Lợi nhuận Sabeco về thấp nhất trong 6 quý, vẫn giữ hơn 20.000 tỷ đồng tiền mặt

SAB SABECO
10:34 - 27/04/2023
Quý 1, Sabeco thực hiện được 17% mục tiêu lợi nhuận thách thức năm 2023.
Quý 1, Sabeco thực hiện được 17% mục tiêu lợi nhuận thách thức năm 2023.
0:00 / 0:00
0:00
Trong 3 tháng đầu năm, doanh thu và lợi nhuận của chủ hãng bia Sài Gòn đều tăng trưởng âm, do thị trường tiếp tục suy yếu sau thời gian Tết Nguyên đán

Theo báo cáo tài chính quý 1/2023, Tổng công ty Bia - Rượu - Nước Giải khát Sài Gòn (Sabeco, mã chứng khoán SAB) đạt doanh thu thuần gần 6.214 tỷ đồng, giảm 15% so với cùng kỳ. Chi phí giá vốn cũng giảm 16%, giúp biên lãi gộp cải thiện nhẹ lên xấp xỉ 31%.

Doanh thu tài chính tăng 57%, ghi nhận 358 tỷ đồng. Chi phí tài chính cũng gấp đôi cùng kỳ, ở mức 21 tỷ đồng. Chi phí bán hàng hơn 861 tỷ đồng, tăng 14%. Sabeco vẫn rất bạo chi cho hoạt động quảng cáo, khuyến mại với hơn 479 tỷ đồng trong quý 1, tăng 22% so với cùng kỳ.

Kết quả, lãi sau thuế của Sabeco đạt 1.004 tỷ đồng, giảm 19% so với quý 1/2022, mức lãi thấp nhất trong vòng 6 quý trở lại đây.

Theo giải trình của Sabeco, kết quả kinh doanh tăng trưởng âm so với quý 1 năm ngoái do thị trường tiếp tục suy yếu sau thời gian Tết Nguyên đán, trong bối cảnh Nghị định 100 có dấu hiệu siết chặt tại các thành phố trọng điểm, kết hợp với bất ổn kinh tế toàn cầu và tiêu dùng chậm lại.

Năm 2023, Sabeco đặt kế hoạch kinh doanh với doanh thu thuần 40.272 tỷ đồng, tăng 15,1% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế dự kiến 5.775 tỷ đồng, tăng 5%. Nếu hoàn thành kế hoạch, Sabeco sẽ chinh phục mức đỉnh lợi nhuận mới. Năm 2022, Sabeco lãi kỷ lục gần 5.500 tỷ đồng.

Công ty nhận định, xu hướng tiêu thụ các dòng bia cận cao cấp sẽ tiếp tục đà tăng trưởng. Tuy nhiên xu hướng chuyển dịch sang các phân khúc thấp hơn của người tiêu dùng do thu nhập bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 kéo dài có thể ảnh hưởng đến doanh thu năm 2023.

Về tình hình tài chính, tại thời điểm cuối quý 1/2023, tổng tài sản của Sabeco đạt 31.480 tỷ đồng, giảm hơn 3.000 tỷ đồng so với đầu năm. Phần giảm chủ yếu ở khoản tiền mặt và tiền gửi ngân hàng, từ mức hơn 23.000 tỷ đồng xuống còn hơn 20.000 tỷ đồng.

Còn lại, các tài sản chiếm tỷ trọng lớn là hàng tồn kho (2.496 tỷ đồng), tài sản cố định (4.332 tỷ đồng), đầu tư vào các công ty liên kết và cơ sở kinh doanh đồng kiểm soát (2.221 tỷ đồng).

Mặt khác, phần nợ phải trả của Sabeco cũng giảm mạnh so với đầu kỳ, từ gần 10.000 tỷ đồng xuống còn hơn 5.900 tỷ đồng. Khoản giảm mạnh nhất là phải trả ngắn hạn khác, từ hơn 3.200 tỷ đồng xuống 955 tỷ đồng. Nguyên nhân là trong kỳ, công ty đã chi hơn 2.200 tỷ đồng cổ tức.

Các khoản giảm đáng kể khác là phải trả người bán ngắn hạn, thuế. Công ty chỉ vay nợ gần 1.000 tỷ đồng.

Tại thời điểm cuối quý 1, vốn chủ sở hữu của Sabeco đạt 25.572 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối hơn 16.500 tỷ đồng.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Ảnh minh họa: PGBank đã có những phát triển vượt bậc sau khi cổ đông sáng lập là Petrolimex thoái vốn và sự tham gia của Tập đoàn Thành Công.

Những cổ đông ‘gần lớn’ ở PGBank

ĐHĐCĐ năm 2024 của PGBank có sự tham dự của 20 cổ đông, đại diện cho 97,424% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết. Xét theo tỷ lệ, đây là con số rất cao trên thị trường, thậm chí còn cao hơn các ngân hàng thương mại quốc doanh.