rỗng và chi phí nguyên liệu đầu vào tăng cao trong năm 2022 có thể ảnh hưởng đến các doanh nghiệp có đơn đặt hàng ODM (thiết kế sản phẩm gốc) và OBM (sản xuất thương hiệu gốc).

Tin liên quan

Đọc tiếp