Ngành nhựa Việt Nam: 92% doanh nghiệp chỉ đóng góp dưới 1/3 doanh thu toàn ngành

Nhựa Việt nAM
10:46 - 20/05/2022
Ngành nhựa Việt Nam: 92% doanh nghiệp chỉ đóng góp dưới 1/3 doanh thu toàn ngành
0:00 / 0:00
0:00
Theo báo cáo của FiinResearch, 92% doanh nghiệp nhựa chỉ đóng góp 29% tổng doanh thu toàn ngành, trong khi đó 8% doanh nghiệp còn lại chiếm hơn 70% doanh thu.

Năm 2021, Việt Nam xuất khẩu nhựa đạt gần 5 tỷ USD. Trong 3 năm trở lại đây, tốc độ tăng trưởng trung bình của ngành nhựa Việt Nam đạt 17%/năm.

Các mặt hàng nhựa bao bì xuất khẩu ghi nhận giảm. Trong khi đó, mặt hàng nhựa xây dựng và kỹ thuật lại tăng lên rất mạnh, xuất khẩu sang các thị trường đạt tín hiệu tốt.

Chia sẻ tại hội thảo tham vấn “Báo cáo nghiên cứu về thị trường xuất khẩu tiềm năng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam trong chuỗi giá trị nhựa toàn cầu” ngày 18/5, ông Lê Xuân Đồng, Chuyên gia tư vấn của FiinGroup kiêm Chuyên gia tư vấn của Dự án USAID link SME cho biết, ngành nhựa Việt Nam tập trung phát triển theo hai xu hướng chính, gồm nhựa thân thiện với môi trường và sản xuất linh kiện nhựa.

Người tiêu dùng các nước phát triển đang ngày càng ưa chuộng các sản phẩm tái chế. Trong khi đó, sản xuất linh kiện nhựa sẽ có ưu thế xuất khẩu khi Việt Nam có tới 15 FTA với các nước, các khu vực trên thế giới.

Theo báo cáo, có khoảng 4.600 doanh nghiệp hiện nay đang hoạt động trong ngành nhựa. Tuy nhiên, có tới 92% số các doanh nghiệp trong ngành nhựa là doanh nghiệp vừa và nhỏ (doanh nghiệp có doanh thu hàng năm dưới 200 tỷ đồng/năm). 92% này chỉ đóng góp 29% thị phần doanh thu toàn ngành, hơn 70% còn lại nằm trong tay 8% doanh nghiệp có quy mô lớn.

Trong khi đó, theo báo cáo của FiinResearch, dòng vốn đầu tư nước ngoài vào ngành nhựa trong 3 năm trở lại đây phát triển rất mạnh, các doanh nghiệp FDI vào Việt Nam ngày càng lớn. Tuy nhiên, thực tế các doanh nghiệp nhựa hàng đầu của Việt Nam hiện tại gần như là các doanh nghiệp FDI.

Trong năm 2021, các tập đoàn lớn của nước ngoài đã tiến hành nhiều cuộc “thâu tóm” quy mô lớn đối với doanh nghiệp nhựa Việt Nam. Trong đó, Tập đoàn SCG của Thái Lan đã mua lại 70% cổ phần của công ty nhựa Duy Tân – công ty nhựa hàng đầu của Việt Nam. Trước đó, năm 2020 SCG cũng đã sở hữu thêm công ty bao bì Biên Hòa.

Ngoài Duy Tân và Biên Hòa, danh sách các công ty thành viên của SCG trong mảng bao bì còn có công ty Giấy Kraft Vina – nhà sản xuất bao bì lớn nhất tại Việt Nam, công ty Bao bì nhựa Tín Thành, công ty công nghiệp Tân Á, công ty Bao bì AP…

SCG của Thái Lan hiện cũng đang là chủ đầu tư của Dự án Tổ hợp hóa dầu Long Sơn với tổng vốn khoảng 5,4 tỷ USD. Dự án này đi vào hoạt động dự sẽ cung cấp khoảng 15% nguyên liệu nhựa cho Việt Nam.

Các thống kê trên cho thấy, sự phát triển của ngành nhựa Việt Nam đang phụ thuộc lớn vào doanh nghiệp nước ngoài, trong khi các doanh nghiệp Việt chưa thực sự có bước tiến bứt phá để phát triển phát triển bền vững.

Trao đổi thêm với Mekong Asean về vấn đề này, ông Lê Xuân Đồng cho biết: doanh nghiệp Việt đang yếu về vốn đầu tư, về công nghệ, kinh nghiệm xuất nhập khẩu. Ngoài ra, vấn đề cản trở ngôn ngữ cũng đang trở thành rào cản, vốn là điều tiên quyết doanh nghiệp cần có trong quá trình hội nhập toàn cầu.

Hiện nay, số doanh nghiệp vừa và nhỏ toàn ngành quá lớn chiếm tới 92%, khiến khả năng tiếp cận nguồn vốn từ các ngân hàng tương đối thấp.

Vốn hạn chế khiến doanh nghiệp gặp khó trong việc đầu tư nâng cấp các trang thiết bị, công nghệ, chất lượng cơ sở sản xuất nhằm tạo ra sản phẩm chất lượng cao. Đồng thời cũng không thể đảm bảo yêu cầu về mặt bảo vệ môi trường, lực lượng lao động của các nước nhập khẩu.

Điều này đã tác động không nhỏ đến khả năng xuất khẩu của của doanh nghiệp. Trong cơ cấu xuất khẩu ngành nhựa Việt Nam, doanh nghiệp Việt chỉ chiếm khoảng 40%, 60% còn lại là doanh nghiệp FDI. Ông Đồng cho rằng, với các ưu đãi từ các FTA, doanh nghiệp nước ngoài được hưởng lợi nhiều hơn so với doanh nghiệp Việt Nam.

Ông Đồng cũng chia sẻ thêm: “Các doanh nghiệp Việt cũng đang loay hoay trong việc tìm hiểu về thị trường, về cách tiếp cận khách hàng, về tiềm năng thị trường cũng như cơ hội từ các FTA. Trong khi đó, các doanh nghiệp nước ngoài không gặp phải mấy vấn đề trên”.

Thực tế, doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam là các doanh nghiệp đa quốc gia, đã có kinh nghiệm tiếp cận các thị trường, có mạng lưới khách hàng, sở hữu công nghệ, khi vào Việt Nam thì phát triển rất nhanh.

Tin liên quan

Đọc tiếp