Làm gì để giúp doanh nghiệp tư nhân thoát cảnh kinh doanh 'chộp giật'?

pháp lý KINH DOANH
14:55 - 05/04/2023
Doanh nghiệp cần ổn định pháp lý để phát triển kinh tế tư nhân. Ảnh: UBND Lào Cai.
Doanh nghiệp cần ổn định pháp lý để phát triển kinh tế tư nhân. Ảnh: UBND Lào Cai.
0:00 / 0:00
0:00
Theo VCCI, một phần nguyên nhân khiến doanh nghiệp tư nhân nhỏ lẻ còn kinh doanh chộp giật, thiếu bài bản vì họ đối mặt với rủi ro thay đổi chính sách đột ngột nên ít đầu tư vào các dự án lớn, thu hồi vốn lâu.

Tại Báo cáo dòng chảy pháp luật kinh doanh 2022 do của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), công bố ngày 4/4, VCCI đã chỉ ra một thực tế, có không ít ý kiến phê phán doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp tư nhân trong nước, chỉ biết kinh doanh nhỏ lẻ, chộp giật mà không chịu đầu tư bài bản để nâng cao hiệu quả kinh tế hoặc kinh doanh bền vững hơn.

Theo thống kê của VCCI năm 2022, có đến 98% trong số 870.000 doanh nghiệp tại Việt Nam là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Nếu cộng cả số lượng 5,1 triệu hộ kinh doanh cá thể thì thành phần kinh tế tư nhân của Việt Nam chủ yếu là kinh doanh nhỏ lẻ.

Doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam hiện nay chủ yếu kinh doanh trong các lĩnh vực thương mại, dịch vụ, sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp.

VCCI phân tích, nếu cùng đầu tư các dự án lớn, thì doanh nghiệp tư nhân trong nước nhạy cảm với rủi ro pháp lý hơn rất nhiều so với các doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Các doanh nghiệp Nhà nước thường có lợi thế trong mối quan hệ với cơ quan Nhà nước cả trong quá trình xây dựng và thực thi pháp luật.

Do đó, các doanh nghiệp Nhà nước ít phải đối mặt với rủi ro thay đổi chính sách đột ngột hoặc sự thiếu nhất quán trong thực thi pháp luật từ phía chính quyền.

Các doanh nghiệp FDI cũng có hai lợi thế lớn trước vấn đề rủi ro pháp lý. Thứ nhất, doanh nghiệp FDI thường được bảo hộ theo các cam kết bảo hộ đầu tư của Việt Nam. Thứ hai, trong trường hợp có xung đột với chính quyền nước sở tại thì doanh nghiệp FDI sẽ có sự hỗ trợ của chính phủ và cơ quan ngoại giao.

“Ngược lại, doanh nghiệp tư nhân trong nước sẽ chịu rủi ro rất cao về các sự thay đổi của chính sách. Bên cạnh nhiều yếu tố khác như quy mô vốn, công nghệ, trình độ quản lý thì rủi ro pháp lý cũng là một phần nguyên nhân lý giải tình trạng vì sao doanh nghiệp tư nhân trong nước ít khi đầu tư vào các dự án lớn, thời gian thu hồi vốn kéo dài”, báo cáo của VCCI lý giải.

Do đó, VCCI cho rằng, nếu muốn phát triển các tập đoàn kinh tế tư nhân, muốn công nghiệp hoá đất nước dựa trên các doanh nghiệp tư nhân, thì giảm rủi ro pháp lý là một trong những nhiệm vụ quan trọng.

Tỷ lệ doanh nghiệp dự đoán được sự thay đổi trong quy định pháp luật của Trung ương theo quy mô lao động. Nguồn: VCCI.
Tỷ lệ doanh nghiệp dự đoán được sự thay đổi trong quy định pháp luật của Trung ương theo quy mô lao động. Nguồn: VCCI.

Việc giảm rủi ro pháp lý không chỉ có tác động đến sự dịch chuyển ngành nghề, lĩnh vực đầu tư của kinh tế tư nhân mà còn giúp các doanh nghiệp sẵn sàng đầu tư mạnh mẽ hơn để xây dựng nhà xưởng kiên cố, mua sắm máy móc hiện đại, đầu tư cho nguồn nhân lực, nghiên cứu phát triển và xây dựng thương hiệu.

“Điều này sẽ giúp giảm tình trạng nhiều doanh nghiệp làm ăn 'chộp giật' như phản ánh hiện nay. Việc giảm rủi ro pháp lý, tăng cường tính ổn định có ý nghĩa lớn trong việc thu hút đầu tư vào các dự án lớn, phát triển kinh tế tư nhân và tăng động lực để các doanh nghiệp kinh doanh bền vững hơn”, Báo cáo dòng chảy pháp luật kinh doanh 2022 nhấn mạnh.

Thực tế, trong những năm qua, tỷ lệ doanh nghiệp quy mô lớn có khả năng dự đoán pháp luật tốt hơn là các doanh nghiệp quy mô nhỏ. Thống kê của VCCI cho thấy, có 39% doanh nghiệp quy mô từ 11 – 50 lao động “không bao giờ” dự đoán được sự thay đổi trong quy định pháp luật, nhưng tỷ lệ này ở các doanh nghiệp trên 1.000 lao động chỉ chiếm 19%.

Các luật đưa ra là động lực giúp môi trường kinh doanh dễ dàng hơn

Đưa ra phân tích tại hội thảo công bố báo cáo, bà Phạm Chi Lan, Chuyên gia kinh tế cho rằng, các luật đưa ra về kinh doanh có mục đích là để tăng quyền tự do kinh doanh cho doanh nghiệp.

Luật cần xuất phát từ chính sách. Khi chính sách ổn định thì pháp luật sẽ ổn định theo. Ý tưởng của chính sách đóng vai trò quan trọng nhất. Luật Doanh nghiệp 2015 là cơ sở đưa tất cả doanh nghiệp cùng hoạt động trên một nền tảng luật pháp.

"Tư tưởng xuyên suốt khi xây dựng môi trường pháp lý là làm sao cho việc kinh doanh dễ dàng hơn, thuận lợi hơn. Nếu tiếp tục tăng ‘cầm nhầm’ những quyền kinh doanh thì sẽ trở thành rào cản, rủi ro kinh doanh cho cộng đồng doanh nghiệp”.

Bà Phạm Chi Lan, Chuyên gia kinh tế

Để giảm thiểu các vướng mắc trong môi trường pháp lý kinh doanh, chuyên gia Phạm Chi Lan kiến nghị Quốc hội, Chính phủ khi họp nên nhấn mạnh việc chính sách đưa ra sẽ hướng đến mục đích gì, kiến tạo điều gì. Khi có chính sách rồi thì quy định pháp luật cần tương thích với chính sách mới. Bà Lan cho rằng, việc thực hành luật cần được giám sát chặt chẽ như quá trình ban hành luật để đạt hiệu quả như mong đợi.

Bà Lan cũng cho rằng, Báo cáo dòng chảy pháp luật kinh doanh 2023 cần có thêm một chương thúc đẩy môi trường pháp lý để Việt Nam đạt được mục tiêu phấn đấu mức thu nhập trung bình cao.

Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 17/11/2022, Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nhấn mạnh vấn đề phải hình thành được một số tập đoàn, doanh nghiệp công nghiệp trong nước có quy mô lớn, đa quốc gia, có năng lực cạnh tranh quốc tế trong các ngành công nghiệp nền tảng, công nghiệp ưu tiên, công nghiệp mũi nhọn. Để làm được điều này đòi hỏi môi trường đầu tư kinh doanh phải rất ổn định, đặc biệt là giảm các rủi ro pháp lý, tăng cường sự ổn định và khả năng dự đoán được của pháp luật có liên quan đến kinh doanh.

Nguồn: Báo cáo dòng chảy pháp luật kinh doanh 2022

Tin liên quan

Đọc tiếp

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện tại Việt Nam 4 tháng đầu năm 2024 ước đạt 6,28 tỷ USD tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 4 tháng đầu năm trong 5 năm qua.