Ngành điện tử Việt Nam tăng trưởng cao nhưng phần lớn do FDI dẫn dắt

việc làm ĐIỆN TỬ
17:19 - 15/07/2022
Ngành điện tử Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội và thách thức.
Ngành điện tử Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội và thách thức.
0:00 / 0:00
0:00
Theo Giám đốc ILO Việt Nam Ingrid Christensen, Việt Nam có thể phát triển bền vững ngành điện tử thông qua đầu tư hợp lý vào cải thiện điều kiện làm việc thỏa đáng, từ đó đảm bảo chuỗi cung ứng, nâng cao khả năng tự chủ.

Bất chấp sự gián đoạn chuỗi cung ứng, giảm giờ làm việc và sụt giảm doanh số bán hàng trong bối cảnh Covid-19, nhu cầu trên toàn thế giới vẫn tăng cao đối với các mặt hàng sử dụng trong thời gian giãn cách xã hội, dẫn tới việc gia tăng hàng xuất khẩu. Xuất khẩu điện thoại và linh kiện điện của Việt Nam tăng trưởng 30,7% trong 4 tháng đầu năm 2021.

Nhìn nhận về cơ hội và thách thức của việc làm ngành điện tử trong bối cảnh hậu Covid-19 tại diễn đàn ngành điện tử "Việc làm thỏa đáng và tương lai của chuỗi cung ứng điện tử tại Việt Nam”, ngày 15/7, bà Trần Thị Hồng Liên, Phó Giám đốc Văn phòng Giới sử dụng lao động (VCCI) cho biết, ngành điện tử Việt Nam đang đứng trước các cơ hội từ nhu cầu thị trường quốc tế tăng nhanh, Chính phủ trong nước có nhiều chính sách khuyến khích phát triển ngành.

Giá nhân công thấp khiến Việt Nam có tính cạnh tranh cao hơn trên thị trường quốc tế. Cùng với đó là những xu hướng thương mại quốc tế mới có lợi cho Việt Nam, với các FTA mở ra nhiều cơ hội xuất khẩu và đầu tư. Các công ty đa quốc gia hàng đầu cũng đang ngày một đầu tư nhiều hơn vào nghiên cứu phát triển nguồn nhân lực tạo ra nhiều hướng phát triển mới cho các nhà cung cấp nhỏ trong nước.

Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội, ngành điện tử Việt Nam cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Trong đó, bà Liên chỉ ra công nghiệp hỗ trợ chưa thực sự phát triển, thiếu liên kết giữa doanh nghiệp trong nước và các doanh nghiệp FDI. Kỹ năng của người lao động còn thấp, cần phải được đào tạo mới để tham gia các công việc có giá trị gia tăng cao hơn.

“Ngành điện tử Việt Nam có tốc độ tăng trưởng cao nhưng phần lớn do doanh nghiệp FDI dẫn dắt, phụ thuộc vào linh kiện nhập khẩu, chủ yếu gia công lắp ráp. Vừa rồi, ngành cũng chịu tác động mạnh từ Covid-19 nhưng đã phục hồi từ cuối năm 2021 kể cả về sản xuất, xuất khẩu và việc làm”, bà Liên nhận định.

Đưa ra gợi ý cho Việt Nam đảm bảo chuỗi cung ứng ngành điện tử, bà Ingrid Christensen, Giám đốc Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) Việt Nam cho rằng, cần chú ý tới việc làm thỏa đáng để có thể tăng khả năng cạnh tranh bền vững của ngành công nghiệp điện tử trên thị trường toàn cầu và đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

“Điều này cũng phù hợp với Lời kêu gọi hành động toàn cầu vì công cuộc phục hồi lấy con người làm trung tâm của ILO, trong đó tập trung vào bốn trụ cột: Tăng trưởng toàn diện và việc làm; bảo vệ người lao động; an sinh xã hội toàn dân; đối thoại xã hội”, bà Ingrid Christensen nhấn mạnh.

Bà Ingrid Christensen, Giám đốc ILO Việt Nam

“Việt Nam có thể phát triển bền vững ngành điện tử thông qua đầu tư hợp lý vào cải thiện điều kiện làm việc thỏa đáng, bao gồm thúc đẩy đối thoại xã hội cũng như tham gia vào các chương trình tăng cường tuân thủ pháp luật tại nơi làm việc”.

Đảm bảo chuỗi cung ứng ngành điện tử thông qua đầu tư việc làm thỏa đáng

Cũng tại diễn đàn, ông Casper N.Edmonds, Trưởng Bộ phận khai khoáng, năng lượng và sản xuất (Ban Chính sách của ILO) đã có những đánh giá về chuỗi cung ứng điện tử Việt Nam trong bối cảnh mới.

Thị trường xuất khẩu hàng điện tử thiết bị văn phòng và viễn thông, vi mạch và linh kiện điện tử trên toàn thế giới năm 2019 đạt 4,1 nghìn tỷ USD với giá trị thương mại toàn cầu về thiết bị bán dẫn đạt 102 tỷ USD, thu hút 25,9 triệu lao động.

Theo ông Casper N.Edmonds, Châu Á là nơi sản xuất ngành điện tử lớn nhất thế giới với 40% ở Đông Á và 60% đến từ Trung Quốc. Đây là ngành thâm dụng nhiều lao động và đối mặt với nhiều thách thức cần tăng tính chống chịu, bền vững.

“Ngành điện tử hiện nay với nhiều thách thức về việc làm thỏa đáng, giờ làm việc còn kéo dài. Có những yêu cầu thay đổi nhanh trong đơn hàng gây áp lực lớn đến người lao động hay vấn đề đảm bảo an toàn vệ sinh lao động về các hóa chất độc hại, đâu đó vẫn tồn tại. Một thách thức nổi lên đáng lưu ý là rác thải điện tử trong bối cảnh Việt Nam cần giảm C02 hướng tới thúc đẩy kinh tế tuần thì yêu cầu tái chế là việc chắc chắn các doanh nghiệp cần quan tâm”, chuyên gia ILO đánh giá.

Để giải quyết những thách thức này, ông Casper N.Edmonds cho rằng, cần tập trung vào 3 khuôn khổ: Các nguyên tắc hướng dẫn của Liên Hợp Quốc về kinh doanh và quyền con người; Hướng dẫn cho các doanh nghiệp đa quốc gia; Tuyên bố ba bên của ILO về các nguyên tắc liên quan đến doanh nghiệp đa quốc gia và chính sách xã hội. Đây cũng là các khuôn khổ thúc đẩy hoạt động kinh doanh có trách nhiệm của các doanh nghiệp.

Ông Casper N.Edmonds, Ban Chính sách của ILO

“Để nắm bắt những cơ hội và giải quyết các thách thức đối với việc làm thỏa đáng, ILO sẽ hỗ trợ Việt Nam thông qua dự án do EU tài trợ về chuỗi cung ứng điện tử bền vững. Chuẩn bị cho một tương lai với những bất định, Chính phủ Việt Nam, người lao động và người sử dụng lao động cần có nỗ lực chung để tìm giải pháp đưa ra các việc làm tốt hơn trong ngành điện tử”.

Làm rõ hơn quan điểm của ông Casper N.Edmonds, Giám đốc Văn phòng ILO Việt Nam Ingrid Christensen nhìn nhận, hiện trạng ngành điện tử Việt Nam đã cho thấy những cơ hội, thách thức và con đường phía trước để tăng cường hợp tác, hiện thức hóa mục tiêu bền vững chuỗi cung ứng ngành điện tử.

“Sự đóng góp của ngành điện tử cho tăng trưởng kinh tế là điều thấy rõ, cần thúc đẩy các điều kiện làm việc thỏa đáng, nâng cao kỹ năng, đảm bảo các quyền cơ bản theo tiêu chuẩn lao động quốc tế để tạo ra việc làm bền vững, nâng cao khả năng chống chịu của ngành điện tử trước những bất động của thị trường toàn cầu”, Giám đốc Văn phòng ILO Việt Nam khuyến nghị.

Tin liên quan

Đọc tiếp