Ngân hàng số cần rất cần những cái bắt tay với fintech

Ngân hàng số Fintech
21:33 - 18/11/2021
Ngân hàng số cần rất cần những cái bắt tay với fintech
0:00 / 0:00
0:00
Lãnh đạo ngân hàng đều đặc biệt nhấn mạnh đến câu chuyện "ngân hàng bắt tay fintech", vì khi kết hợp được với fintech sẽ tạo nên tính đa dạng của hệ sinh thái ngân hàng số.

Trong khuôn khổ Diễn đàn Cấp cao thường niên về Công nghiệp 4.0 do Ban Kinh tế Trung ương và Hiệp Hội Ngân hàng Việt Nam chủ trì và bảo trợ chuyên môn, chiều ngày 18/11 đã diễn ra tọa đàm trực tuyến "Xây dựng kết nối bền vững với khách hàng trong chiến lược phát triển ngân hàng số".

Chia sẻ tại toạ đàm, ông Nguyễn Chiến Thắng, Giám đốc Ngân hàng số, BIDV chia sẻ, triển khai ngân hàng số là một trong những trụ cột quan trọng, bên cạnh con người, khách hàng, công nghệ. Hoạt động thanh toán trên hệ sinh thái số của BIDV hiện có hơn 2.000 dịch vụ kết nối với trên 1.000 nhà cung cấp dịch vụ trên thị trường. Khách hàng cũng có thể dễ dàng sử dụng các sản phẩm huy động, gửi góp, gửi tiết kiệm theo nhiều hình thức...

Dù vậy, khi triển khai BIDV cũng gặp rất nhiều thách thức. Cụ thể, ông Nguyễn Chiến Thắng cho biết, đối với Open Banking, mặc dù đã có dự thảo quy định về sandbox và các quy định liên quan khác nhưng thực tế chưa ban hành chính thức để hướng dẫn nên BIDV hiện làm theo nhu cầu của mình và chưa có chuẩn mực cụ thể.

Trong khí đó, để khách hàng gắn kết với ngân hàng, ông Phạm Anh Tuấn, thành viên HĐQT, trưởng ban Hiện đại hóa Công nghệ ngân hàng Vietcombank cho rằng, hiện nay, đa phần các sản phẩm dịch vụ của các ngân hàng tại Việt Nam mới chỉ dừng lại ở từng lĩnh vực cụ thể, mang tính chất manh mún. Do vậy, các ngân hàng cần phải làm là gia tăng trải nghiệm khách hàng, chỉ có gia tăng trải nghiệm thì mới kéo khách hàng đến với ngân hàng.

"Các ngân hàng phải xây dựng hệ sinh thái số, hệ sinh thái ngân hàng mà qua đó có thể cung cấp cho người dùng tất cả lĩnh vực, nội dung mà khách hàng quan tâm không chỉ liên quan đến tài chính mà còn phải liên quan đến nhiều vấn đề khác như: giao thông, bảo hiểm, giáo dục… trên 1 nền tảng", ông Phạm Anh Tuấn nhấn mạnh.

Là ngân hàng đi sau trong quá trình chuyển đổi số, ông Đỗ Quang Vinh, Phó Tổng giám đốc SHB cho biết đây vừa là thách thức nhưng cũng là cơ hội để SHB bứt phá trong quá trình chuyển đổi số hoạt động ngân hàng. Quan điểm chuyển đổi số tại SHB bắt nguồn từ chính trải nghiệm của khách hàng, dựa vào nhu cầu thực tế của khách hàng.

Đặc biệt tại tọa đàm, các diễn giả và lãnh đạo ngân hàng đều nhấn mạnh đến câu chuyện "ngân hàng bắt tay fintech" để tạo nên hệ sinh thái số đa dạng.

Còn theo ông Phạm Tuấn Anh, đại diện của Vietcombank thì các ngân hàng rất sẵn sàng hợp tác với các công ty fintech. Bởi, khi kết hợp được với fintech sẽ tạo nên tính đa dạng của hệ sinh thái ngân hàng số của ngân hàng đó. "Vietcombank sẵn sàng kết nối với các công ty fintech để cung cấp các sản phẩm dịch vụ", ông Phạm Anh Tuấn khẳng định.

Để chuyển đổi số thành công, ông Phạm Anh Tuấn cũng đề nghị, bên cạnh việc các ngân hàng xây dựng hệ sinh thái số cho riêng mình thì cũng cần cùng nhau xây dựng hệ sinh thái số chung cho cả ngành. Đây là điều rất quan trọng. Với hệ sinh thái chung, các ngân hàng có thể chia sẻ dữ liệu, chia sẻ thông tin; đặc biệt, nếu kết nối được với Bộ, ban, ngành khác sẽ giúp hạn chế nhiều rủi ro cho các ngân hàng.

Ghi nhận các phát biểu, góp ý tại tọa đàm, với những vướng mắc liên quan đến các Thông tư hướng dẫn, ông Lê Anh Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ báo cáo lên Ban lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước.

Chia sẻ về việc triển khai eKYC, ông Lê Anh Dũng cho biết, có hơn 20 tổ chức tín dụng đã triển khai eKYC, từ tháng 3 - 9/2021 đã có 1,8 triệu tài khoản được mở theo hình thức eKYC. Để tạo thuận lợi cho hoạt động chuyển đổi số trong hệ thống ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước đang tích cực phối hợp với Bộ Công an để kiến nghị thúc đẩy việc cho phép ngành Ngân hàng được kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cũng xúc tiến với Bộ Công an để có ý kiến nhất định trong việc ứng dụng phần mềm, phần cứng cho phép các chi nhánh ngân hàng có thể xác thực Căn cước công dân để tránh tình trạng giả mạo và gian lận.

Với quan điểm, trong thời đại công nghệ 4.0, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho rằng, các ngân hàng cũng cần kết hợp với các đơn vị fintech tạo ra hệ sinh thái chung để tận dụng thế mạnh của nhau trong việc nâng cao trải nghiệm của khách hàng.

Trong vai trò của Hiệp hội, ông Nguyễn Quốc Hùng cho biết, sau khi nắm bắt thông tin từ các nhóm hội viên, Hiệp hội sẽ làm cầu nối để các đơn vị hội viên sẽ có thể phối hợp với nhau để tạo ra hệ sinh thái chung. "Hiệp hội Ngân hàng sẽ dẫn dắt, xây dựng hệ sinh thái chung trở thành nơi các hội viên sử dụng được", ông Nguyễn Quốc Hùng nhấn mạnh.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Ảnh minh họa: PGBank đã có những phát triển vượt bậc sau khi cổ đông sáng lập là Petrolimex thoái vốn và sự tham gia của Tập đoàn Thành Công.

Những cổ đông ‘gần lớn’ ở PGBank

ĐHĐCĐ năm 2024 của PGBank có sự tham dự của 20 cổ đông, đại diện cho 97,424% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết. Xét theo tỷ lệ, đây là con số rất cao trên thị trường, thậm chí còn cao hơn các ngân hàng thương mại quốc doanh.