Nga công bố sắc lệnh cấm xuất khẩu dầu sang nước áp giá trần

dầu mỏ NGA
08:32 - 28/12/2022
Một tàu chở dầu đang neo đậu tại khu phức hợp Sheskharis, Novorossiysk, Nga. Ảnh: AP
Một tàu chở dầu đang neo đậu tại khu phức hợp Sheskharis, Novorossiysk, Nga. Ảnh: AP
0:00 / 0:00
0:00
Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 27/12 ký sắc lệnh cấm xuất khẩu dầu cho các nước áp dụng mức giá trần. Lệnh cấm này sẽ bắt đầu có hiệu lực từ tháng 2/2023 và kéo dài trong 5 tháng.

"Việc cung ứng dầu và sản phẩm từ dầu của Nga cho các pháp nhân và cá nhân nước ngoài bị cấm nếu hợp đồng có đề cập trực tiếp hoặc gián tiếp quy định sử dụng cơ chế áp giá trần", theo sắc lệnh được Tổng thống Putin ký, theo TASS.

Tổng thống Nga Vladimir Putin ký sắc lệnh cấm bán dầu cho các nước áp dụng mức giá trần. Ảnh: Sputnik

Tổng thống Nga Vladimir Putin ký sắc lệnh cấm bán dầu cho các nước áp dụng mức giá trần. Ảnh: Sputnik

Sắc lệnh này có hiệu lực từ ngày 1/2/2023 đến ngày 1/7/2023. Trong đó, lệnh cấm bán riêng biệt đối với các sản phẩm dầu tinh chế như xăng, dầu diesel sẽ có hiệu lực vào ngày do chính phủ Nga ấn định. Sắc lệnh còn có một điều khoản cho phép Tổng thống Putin có quyền bác bỏ lệnh cấm trong những trường hợp đặc biệt.

Đây được xem là động thái của Nga nhằm đáp trả việc G7, Liên minh châu Âu (EU) và Australia áp giá trần với dầu thô nước này. Trước đó, các quốc gia này đã đạt được thỏa thuận với mức giá trần 60 USD/thùng đối với dầu mỏ vận chuyển bằng đường biển của Nga và cơ chế điều chỉnh giá trần thấp hơn 5% giá thị trường.

Mức giá trần này bắt đầu có hiệu lực từ ngày 5/12, nhưng sẽ có giai đoạn chuyển tiếp kéo dài 45 ngày, cho phép các tàu đã lấy hàng trước ngày đó được chở hàng và dỡ hàng trước ngày 19/1/2023 mà không bị phạt.

Phương Tây cũng cấm các công ty vận chuyển hoặc cung cấp bảo hiểm cho các lô hàng dầu Nga được bán trên mức giá cố định. Mức trần 60 USD/thùng khá sát với giá dầu hiện tại của Nga, nhưng thấp hơn nhiều so với mức giá Nga có thể bán trong phần lớn năm qua.

Phương Tây kỳ vọng với việc áp trần giá dầu, Nga sẽ bị cắt giảm doanh thu từ việc xuất khẩu năng lượng, đồng thời ngăn giá dầu toàn cầu tăng đột biến sau lệnh cấm vận dầu thô Nga.

Tuy nhiên, Nga đã nhiều lần tuyên bố không chấp nhận bán dầu theo mức giá trần mà phương Tây áp đặt. Tuần trước, Phó thủ tướng Nga Alexander Novak cảnh báo Moscow còn có thể giảm sản lượng dầu 5-7% từ đầu năm 2023 để đáp trả, nhưng nước này vẫn đảm bảo thực hiện những cam kết chi tiêu công nhờ vào các nguồn vốn dự phòng.

Hôm 26/12, Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov nêu rõ Moscow không có ý định bán dầu cho những quốc gia ủng hộ biện pháp áp giá trần và sẽ tìm cách phát triển các thị trường mới nhằm khôi phục hoạt động xuất khẩu dầu mỏ.

Nga hiện là quốc gia xuất khẩu dầu lớn thứ hai thế giới sau Saudi Arabia. Bất kỳ sự gián đoạn nào đối với hoạt động cung ứng của Moscow cũng đều có tác động lớn tới nguồn cung năng lượng toàn cầu.

Đọc tiếp

Nữ phát ngôn viên AI của Bộ Ngoại giao Ukraine Victoria Shi. Ảnh: Theo Bộ Ngoại giao Ukraine.

Bộ Ngoại giao Ukraine giới thiệu phát ngôn viên AI

Nữ phát ngôn viên tên Victoria Shi được tạo ra từ trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ thay mặt Bộ Ngoại giao Ukraine đưa ra các tuyên bố chính thức. Những tuyên bố do Victoria Shi đọc sẽ không phải do AI tạo ra mà được viết và xác minh bởi người thật.