Ngành tài chính nỗ lực vì mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050

sự kiện Việt nAM
15:29 - 27/06/2023
Ảnh minh họa điện gió ngoài khơi. Ảnh: Bộ Công thương.
Ảnh minh họa điện gió ngoài khơi. Ảnh: Bộ Công thương.
0:00 / 0:00
0:00
Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, trong thời gian qua, nhiều chính sách tài chính đã được ban hành nhằm cụ thể hóa các chủ trương của Đảng và Nhà nước, góp phần tạo điều kiện huy động và thu hút nguồn lực đầu tư hướng tới tăng trưởng xanh.

Ngày 27/6, Hội thảo “Net Zero - Chuyển dịch Xanh: Cơ hội cho người dẫn đầu” được tổ chức với mục tiêu góp phần thúc đẩy tiến trình chuyển đổi xanh, đưa nền kinh tế Việt Nam theo hướng tăng trưởng xanh, bền vững, thực hiện cam kết về Net Zero phát thải ròng khí nhà kính bằng 0 và hội nhập cùng xu hướng phát triển của thế giới.

Chi ngân sách Nhà nước trên 21.000 tỷ đồng mỗi năm cho sự nghiệp môi trường

Phát biểu tại hội thảo do VTV tổ chức, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, trong các chính sách giúp thúc đẩy tăng trưởng xanh được ban hành trong thời gian qua, hệ thống chính sách thuế đã hướng đến bảo vệ môi trường, được thể hiện thông qua 2 nhóm chính sách:

Đầu tiên là nhóm các chính sách nhằm hạn chế các hành vi gây ô nhiễm môi trường như thuế bảo vệ môi trường, thuế tài nguyên, thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các hàng hóa gây tác hại đến môi trường…

Thứ hai là nhóm các chính sách hỗ trợ, khuyến khích các hoạt động bảo vệ môi trường, giảm thiểu ô nhiễm và tác động của biến đổi khí hậu, cụ thể:

Đối với thuế thu nhập doanh nghiệp, chính sách ưu đãi thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp ở mức 10% trong 15 năm, miễn thuế tối đa không quá 4 năm và giảm 50% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp tối đa không quá 9 năm tiếp theo đối với thu nhập của doanh nghiệp từ dự án đầu tư mới thuộc lĩnh vực bảo vệ môi trường.

Đối với thuế giá trị gia tăng, quy định tiền chuyển nhượng quyền phát thải (tín chỉ các-bon) không phải kê khai, tính nộp thuế giá trị gia tăng; quy định các hàng hóa, dịch vụ góp phần xanh hoá nền kinh tế, không thuộc diện chịu thuế giá trị gia tăng.

Đối với thuế tiêu thụ đặc biệt, ưu đãi thuế suất đối với những sản phẩm như xăng sinh học, xe ô tô thân thiện với môi trường...

Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc phát biểu tại hội thảo.

Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc phát biểu tại hội thảo.

Thông tin tại hội thảo, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cũng cho biết, trong điều kiện ngân sách Nhà nước còn nhiều khó khăn, chi ngân sách đã ưu tiên cho sự nghiệp bảo vệ môi trường hàng năm được bố trí đảm bảo đúng quy định, năm sau cao hơn năm trước về số tuyệt đối và đạt tỷ lệ khoảng 1,35% tổng chi ngân sách Nhà nước trong một năm. Qua đó, đã tạo nguồn lực cho công tác bảo vệ môi trường, phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường quốc gia,...

Theo thống kê của Bộ Tài chính, bình quân 5 năm trở lại đây, bố trí chi ngân sách Nhà nước cho sự nghiệp môi trường đạt trên 21.000 tỷ đồng mỗi năm.

Đối với chi đầu tư, ngân sách cho tăng trưởng xanh đã được lồng ghép trong các ưu tiên đầu tư ngành, lĩnh vực, địa phương và các chương trình mục tiêu quốc gia. Dự toán chi đầu tư cho sự nghiệp môi trường giai đoạn 2021-2025 được bố trí ở mức khoảng 23.500 tỷ đồng.

Các tổ chức quốc tế đánh giá Việt Nam đã đạt được quy mô thị trường vốn phục vụ phát triển bền vững tăng nhanh so với khu vực. Tổng giá trị mảng xanh, xã hội và bền vững của Việt Nam đạt 1,5 tỷ USD trong năm 2021, gấp gần 5 lần so với năm 2020 và duy trì tăng trưởng ổn định trong ba năm liền.

Việt Nam là thị trường phát hành nợ xanh lớn thứ hai trong ASEAN, đạt 1 tỷ USD, chỉ sau Singapore.

Bên cạnh nguồn lực công, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho hay, trong những năm gần đây, Việt Nam đã huy động được nguồn lực từ khu vực tư nhân và các tổ chức quốc tế thông qua việc hình thành và phát triển thị trường tài chính xanh. Từ năm 2019-2023, Việt Nam đã phát hành trái phiếu xanh được 1,157 tỷ USD.

Đến nay, thị trường tài chính xanh tại Việt Nam đã định hình nền tảng và phát triển với 3 cấu phần gồm: thị trường tín dụng xanh; thị trường cổ phiếu xanh và trái phiếu xanh.

Cùng với đó, thị trường cổ phiếu xanh cũng đã có những bước phát triển ban đầu. Chỉ số Phát triển bền vững VNSI được đưa vào vận hành từ năm 2017 nhằm xác định chuẩn phát triển bền vững cho các công ty niêm yết và hỗ trợ nhà đầu tư xác định những doanh nghiệp có tính “xanh” để đầu tư.

Bộ Tài chính cũng đã xây dựng và hoàn thiện các quy định theo chức năng về tài chính bền vững, nâng cao các tiêu chuẩn về quản trị công ty và công bố thông tin gắn với các tiêu chí về môi trường - xã hội - quản trị công ty (ESG).

Huy động nguồn lực tư nhân và các tổ chức quốc tế cho chuyển đổi xanh

Bộ trưởng Tài Chính Hồ Đức Phớc nhấn mạnh, chuyển đổi xanh và giảm phát thải nhằm thực hiện cam kết Net Zero là một chặng đường dài với nhiều khó khăn, thách thức. Trong đó, một trong những thách thức lớn nhất là vấn đề nguồn lực.

Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới (World Bank) năm 2022, Việt Nam có thể sẽ cần đầu tư thêm khoảng 368 tỷ USD cho đến năm 2040, tương đương 6,8% GDP mỗi năm khi theo đuổi lộ trình phát triển kết hợp khả năng chống chịu và phát thải ròng bằng 0. Trong đó, hành trình khử carbon nhằm đáp ứng các cam kết quốc tế chiếm khoảng 30% nhu cầu nguồn lực.

"Tuy nhiên, khu vực công sẽ chỉ có thể đáp ứng khoảng 1/3 nguồn lực yêu cầu; trong khi thị trường tài chính xanh hiện mới ở giai đoạn đầu phát triển, nguồn lực huy động qua thị trường tài chính xanh ở mức rất nhỏ bé so với nhu cầu đặt ra", ông Hồ Đức Phớc nói.

Cũng theo Bộ trưởng Tài chính, hiện nay, Bộ đang tập trung thực hiện cải cách hệ thống thuế, quản lý nợ công và cơ cấu lại ngân sách Nhà nước nhằm động viên nguồn lực một cách hợp lý; Cải thiện dư địa tài khóa; Tạo điều kiện thuận lợi để huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực tài chính, giải quyết hài hòa các vấn đề phát triển kinh tế, xã hội và môi trường, đảm bảo an ninh quốc phòng và an sinh xã hội.

Đồng thời, để giải quyết vấn đề thiếu hụt nguồn lực cho tăng trưởng xanh, ứng phó với biến đổi khí hậu, bên cạnh việc phát huy nội lực, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho rằng Việt Nam cần tăng cường hợp tác, hỗ trợ từ cộng đồng quốc tế.

Theo đó, bên cạnh ưu tiên nguồn lực công, Bộ Tài chính sẽ tích cực phối hợp với các bộ, ngành liên quan trong việc nghiên cứu các giải pháp để huy động nguồn lực tư nhân và các tổ chức quốc tế. Trong đó, phát triển thị trường tài chính xanh và thị trường carbon là những ưu tiên cần thực hiện với các trọng tâm như:

Phát triển các công cụ tài chính xanh, tài chính bền vững; Khuyến khích các địa phương và doanh nghiệp phát hành trái phiếu xanh; Thu hút nhà đầu tư tổ chức và cá nhân đầu tư vào các công cụ tài chính xanh.

Thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan liên quan xây dựng Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục phân loại xanh theo nhiệm vụ được giao tại Nghị định số 08, làm căn cứ để các chủ thể phát hành lựa chọn dự án xanh để sử dụng vốn từ trái phiếu xanh.

Đối với thị trường carbon trong nước, lộ trình phát triển và triển khai đã được Chính phủ ban hành tại Nghị định số 06 về quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozone. Theo đó, từ nay đến hết năm 2027, sẽ tập trung xây dựng các hệ thống quy định, chính sách tạo nền tảng cho thị trường vận hành cũng như thành lập và tổ chức vận hành thí điểm sàn giao dịch tín chỉ carbon, hướng đến chính thức vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon vào năm 2028.

Với vai trò là cơ quan được giao chủ trì xây dựng, thành lập sàn giao dịch tín chỉ carbon và ban hành cơ chế quản lý tài chính cho hoạt động của thị trường carbon, Bộ Tài chính đang nghiên cứu xây dựng Đề án Phát triển thị trường carbon để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Hội thảo: “Net Zero - Chuyển dịch Xanh: Cơ hội cho người dẫn đầu” gồm 2 phiên tọa đàm.

Phiên 1 với chủ đề “Net Zero - Lợi thế người dẫn đầu”, thảo luận về tầm quan trọng và cấp thiết của Net Zero đối với lợi ích của doanh nghiệp, chia sẻ những khó khăn thuận lợi, chia sẻ các mô hình mới, các đề xuất từ các doanh nghiệp và các chuyên gia trong lộ trình thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng 0.

Chủ đề của phiên tọa đàm 2 là “Net Zero - Đòn bẩy chính sách”, thảo luận về các cơ chế, chính sách trong thời gian tới sẽ hỗ trợ, tác động trực tiếp tới doanh nghiệp như thế nào, theo đó hình thành các cơ hội và thách thức ra sao.

Tại phiên toạ đàm này, nhiều nội dung được bàn luận chuyên sâu về đề án xây dựng thị trường giao dịch tín chỉ carbon, khi mà thông qua thị trường này, có thể tăng cường giảm phát thải khí nhà kính, thúc đẩy phát triển công nghệ phát thải thấp, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.

Tin liên quan

Đọc tiếp