MBBank có tân chủ tịch HĐQT ngay trước thềm ĐHĐCĐ

NHÂN SỰ MB Bank
16:13 - 13/04/2023
Ông Lưu Trung Thái, tân Chủ tịch HĐQT MB Bank.
Ông Lưu Trung Thái, tân Chủ tịch HĐQT MB Bank.
0:00 / 0:00
0:00
Ông Lưu Trung Thái được bầu đảm nhiệm giữ chức vụ trong thời gian còn lại của nhiệm kỳ 2019-2024, bắt đầu từ ngày 12/4.

Ngân hàng TMCP Quân Đội (MB Bank, HoSE: MBB) vừa công bố Quyết nghị của HĐQT về việc miễn nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT MB đối với ông Lê Hữu Đức, bầu ông Lưu Trung Thái thay thế trong thời gian còn lại của nhiệm kỳ 2019-2024, đồng thời giao nhiệm vụ ông Phạm Như Ánh chức danh Phó Tổng giám đốc phụ trách Ban điều hành.

Chủ tịch HĐQT Lê Hữu Đức từ nhiệm theo nguyện vọng cá nhân

Thông tin từ MB cho biết, từ ngày 12/4/2023, Thượng tướng Lê Hữu Đức từ nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT MB trong thời gian còn lại của nhiệm kỳ 2019-2024 theo nguyện vọng cá nhân và đề xuất Đại hội đồng cổ đông thông qua việc thôi tham gia HĐQT nhiệm kỳ 2019-2024.

Thượng tướng Lê Hữu Đức đã dẫn dắt MB 12 năm, trải qua 3 giai đoạn chiến lược và để lại dấu ấn đậm nét trong việc định hướng chiến lược, xây dựng nền tảng quản trị, điều hành tiên tiến.

Ông Lưu Trung Thái được bầu làm Chủ tịch HĐQT

Người kế nhiệm ông Lê Hữu Đức được HĐQT MB tin tưởng bầu chọn là ông Lưu Trung Thái - Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc MB.

Tân Chủ tịch HĐQT MB sinh năm 1975, tốt nghiệp Thạc sỹ Quản trị Kinh doanh, Đại học Hawaii, Mỹ. Ông Lưu Trung Thái đã có hơn 26 năm gắn bó, làm việc và nắm giữ các vị trí quan trọng tại MB. Ông tham gia HĐQT MB từ năm 2013, đảm nhận vị trí Phó chủ tịch HĐQT.

Giai đoạn 2013-2017, ông Lưu Trung Thái tham gia thực hiện tái cấu trúc các công ty thành viên, góp phần xây dựng hệ sinh thái tập đoàn tài chính đa năng với 6 công ty thành viên hoạt động an toàn, bền vững. Tháng 1/2017, ông đảm nhận vị trí Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc MB.

Ông Lê Hữu Đức (giữa), ông Lưu Trung Thái (bên phải) và ông Phạm Như Ánh (trái)
Ông Lê Hữu Đức (giữa), ông Lưu Trung Thái (bên phải) và ông Phạm Như Ánh (trái)

Ông Phạm Như Ánh đảm nhiệm quyền hạn và nhiệm vụ Tổng giám đốc MB

Cùng ngày, HĐQT MB giao nhiệm vụ cho ông Phạm Như Ánh chức danh Phó Tổng giám đốc phụ trách Ban Điều hành MB, đảm nhiệm quyền hạn và nhiệm vụ của tổng giám đốc.

Ông Phạm Như Ánh sinh năm 1980, thuộc lớp Lãnh đạo trẻ của MB, có gần 20 năm kinh nghiệm làm việc trong ngành tài chính, ngân hàng. Tại Ngân hàng TMCP Quân Đội, ông Phạm Như Ánh đã đảm nhiệm nhiều vị trí từ Giám đốc chi nhánh, Giám đốc Khối, phụ trách kinh doanh Khu vực phía nam đến Thành viên Ban điều hành.

Giai đoạn 2007-2017, với vai trò là giám đốc một số chi nhánh, ông Phạm Như Ánh đã dẫn dắt các chi nhánh dẫn đầu khu vực miền Trung và miền Nam. Tháng 04/2017, ông được giao đảm nhiệm vị trí giám đốc Khối Khách hàng lớn (CIB).

Tháng 08/2020, ông Phạm Như Ánh được bổ nhiệm là thành viên Ban Điều hành, nhận phụ trách quản lý hoạt động kinh doanh các đơn vị tại Khu vực phía Nam và Khối CIB của MB. Các đơn vị này đều tăng trưởng vượt bậc và an toàn, gấp từ 2-5 lần trong 3 năm qua.

HĐQT Ngân hàng TMCP Quân đội vừa qua cũng đã thông qua kế hoạch tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2023 của ngân hàng. Theo đó, MB sẽ tổ chức Đại hội năm 2023 vào ngày 25/4 tại Hà Nội tới đây.

Về kết quả kinh doanh, báo cáo tài chính quý 4/2022 của MB Bank cho thấy, thu nhập lãi thuần mang về cho MB Bank 9.630 tỷ đồng, tăng 34% so với cùng kỳ. Song, các mảng kinh doanh khác đều tăng trưởng âm, trong đó giảm mạnh nhất là lãi thuần từ chứng khoán kinh doanh (giảm 90%), lãi thuần từ chứng khoán đầu tư và hoạt động kinh doanh khác cũng đi lùi, lần lượt giảm 60% và 50,3%.

Dù vậy, luỹ kế cả năm 2022, MB Bank vẫn ghi nhận tăng trưởng dương với mức lợi nhuận trước thuế 22.729 tỷ đồng, tăng 38% so với năm 2021. Kết quả này chủ yếu đến từ tăng trưởng của thu nhập lãi thuần và kinh doanh ngoại hối.

Trong năm 2022, nợ xấu của MB Bank tăng 54% lên hơn 5.000 tỷ đồng. Đáng chú ý, nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) tăng gấp 2,8 lần so với năm 2021, lên mức 2.293 tỷ đồng và chiếm gần một nửa tổng nợ xấu của MB Bank.

Đọc tiếp

Ảnh minh họa: PGBank đã có những phát triển vượt bậc sau khi cổ đông sáng lập là Petrolimex thoái vốn và sự tham gia của Tập đoàn Thành Công.

Những cổ đông ‘gần lớn’ ở PGBank

ĐHĐCĐ năm 2024 của PGBank có sự tham dự của 20 cổ đông, đại diện cho 97,424% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết. Xét theo tỷ lệ, đây là con số rất cao trên thị trường, thậm chí còn cao hơn các ngân hàng thương mại quốc doanh.