Loạt doanh nghiệp chuyển lỗ thành lãi nhờ tiền nhàn rỗi

DOANH NGHIỆP Việt nAM
09:22 - 11/02/2022
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
0:00 / 0:00
0:00
Dịch bệnh Covid-19 khiến cho hoạt động kinh doanh của một số ngành nghề tê liệt như du lịch, hàng không, giải trí... Tuy nhiên, nhờ sự nhanh nhạy trong việc sử dụng tiền đang có, nhiều doanh nghiệp đã đảo ngược tình thế, biến lỗ thành lãi.

Chỉ bằng việc mang tiền nhàn rỗi gửi ngân hàng mà Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam – CTCP (ACV) đã thu về hơn 1.742 tỷ đồng lãi trong năm 2021. Đây cũng là lý do giúp công ty vẫn “ấm” trong khi hoạt động kinh doanh chính liên quan đến hàng không bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch Covid-19.

Cụ thể, trong quý IV/2021, doanh thu của ACV giảm 43% so với cùng kỳ năm trước, xuống 960 tỷ đồng; lợi nhuận gộp âm 62 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi 175 tỷ. Tuy nhiên, doanh thu từ hoạt động tài chính tăng 75% lên 959 tỷ đồng, chiếm phần lớn là khoản lãi chênh lệch tỷ giá (hơn 522 tỷ đồng) trong khi cùng kỳ không ghi nhận. Nhờ vậy, ACV có lãi sau thuế 333 tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ 2020.

Tính chung cả năm, lợi nhuận gộp từ doanh thu thuần của ACV cũng âm 686 tỷ đồng, trong khi năm 2020 vẫn lãi 1.389 tỷ đồng. Nhưng nhờ doanh thu từ hoạt động tài chính tăng hơn 1.000 tỷ đồng (lên 3.250 tỷ đồng) nên công ty vẫn đạt lợi nhuận sau thuế 830 tỷ đồng; giảm 49% so với năm 2020. Đây cũng là mức lợi nhuận thấp nhất của ACV trong một thập kỷ trở lại đây.

Tính đến cuối năm 2021, quy mô tài sản của ACV đạt trên 54.840 tỷ đồng, giảm khoảng 2.000 tỷ so với đầu năm. Trong đó có 573 tỷ đồng tiền và các khoản tương đương tiền, cùng 32.717 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn dưới 12 tháng, chiếm 60% tổng tài sản. Chính khoản tiền nhàn rỗi khổng lồ đã đem về cho ACV hơn 1.742 tỷ đồng tiền lãi trong năm 2021.

ACV "ngồi không" cũng thu về nghìn tỷ đồng nhờ tiền lãi gửi ngân hàng.

ACV "ngồi không" cũng thu về nghìn tỷ đồng nhờ tiền lãi gửi ngân hàng.

Công ty CP Công viên nước Đầm Sen (DSN) cũng phải nhờ tới nguồn thu từ tiền gửi ngân hàng và đầu tư chứng khoán mới không phải đối mặt với khoản lỗ trong năm 2021. Cụ thể, doanh thu thuần trong năm 2021 của công ty ở mức 25 tỷ đồng, giảm 70% so với thực hiện năm 2020. Việc kinh doanh dưới giá vốn khiến công ty báo lỗ gộp 1,5 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ ghi nhận lợi nhuận gộp đạt 51 tỷ đồng.

Tuy nhiên, doanh thu tài chính lại là điểm sáng của DSN khi tăng gấp 3 lần lên 41 tỷ đồng, chủ yếu là khoản lãi từ tiền gửi ngân hàng và chuyển nhượng chứng khoán. Nhờ đó, công ty vẫn báo lãi sau thuế hơn 24 tỷ đồng, song giảm 41% so với cùng kỳ năm 2020. Đây cũng là mức lợi nhuận thấp nhất của Công viên nước Đầm Sen kể từ năm 2008.

Theo ban lãnh đạo DSN, năm 2021, doanh nghiệp chỉ có 3 tháng đầu năm có doanh thu, 9 tháng còn lại Công viên nước Đầm Sen đóng cửa hoàn toàn. Để khắc phục khó khăn, công ty đã tiến hành bán số cổ phiếu Ngân hàng TMCP Việt Á (mã VAB) với giá bình quân 17.882 đồng/cp.

Hồi đầu đầu năm 2021, Công viên nước Đầm Sen sở hữu 2,12 triệu cổ phiếu của VietABank, tương đương giá trị gốc 7 tỷ đồng (khoảng 3.340 đồng/cp); đến cuối năm còn lại hơn 63.000 cổ phiếu.

Như vậy, giá bán bình quân cổ phiếu VAB gấp gần 5,4 lần so với giá gốc mà công ty mua vào. Ngoài ra, báo cáo tài chính của DSN còn ghi nhận tiền gửi ngân hàng không kỳ hạn là 3 tỷ đồng, tiền gửi có kỳ hạn không quá 3 tháng tăng gấp đôi so với đầu năm, đạt 68 tỷ đồng.

Tập đoàn C.E.O (CEO Group, mã chứng khoán CEO) cũng là công ty thoát lỗ ngoạn mục trong năm 2021 nhờ doanh thu từ mảng tài chính. C.E.O kinh doanh chủ yếu trong lĩnh vực bất động sản, xây dựng, du lịch và quản lý khách sạn. Vì vậy, tác động của dịch Covid-19 là không thể tránh. Thực tế thì trước quý IV/2021, doanh nghiệp đã có 4 quý thua lỗ liên tiếp. Nhưng 3 tháng cuối năm, tình hình đã được cải thiện với tổng doanh thu đạt 797 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 306 tỷ đồng; cùng kỳ lỗ hơn 580 triệu đồng.

Trong quý, doanh thu thuần từ bán hàng và cung cấp dịch vụ của CEO đạt 495 tỷ đồng, giảm 22,8% so với cùng kỳ năm trước; nhưng doanh thu từ hoạt động tài chính lên tới 302 tỷ đồng, tăng gấp 7,5 lần, chủ yếu nhờ “lãi từ khoản đầu tư” 297 tỷ đồng (không được thuyết minh rõ). Nhờ đó, công ty thu về khoản lợi nhuận 306 tỷ đồng và ngắt mạch thua lỗ 4 quý liên tiếp. Năm 2021, CEO lãi sau thuế 82 tỷ đồng; cải thiện nhiều so với số lỗ 103 tỷ đồng năm trước.

CTCP Thủy sản MeKong (mã chứng khoán AAM) cũng thoát lỗ trong năm 2021 nhờ hoạt động đầu tư chứng khoán. Theo đó, AAM ghi nhận doanh thu thuần tăng 11%, lên hơn 134 tỷ đồng và lãi ròng đạt gần 226 triệu đồng; trong khi năm 2020 lỗ gần 12 tỷ đồng. Trong đó, hoạt động tài chính đóng góp lớn khi tăng 47%, đạt hơn 4 tỷ đồng.

Tại thời điểm cuối năm 2021, AAM chỉ còn 2 khoản đầu tư chứng khoán kinh doanh là cổ phiếu CTCP Thủy sản Cửu Long và CTCP Nông sản Bắc Ninh; không còn ghi nhận cổ phiếu từ CTCP Tập đoàn đầu tư IPA (đầu năm sở hữu 75.000 cp với giá trị 2,5 tỷ đồng).

Trong năm 2021, CTCP SAM Holdings (mã chứng khoán SAM) đẩy mạnh đầu tư chứng khoán với hơn chục mã cổ phiếu nắm giữ. Doanh thu từ hoạt động tài chính cũng đã giúp công ty thoát lỗ và vượt chỉ tiêu của năm. Cụ thể, tổng doanh thu năm 2021 của SAM Holdings là 2.251 tỷ đồng, bao gồm doanh thu thuần 1.889 tỷ đồng, giảm 2% và doanh thu tài chính 362 tỷ đồng, tăng 122%. Công ty báo lãi sau thuế 160 tỷ đồng, tăng 58%.

Tính tới thời điểm ngày 31/12/2021, tổng tài sản của SAM Holdings là 7.568 tỷ đồng, tăng 33% so với đầu năm. Trong đó, lượng tiền mặt gấp đôi, đạt 1.111 tỷ đồng; lượng tiền gửi ngân hàng tăng gấp 6 lần, đạt 730 tỷ đồng và khoản đầu tư vào chứng khoán kinh doanh tăng gấp 3 lần so với đầu năm, đạt 278,5 tỷ đồng.

Các mã lớn mà SAM nắm giữ là HPG (Tập đoàn Hòa Phát), KBC (Kinh Bắc), DNP (Nhựa Đồng Nai)... Lãnh đạo SAM Holdings từng tiết lộ, thị trường chứng khoán sẽ là kênh để công ty tối đa hiệu quả sử dụng nguồn vốn ngắn hạn.

Tin liên quan

Đọc tiếp