Ngành công nghiệp tiếp tục hồi phục ở hầu hết các tỉnh thành

Công nghiệp Việt nAM
11:16 - 29/03/2022
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, quý I/2022, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 6,38%, đóng góp 51,08% vào mức tăng trưởng chung. Toàn ngành tiếp tục hồi phục tốt và vẫn giữ vị trí là bệ đỡ của nền kinh tế. 

Quý I/2022, ngành công nghiệp tiếp tục khởi sắc với mức tăng thêm toàn ngành là 7,07% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng 6,44% của quý I năm 2021, đóng góp 2,42 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế.

Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục đóng vai trò động lực dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế với mức tăng 7,79%, đóng góp 2,05 điểm phần trăm. Đứng thứ hai là ngành sản xuất và phân phối điện tăng 7,42%, đóng góp 0,29 điểm phần trăm. Ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 6,54%, đóng góp 0,04 điểm phần trăm

Trong khi đó, ngành khai khoáng tăng trưởng dương 1,23% (khai thác than tăng 3,2% và quặng kim loại tăng 5%), làm tăng 0,04 điểm phần trăm. Ngành xây dựng tăng 2,57%, thấp hơn tốc độ tăng 6,53% của quý I năm 2021, đóng góp 0,16 điểm phần trăm.

Chỉ số sản xuất (IIP) quý I/2022 của hầu hết các ngành trọng điểm đều tăng cao so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt là ngành sản xuất phục trang với mức tăng vọt 24,1%, cao gấp gần 7 lần mức tăng 3,5% của quý I/2021.

Ngành sản xuất máy móc, thiết bị cũng chứng kiến mức tăng trưởng ấn tượng 16,2%, tăng gấp rưỡi so với mức tăng 9,8% của năm ngoái. Đây là mức tăng trưởng khả quan khi Việt Nam vẫn đang trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa cũng như bước vào thời kỳ chuyển đổi số, nỗ lực theo kịp các quốc gia phát triển trên thế giới.

Hết quý I/2022, chỉ số sản xuất công nghiệp ghi nhận mức tăng ở 61 địa phương và chỉ giảm ở 2 địa phương trên cả nước.

Mức tăng trưởng của các sản phẩm chủ lực đều ở mức tương đối khiêm tốn so với cùng kỳ năm ngoái. Đơn cử như sản phẩm có mức tăng trưởng cao nhất quý này là linh kiện điện thoại với mức tăng 19%, con số này ở cùng kỳ năm ngoái là 47,9%, cao gấp 2,5 lần.

Hay như mặt hàng tivi, năm 2021, mặt hàng này tăng 30,9%, nằm trong nhóm mặt hàng có mức tăng cao nhất, năm nay lại giảm tới 23,3%. Nguyên nhân có thể kế đến là do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 và tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, khiến nhu cầu sụt giảm và các nhà máy cũng khó tiếp cận nguồn nguyên liệu, linh kiện nhập khẩu.

Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 3/2022 tăng 19,1% so với tháng trước và tăng 7,6% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung quý I năm 2022, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 6,6% so với cùng kỳ năm 2021.

Chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tính tại thời điểm 31/3/2022 tăng 4,8% so với cùng thời điểm tháng trước và tăng 17,7% so với cùng thời điểm năm trước (cùng thời điểm năm trước tăng 22,5%). Tỷ lệ tồn kho toàn ngành chế biến, chế tạo bình quân quý I năm 2022 là 79,9% (bình quân quý I năm 2021 là 75,1%).

Số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 01/3/2022 tăng 1,9% so với cùng thời điểm tháng trước và tăng 2,7% so với cùng thời điểm năm trước.

Tin liên quan

Đọc tiếp