Mỹ sẽ áp lệnh trừng phạt thương mại chưa từng có với Nga

KINH TẾ NGA
12:51 - 12/03/2022
Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 11/3 đã kêu gọi thu hồi quy chế Tối huệ quốc với Nga. Ảnh: Reuters
Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 11/3 đã kêu gọi thu hồi quy chế Tối huệ quốc với Nga. Ảnh: Reuters
0:00 / 0:00
0:00
Ngày 11/3, Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố sẽ chấm dứt quy chế Quan hệ Thương mại Bình thường Vĩnh viễn (PNTR) với Nga, một bước đi mới và nặng nhất từ trước đến nay nhằm trả đũa Moscow sau khi nước này phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine.

Theo luật định, lưỡng viện Quốc hội Mỹ sẽ xem xét và thông qua quyết định của Tổng thống Joe Biden. Các nguồn tin tiết lộ rằng, các nghị sĩ từ cả hai viện đều bày tỏ tán thành việc bỏ quy chế Quan hệ Thương mại Bình thường Vĩnh viễn (PNTR) hay còn gọi là quy chế Tối huệ quốc với Nga. Một số người thậm chí đã đề xuất luật thu hồi tư cách thành viên WTO của Nga.

Nếu quy chế thương mại của Nga bị thu hồi, Mỹ có thể tăng mạnh mức thuế quan nhập khẩu đối với bất kỳ hàng hóa nào từ Nga. Đây sẽ là đòn trừng phạt cứng rắn nhất mà Mỹ nhằm vào Nga, để đáp trả chiến dịch quân sự đặc biệt của Tổng thống Nga tại Ukraine.

Ông Biden cũng đã ký một lệnh hành pháp cấm nhập khẩu thủy sản, rượu và kim cương phi công nghiệp của Nga và cấm xuất khẩu hàng hóa xa xỉ của Mỹ sang Nga. Ảnh: Reuters

Ông Biden cũng đã ký một lệnh hành pháp cấm nhập khẩu thủy sản, rượu và kim cương phi công nghiệp của Nga và cấm xuất khẩu hàng hóa xa xỉ của Mỹ sang Nga. Ảnh: Reuters

Tổng thống Biden cho biết Liên minh châu Âu (EU) và Nhóm 7 nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) dự kiến ​​sẽ thực hiện các hành động tương tự với Nga. Lãnh đạo các nước G7 đã ra tuyên bố chung về các biện pháp trừng phạt kinh tế mới đối với Nga nhằm cô lập nước này khỏi hệ thống tài chính quốc tế.

Các biện pháp này bao gồm từ bỏ quy chế tối huệ quốc trong quan hệ thương mại với Nga, ngăn cản Nga vay tài chính từ các tổ chức tài chính đa phương; trừng phạt giới tinh hoa và tài phiệt Nga, ngăn chặn các âm mưu của Nga nhằm phát tán thông tin sai lệch, và hạn chế xuất - nhập khẩu các mặt hàng và công nghệ chủ chốt cho Nga.

Trong tuần trước, Canada đã loại bỏ quy chế tối huệ quốc của Nga.

Cùng ngày, ông Biden đã ký một lệnh cấm nhập khẩu thủy sản, kim cương phi công nghiệp và rượu của Nga vào Mỹ. Lệnh cũng cấm xuất khẩu hoặc bán hàng hóa xa xỉ của Mỹ tại Nga. Những hàng hóa này bao gồm đồng hồ cao cấp và quần áo, đồ trang sức, rượu cao cấp và xe hơi sang trọng - vốn phục vụ lối sống của các nhà tài phiệt Nga.

Động thái trên được công bố giữa lúc một loạt công ty lớn và thương hiệu nổi tiếng của nước ngoài thông báo rút khỏi hoặc ngưng hoạt động ở Nga, một phần do tác động của các biện pháp trừng phạt.

Trước đó, Washington và các đồng minh cũng đã áp đặt một loạt lệnh trừng phạt đối với các doanh nghiệp Nga, các thành viên của tầng lớp tài phiệt ưu tú của nước này và thậm chí cả chính Tổng thống Nga Putin. Mới nhất, ngày 8/3, Tổng thống Joe Biden đã chính thức công bố lệnh cấm nhập khẩu dầu mỏ và năng lượng của Nga.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo, nền kinh tế Nga sẽ rơi vào "cuộc suy thoái sâu" trong năm nay. Theo Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ, Nga là đối tác thương mại lớn thứ 26 của Mỹ trong năm 2019 với kim ngạch thương mại song phương đạt khoảng 29 tỷ USD, phần lớn trong số đó bao gồm các sản phẩm dầu và khí đốt.

Tin liên quan

Đọc tiếp