Nghiên cứu lại quy định về thời hạn người trúng đấu giá phải nộp đủ tiền

đấu giá QUỐC HỘI
17:16 - 16/08/2023
 Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh
Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh
0:00 / 0:00
0:00
Chiều 16/8, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản.

Chiều 16/8, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản.

Trình bày tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, số lượng các cuộc đấu giá tài sản ngày càng tăng, nhiều cuộc đấu giá được tổ chức thành công với giá trị tài sản bán được cao hơn nhiều lần so với giá khởi điểm, nộp ngân sách Nhà nước đạt giá trị lớn.

Theo số liệu thống kê, từ tháng 07/2017 đến 31/12/2022, các tổ chức đấu giá tài sản đã tổ chức hơn 200.000 cuộc đấu giá, chênh lệch giữa giá trúng đấu giá và giá khởi điểm là gần 110.000 tỷ đồng.

Số lượng đấu giá viên của cả nước hiện là 1.200 người, gần 600 tổ chức đấu giá tài sản, trong đó có 58 Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản tại các tỉnh, thành.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình thực hiện Luật Đấu giá tài sản đã phát sinh một số vấn đề hạn chế, bất cập, cần sửa đổi.

Theo Bộ trưởng, chất lượng của đội ngũ đấu giá viên tuy đã được cải thiện nhưng vẫn còn hạn chế, bất cập. Một bộ phận đấu giá viên còn hạn chế về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng hành nghề

Bên cạnh đó, Bộ trưởng thừa nhận chất lượng dịch vụ đấu giá nhìn chung còn bất cập, tình trạng "quân xanh, quân đỏ", thông đồng, dìm giá trong các phiên đấu giá ngày càng có xu hướng tinh vi, phức tạp; cơ chế kiểm soát việc đấu giá còn bộc lộ một số vướng mắc.

"Còn tình trạng người có tài sản đấu giá chưa thực hiện đầy đủ vai trò, trách nhiệm của mình trong quá trình tổ chức đấu giá tài sản, thậm chí một số trường hợp còn có biểu hiện thông đồng, móc nối với tổ chức đấu giá tài sản, người tham gia đấu giá để trục lợi; lợi dụng các tổ chức "sân sau" để đấu giá", Bộ trưởng thông tin.

Trên cơ sở đó, dự thảo sửa đổi Luật được bổ sung quy định nghiêm cấm đấu giá viên để lộ thông tin về người đăng ký tham gia đấu giá nhằm mục đích trục lợi.

Nghiêm cấm người tham gia đấu giá nhận ủy quyền tham gia đấu giá để trả giá cho người tham gia đấu giá khác đối với tài sản mà mình cũng là người tham gia đấu giá tài sản đó hoặc trả giá cho từ hai người tham gia đấu giá trở lên.

Dự thảo cũng bổ sung cách thức bán, tiếp nhận hồ sơ tham gia đấu giá bằng hình thức trực tuyến góp phần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin;

Đáng lưu ý, dự thảo cũng bổ sung các trường hợp không được đăng ký tham gia đấu giá trong cùng một tài sản như cha, mẹ, vợ, chồng, con, anh, chị, em, công ty mẹ, công ty con; các doanh nghiệp mà cá nhân, tổ chức có khả năng chi phối hoạt động doanh nghiệp khác...để bảo đảm tính khách quan, minh bạch, tránh tình trạng thông đồng, dìm giá giữa những người này khi tham gia đấu giá.

Dự thảo còn bổ sung quy định về thời hạn tổ chức đấu giá tài sản phải chuyển tiền đặt cọc cho người có tài sản; các trường hợp không được nhận lại tiền đặt trước khi tham gia đấu giá mà không trả giá, trả giá dưới giá khởi điểm.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trình bày tờ trình của Chính phủ.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trình bày tờ trình của Chính phủ.

Thẩm tra báo cáo, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, có ý kiến đề nghị cơ quan soạn thảo giải trình rõ hơn lý do sửa đổi, bổ sung quy định "bước giá có thể là mức chênh lệch tối thiểu hoặc tối thiểu và có tối đa hoặc cố định" và tại dự thảo Luật có quy định về việc các bên có thể thỏa thuận về bước giá trong các trường hợp cụ thể không, quy định về bước giá như vậy có tránh được các trường hợp thao túng, móc nối gây nhiễu loạn hoạt động đấu giá tài sản như hiện nay đang diễn ra hay không?

Bên cạnh đó, về quy định tiền đặt trước, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị cần rà soát, quy định tại pháp luật chuyên ngành như pháp luật về đất đai trường hợp áp dụng các mức cụ thể của khoản tiền đặt trước theo hướng quy định nêu rõ mức tiền đặt trước của người tham gia đấu giá quyền sử dụng đất ở mức cao nhất để hạn chế việc bỏ tiền đặt trước, thao túng thị trường hoặc nghiên cứu quy định khoản tiền đặt trước căn cứ theo quy mô diện tích đất đấu giá hoặc căn cứ theo giá trị của tài sản đấu giá.

Báo cáo thẩm tra đầy đủ phản ánh ý kiến cho rằng, việc nâng tỷ lệ tiền đặt trước tối thiểu lên 10% khi đấu giá quyền sử dụng đất đối với trường hợp giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư, tăng 5% so với các tài sản đấu giá thông thường (mức tiền đặt trước tối thiểu của tài sản thông thường là 5%) sẽ giúp hạn chế tình trạng lợi dụng đấu giá để gây nhiễu loạn thị trường và trục lợi.

Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị nghiên cứu điều chỉnh biên độ chênh lệch hợp lý giữa mức tiền đặt trước tối thiểu và tiền đặt trước tối đa; tránh quy định tỷ lệ tiền đặt trước quá cao dẫn đến những rào cản kỹ thuật, làm mất tính cạnh tranh của cuộc đấu giá, ông Thanh nói.

Về quyền và nghĩa vụ của người trúng đấu giá, thường trực cơ quan thẩm tra đề nghị nghiên cứu quy định thời hạn người trúng đấu giá nộp đủ tiền cho phù hợp với thực tế vì có ý kiến cho rằng quy định thời hạn sau 120 ngày nếu bên trúng đấu giá không nộp đủ tiền thì mới được hủy kết quả trúng đấu giá đất là quá dài đối với những tài sản trúng đấu giá có giá trị nhỏ.

Tuy nhiên, nếu rút ngắn thời hạn nộp tiền thì có thể gây ra khó khăn cho người trúng đấu giá nếu số tiền phải nộp lớn, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế báo cáo.

Đọc tiếp