VACC: Doanh nghiệp bất động sản lúng túng vì có nhiều luật chồng chéo

bđs pháp luật
16:32 - 04/04/2023
Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội các Nhà thầu Xây dựng Việt Nam (VACC) phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Quách Sơn.
Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội các Nhà thầu Xây dựng Việt Nam (VACC) phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Quách Sơn.
0:00 / 0:00
0:00
Chủ tịch Hiệp hội các Nhà thầu Xây dựng Việt Nam (VACC) chia sẻ sự lúng túng của doanh nghiệp đối với các luật tác động trực tiếp tới đầu tư bất động sản, tại hội thảo công bố Báo cáo dòng chảy pháp luật kinh doanh 2022 của VCCI, ngày 4/4.

Doanh nghiệp loay hoay khi luật chồng luật, thiếu đồng nhất

Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội các Nhà thầu Xây dựng Việt Nam (VACC) nhận định, 2022 là một năm đỉnh điểm của việc hoàn chỉnh, sửa đổi biên soạn lại hệ thống luật pháp của Việt Nam. Việc này đã nói lên, lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ nhìn thấy rõ bất cập, cản trở của hàng rào pháp lý đối với sự phát triển của các doanh nghiệp.

“Riêng đầu tư bất động sản có khoảng 12 luật tác động trực tiếp vào các hoạt động trong lĩnh vực này. Vấn đề là các luật lại đưa ra những ý kiến xử lý không đồng nhất nên các dự án, doanh nghiệp và cơ quan hành pháp thụ lý gặp khó, không biết phải xử lý thế nào trong những trường hợp chồng chéo này”, ông Hiệp phản ánh.

Chủ tịch VACC lấy ví dụ, Luật Quy hoạch đô thị quy định dự án phải được chấp thuận chủ trương đầu tư rồi mới tiến hành làm quy hoạch và xin phê duyệt trong khi Luật Đầu tư 2020 lại quy định dự án muốn được chấp thuận chủ trương đầu tư thì phải có quy hoạch chi tiết được phê duyệt.

Ảnh: Quách Sơn

Ảnh: Quách Sơn

"Chỉ một vấn đề liên quan đến 2 luật này đã không thống nhất: không biết con gà có trước hay quả trứng có trước. Việc đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất giữa các luật liên quan đến cùng một vấn đề là rất quan trọng để tháo gỡ cho các doanh nghiệp. Giải quyết được vấn đề này là sẽ tháo gỡ cho các doanh nghiệp khỏi các ách tắc, chờ đợi mất thời gian mà thời gian là tiền bạc của doanh nghiệp”.

Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội các Nhà thầu Xây dựng Việt Nam

Tuy nhiên, Chủ tịch VACC cũng chỉ ra, hiện nay các luật đều được ban hành soạn thảo của từng Bộ chuyên ngành phụ trách. Vì vậy VACC cho rằng công tác rà soát, thông qua của cơ quan chuyên trách rất cần những chuyên gia thành thạo về pháp lý, nắm vững nội dung của các luật liên quan để tham mưu cho Quốc hội trong quá trình phê duyệt tránh sự mâu thuẫn chồng chéo.

“Tính ổn định của hệ thống pháp luật cũng sẽ tác động mạnh mẽ tới việc khuyến khích các dự án lớn yên tâm đầu tư. Do đó, chúng tôi cho rằng trong hệ thống luật cần cố gắng cụ thể và chi tiết hoá để giảm bớt hệ thống nghị định, thông tư hướng dẫn. Dòng chảy pháp luật chính là động lực cho sự phát triển của toàn xã hội”, ông Nguyễn Quốc Hiệp nói.

Công tác xây dựng thể chế được thực hiện công phu hơn trước

Chia sẻ với những vướng mắc của Hiệp hội VACC và điểm lại mặt bằng pháp luật các chính sách giải quyết vấn đề “nóng” về bất động sản trong năm qua, ông Nguyễn Minh Đức, Ban Pháp chế VCCI cho biết, cuối năm 2021 đầu năm 2022, sự việc đấu giá các lô đất ở Khu đô thị mới Thủ Thiêm và 4 doanh nghiệp trúng đấu giá lần lượt “bỏ cọc” đã gây chú ý lớn từ dư luận.

Một trong những động thái từ cơ quan quản lý Nhà nước để giải quyết cho tình trạng trên là tiến hành sửa đổi điều kiện tham gia hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất.

Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai (phiên bản tháng 5/2022) đã bổ sung các điều kiện có tính ngặt nghèo hơn đối với các tổ chức tham gia đấu giá quyền sử dụng đất như: khoản tiền đặt trước tối thiểu là 20% giá khởi điểm của tài sản đấu giá; ký quỹ theo quy định của pháp luật về đầu tư; yêu cầu kinh nghiệm trong việc thực hiện các dự án đầu tư có sử dụng đất. Đồng thời bổ sung các chế tài khi người tham gia đấu giá tự ý bỏ khoản tiền đặt trước.

“Các quy định đó đều có vấn đề về sự xung đột với pháp luật về đấu giá, đầu tư, dân sự. Quan trọng hơn, việc đặt ra điều kiện tham gia đấu giá quá cao sẽ khiến rất ít nhà đầu tư có thể đáp ứng điều kiện và sẽ ảnh hưởng tới tính cạnh tranh của phương thức lựa chọn nhà đầu tư này”, ông Đức cho biết.

Tuy nhiên, bên cạnh những vấn đề còn vướng mắc, thống kê trong báo cáo của Liên đoàn Lao động và Thương mại Việt Nam (VCCI) cũng chỉ ra, trong năm 2022, công tác xây dựng thể chế kinh tế luôn được lãnh đạo Đảng và Nhà nước hết sức quan tâm và coi trọng.

Trong năm qua, các cơ quan Nhà nước đã ban hành 636 văn bản quy phạm pháp luật, trong đó có 12 luật của Quốc hội, 3 pháp lệnh của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, 131 nghị định của Chính phủ, 28 quyết định của Thủ tướng Chính phủ và 462 thông tư của các bộ trưởng. So với trung bình các năm, tổng số văn bản và số lượng từng loại văn bản đều có xu hướng giảm.

Năm 2022 là khoảng thời gian các cơ quan Nhà nước đã hoàn thành công tác tổ chức và tập trung vào việc xây dựng chính sách mới. Tuy số lượng luật được ban hành trong năm chỉ là 12 luật, nhưng số lượng các dự thảo luật, đề xuất chính sách xây dựng luật và báo cáo tổng kết thi hành luật mà VCCI nhận được trong năm 2022 là 27 văn bản.

“Điều này cho thấy công tác xây dựng thể chế, chính sách vẫn được các cơ quan Nhà nước thực hiện rất tích cực và công phu, cẩn trọng hơn trước”, báo cáo của VCCI nhấn mạnh.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Ảnh: Free Malaysia Today

PMI ASEAN tháng 4/2024 tiếp tục vượt ngưỡng 50 điểm

Dữ liệu từ báo cáo của S&P Global kỳ khảo sát tháng 4/2024 cho thấy, các điều kiện sản xuất tại ASEAN tiếp tục cải thiện nhẹ với số lượng đơn hàng mới tăng nhanh hơn. Tuy nhiên, số lượng việc làm trong khu vực này đã giảm lần đầu tiên trong 6 tháng.