Kinh tế số Việt Nam có thể đạt 45 tỷ USD năm 2025

KInh tế số Việt nAM
12:17 - 21/11/2023
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân phát biểu tại Diễn đàn quốc gia thương mại điện tử và kinh tế số ngành công thương.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân phát biểu tại Diễn đàn quốc gia thương mại điện tử và kinh tế số ngành công thương.
0:00 / 0:00
0:00
Việt Nam có tốc độ tăng trưởng kinh tế số nhanh nhất khu vực Đông Nam Á trong 2 năm liên tiếp 2022 và 2023. Tổng giá trị giao dịch dự kiến đạt tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm ở mức 20%, từ 30 tỷ USD vào năm 2023 lên gần 45 tỷ USD vào năm 2025.

Thông tin trên được Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân đưa ra tại Diễn đàn quốc gia về thương mại điện tử và kinh tế số ngành công thương (Vietnam Digital Industry and Trade Summit 2023), ngày 21/11.

Tại diễn đàn, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân nhận định, thương mại điện tử và kinh tế số Việt Nam là một trong những điểm sáng trong phát triển kinh tế - xã hội.

Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân dẫn báo cáo mới đây của Google, Temasek và Bain & Company cho thấy, Việt Nam là quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế số nhanh nhất khu vực Đông Nam Á trong 2 năm liên tiếp (2022 và 2023) và sẽ tiếp tục giữ vị trí này tới năm 2025 (đồng hạng với Philippines).

Tổng giá trị hàng hoá (GMV) giao dịch trên môi trường số của Việt Nam dự kiến đạt tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) ở mức 20%, từ 30 tỷ USD vào năm 2023 lên gần 45 tỷ USD vào năm 2025. Đặc biệt, tăng trưởng GMV trong 2 năm tới của kinh tế số Việt Nam sẽ được dẫn dắt bởi lĩnh vực thương mại điện tử.

Theo lãnh đạo Bộ Công Thương, thời gian qua, Bộ đã ban hành nhiều văn bản, chính sách, chiến lược thúc đẩy chuyển đổi số ngành công thương; tập trung tăng cường xây dựng Chính phủ điện tử Bộ Công Thương; thúc đẩy phát triển kinh tế số ngành công thương và phát triển thương mại điện tử trên toàn quốc.

Kết quả, thương mại điện tử Việt Nam có tốc độ tăng trưởng 20% năm 2022. Trong những năm qua, thương mại điện tử Việt Nam luôn giữ được tốc độ tăng trưởng từ 16-30%, dự kiến đạt 20,5 tỷ USD trong năm nay, theo số liệu thống kê của Bộ Công Thương.

Thời gian tới, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân kỳ vọng thị trường thương mại điện tử Việt Nam phát triển sẽ tạo bước đà cho kinh tế phát triển, giúp doanh nghiệp lấy đà phục hồi. "Đây cũng chính là thời điểm xây dựng nên những mô hình và chiến lược mới. Từ đó giúp khôi phục lại doanh nghiệp và mở rộng thị trường sau khi tình trạng khó khăn qua đi", ông Tân nhấn mạnh.

Để kinh tế số phát triển xanh và bền vững, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho rằng cần tìm xu hướng ứng dụng công nghệ trong chuyển đổi số, giải pháp đẩy mạnh Chính phủ điện tử trong các lĩnh vực trọng điểm năng lượng, sản xuất thông minh, logistics; xây dựng thị trường thương mại điện tử bền vững; thu hẹp khoảng cách số…

Phát biểu tại sự kiện, bà Lê Hoàng Oanh, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương kiến nghị nhiều giải pháp trong các lĩnh vực liên quan. Về giải pháp Chính phủ số, cần phát triển hạ tầng số tập trung, thông suốt; tạo lập dữ liệu kinh tế - xã hội phục vụ quản lý, điều hành; xây dựng cơ sở dữ liệu mở dễ truy cập, sử dụng song song với đảm bảo an ninh, bảo mật hệ thống thông tin.

Về giải pháp phát triển kinh tế số, xây dựng trục hợp đồng điện tử, nền tảng thương mại không giấy tờ; xây dựng chỉ tiêu thống kế kinh tế số và phát triển lưới điện thông minh, an toàn mạng lưới điện...

Về giải pháp phát triển xã hội số, tăng cường bảo vệ người tiêu dùng trên thương mại điện tử; quy tắc ứng xử trên môi trường kinh doanh mạng, trên nền tảng thương mại điện tử. Đặc biệt chú trọng đào tạo chuyên sâu cho cán bộ về thương mại điện tử và kỹ năng số; đào tạo nhân lực số cho các trường đại học. Dự kiến tập huấn một triệu người từ các doanh nghiệp trong 5 năm về kỹ năng số và thương mại điện tử.

Tại diễn đàn quốc gia thương mại điện tử và kinh tế số ngành công thương còn có hai phiên thảo luận sâu với các chủ đề "Xu hướng công nghệ mới trong chuyển đổi số ngành công thương" và "Phát triển thương mại điện tử bền vững".

Tin liên quan

Đọc tiếp

Những "ngân hàng không ngủ"

Những "ngân hàng không ngủ"

Hầu hết các ngân hàng ở Việt Nam đều đang triển khai các chương trình chuyển đổi số, ở những mức độ khác nhau. Nâng cao trải nghiệm khách hàng là một trong những khâu có sự thay đổi mạnh mẽ và dễ nhận diện nhất.