Lạm phát khiến xuất khẩu tôm sang Mỹ giảm

Tôm Việt nAM
16:05 - 31/08/2022
Lạm phát khiến xuất khẩu tôm sang Mỹ giảm
0:00 / 0:00
0:00
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu tôm sang 2 thị trường có biến động trái chiều, nếu như sang Mỹ giảm 6% thì sang Trung Quốc tăng tới 64% trong 7 tháng đầu năm.

Theo VASEP, tháng 7/2022, xuất khẩu tôm của Việt Nam tiếp tục đà giảm của tháng 6, đạt hơn 381 triệu USD, giảm 14% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tính chung 7 tháng đầu năm, xuất khẩu tôm ghi nhận tăng 22% so với cùng kỳ năm 2021, đạt 2,65 tỷ USD.

Trước biến động của thị trường thế giới thời gian qua, kim ngạch xuất khẩu tôm tại các thị trường chính đều có biến động trong tháng 7, đặc biệt tại hai thị trường chính là Mỹ và Trung Quốc.

Tại thị trường Mỹ, xuất khẩu tôm sang thị trường này bắt đầu chững lại trong tháng 5/2022. Bước sang tháng 6, xuất khẩu tôm giảm 36% so với cùng kỳ năm 2021. Trong tháng 7, kim ngạch xuất khẩu tiếp tục giảm 54% so với cùng kỳ, đạt 67 triệu USD. Như vậy, so với mốc xuất khẩu cao nhất trong năm nay (99 triệu USD trong tháng 5), kim ngạch xuất khẩu tôm sang Mỹ giảm 32%.

Tính chung 7 tháng đầu năm, xuất khẩu tôm sang Mỹ đạt 550 triệu USD, giảm 6% so với cùng kỳ năm 2021.

Đà giảm trên cùng với xu hướng giảm nhập khẩu tôm của thị trường Mỹ. Theo thông tin từ VASEP, kể từ tháng 5/2022 nhập khẩu tôm các nguồn cung của Mỹ đã chững lại, bao gồm Ecuador và Indoneisa. Nguyên nhân chủ yếu là do tồn kho của thị trường vẫn còn ở mức cao. Các vấn đề khác như logistics, giá cước vận chuyển, thiếu kho lạnh cũng khiến các doanh nghiệp của Mỹ chần chừ nhập khẩu.

Ngoài ra, lạm phát cũng khiến tiêu dùng tại thị trường này không khả quan. VASEP thông tin, tới tháng 7/2022, mức lạm phát của quốc gia này vẫn đạt mức 8,5%. Tại phân khúc bán lẻ, sức mua thủy sản (bao gồm mặt hàng tôm) của người tiêu dùng giảm đáng kể, điều này tác động đến lượng nhập khẩu của các doanh nghiệp. Trong tháng 7 xuất khẩu tôm sú sang Mỹ đã giảm tới 69%, tôm chân trắng giảm gần 55%.

Dù vậy, VASEP dự báo, thời gian tới tình hình sẽ khả quan hơn khi thị trường việc làm của Mỹ đang phát triển mạnh, từ đó sẽ kéo theo nhu cầu thực phẩm tăng trở lại.

Tại thị trường Trung Quốc, sau khi ghi nhận tăng trưởng mạnh trong 6 tháng đầu năm, tháng 7 xuất sang thị trường này bắt đầu giảm, ở mức -17%, đạt 38 triệu USD. Tuy nhiên, nhờ mức kim ngạch tăng trưởng trong các tháng đầu năm, đặc biệt trong tháng 5/2022 đã tăng tới 126% nên 7 tháng đầu năm, xuất khẩu tôm sang thị trường Trung Quốc vẫn tăng 64%, đạt mức 371 triệu USD.

Trong tháng 7, Trung Quốc đã công bố bỏ đình chỉ với các lô hàng bị phát hiện với virus corona. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn kiểm tra online qua video và thực tế vẫn có lệnh đình chỉ với doanh nghiệp nếu bị phát hiện không đáp ứng các tiêu chuẩn của Trung Quốc về phòng chống và kiểm soát virus SARS - CoV - 2.

Ngoài ra, theo VASEP, trên thị trường Trung Quốc, các nhà cung cấp tôm của Việt Nam còn phải cạnh tranh với các nhà cung cấp từ Ecuador. Ecuador đang có chiến lược đẩy mạnh hàng sang Trung Quốc trong bối cảnh lượng xuất khẩu sang Mỹ sụt giảm.

VASEP thông tin, giới chuyên gia dự báo giá tôm trong nửa cuối năm 2022 sẽ phải chịu áp lực trong bối cảnh nguồn cung dự kiến tăng và nhu cầu thế giới thấp hơn. Giá tôm thế giới có thể chạm đáy vào nửa sau năm 2022, sau đó sẽ phục hồi trở lại khi người nuôi tôm có sự điều chỉnh và thích ứng. Điều này có thể ảnh hưởng trực tiếp đến kim ngạch xuất khẩu tôm Việt tại các thị trường nước ngoài trong 5 tháng còn lại.

Tin liên quan

Đọc tiếp