Nhiều doanh nghiệp, quỹ đầu tư ‘méo mặt’ vì rót tiền vào cổ phiếu HPG

HPG HÒA PHÁT
16:44 - 25/07/2022
Cổ phiếu HPG giảm giá sâu khiến nhiều nhà đầu tư phải "ôm sầu".
Cổ phiếu HPG giảm giá sâu khiến nhiều nhà đầu tư phải "ôm sầu".
0:00 / 0:00
0:00
HPG của Tập đoàn Hòa Phát là một trong mã cổ phiếu khiến nhà đầu tư cá nhân “than khóc” nhất thời gian qua khi đi ngược với kỳ vọng. Không chỉ nhà đầu tư cá nhân mà nhiều doanh nghiệp, quỹ đầu tư cũng lỗ nặng khi rót tiền vào mã cổ phiếu phổ biến này.

HPG của Tập đoàn Hòa Phát được gọi tên trong số các “cổ phiếu quốc dân” bởi sở hữu lượng cổ đông đông đảo nhất nhì sàn chứng khoán. Tổng số cổ phiếu HPG đang lưu hành trên thị trường khoảng 4,47 tỷ cổ phiếu, sau đợt phát hành chia cổ tức vừa qua thì nâng tổng số lên 5,8 tỷ cổ phiếu.

Bên cạnh số lượng cổ phiếu lưu hành lớn, Hòa Phát cũng là doanh nghiệp đầu ngành thép, kết quả kinh doanh những năm vừa qua luôn tăng trưởng tích cực. Bởi vậy, việc HPG được các quỹ đầu tư, doanh nghiệp, nhà đầu tư cá nhân đặt niềm tin cũng là điều dễ hiểu.

Tuy nhiên diễn biến giá của cổ phiếu Hòa Phát thời gian qua lại hết sức thất vọng. Tính từ vùng đỉnh 52.500 đồng/cổ phiếu thiết lập ngày 7/3 đến nay thì thị giá HPG đã giảm 58% về mức 22.000 đồng. Điều này đồng nghĩa với việc nhà đầu tư bỏ 1 tỷ đồng mua HPG ở mức giá đỉnh thì hiện tại tài khoản chỉ còn chưa đầy 500 triệu. Số lỗ cho khoản đầu tư sau 5 tháng như vậy là quá khắc nghiệt.

Cũng bởi vậy mà trên khắp các diễn đàn chứng khoán thời gian qua, cổ đông nhỏ lẻ không ngừng than vãn về HPG. Tuy nhiên nếu biết các công ty chứng khoán, doanh nghiệp, quỹ đầu tư cũng “lỗ sấp mặt” vì mã này thì chắc chắn họ sẽ bớt than trách bản thân về quyết định đầu tư của mình.

Trước hết là các công ty chứng khoán. Trong báo cáo tài chính quý 2/2022 của Chứng khoán Trí Việt (TVB), khoản đầu tư vào HPG được để dưới dạng chứng khoán sẵn sàng bán (AFS), có giá gốc gần 197 tỷ đồng nhưng giá trị hợp lý chỉ còn chưa đến 112 tỷ đồng, tương ứng tạm lỗ 85 tỷ đồng.

Ngoài HPG, khoản mục AFS của Chứng khoán Trí Việt còn có FPT (198 tỷ đồng), PVT (72 tỷ đồng)... Bên cạnh đó, danh mục tự doanh của công ty này còn có MWG (198 tỷ đồng), TCB (13,6 tỷ đồng), MBB (6,6 tỷ đồng)... nằm dưới dạng các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL).

Tự doanh không hiệu quả trong khi hoạt động môi giới và cho vay cũng gặp khó nên doanh thu hoạt động của TVB giảm gần 81% so với cùng kỳ, xuống mức 26,7 tỷ đồng. Sau khi trừ các chi phí, TVB lãi vỏn vẹn chưa đến 600 triệu đồng, giảm đến hơn 99% so với cùng kỳ năm ngoái.

HPG trượt dài từ vùng đỉnh và vẫn chưa có dấu hiệu hồi phục.

HPG trượt dài từ vùng đỉnh và vẫn chưa có dấu hiệu hồi phục.

Một công ty chứng khoán khác cũng đang lỗ nặng vì HPG, đó là Chứng khoán Rồng Việt (VDSC, mã VDS). Hồi đầu năm, VDSC bỏ gần 110 tỷ đồng mua vào HPG, sau đó đã cắt lỗ một phần khiến khoản đầu tư này hiện còn gần 85 tỷ đồng theo giá gốc. Tuy nhiên, giá trị hợp lý chỉ còn 55 tỷ đồng, do đó Chứng khoán Rồng Việt ghi lỗ gần 30 tỷ đồng.

Bên cạnh HPG, VDSC còn nắm giữ nhiều cổ phiếu khác như DBC (193 tỷ đồng), HSG (61 tỷ đồng), TCB (129 tỷ đồng), CTG (122 tỷ đồng), ACB (67 tỷ đồng), OCB (42 tỷ đồng)... Các khoản đầu tư lớn trong danh mục đều lỗ khiến VDSC lỗ kỷ lục 267 tỷ đồng trước thuế trong quý 2 trong khi cùng kỳ vẫn lãi hơn 187 tỷ đồng.

Về các quỹ đầu tư thì đáng chú ý có Ballad Fund thuộc SGI Capital. Theo báo cáo tháng 6, hầu hết cổ phiếu trong danh mục của quỹ đều giảm trong đó HPG tiếp tục có hiệu suất tệ nhất với mức -35,7%. Quỹ này đã mạnh tay cơ cấu danh mục khi giảm tỷ trọng cổ phiếu từ mức 90,7% cuối tháng 5 xuống còn 39,5% tại thời điểm 30/6. Trong đó, HPG tiếp tục bị cắt lỗ 200.000 cổ phiếu và tỷ trọng giảm xuống chỉ còn 1,82%. Trước đó, cổ phiếu của Hòa Phát từng có thời điểm là khoản đầu tư lớn nhất của Ballad Fund với tỷ trọng 19%.

Vietnam Enterprise Investment Limited (VEIL) – quỹ lớn nhất của Dragon Capital cũng liên tục cắt lỗ HPG trong những tháng đầu năm. Tại thời điểm 30/6, cổ phiếu của Tập đoàn Hòa Phát xếp thứ 4 trong top 10 khoản đầu tư lớn nhất của VEIL với tỷ trọng 6,4%, và cũng là mã có hiệu suất đầu tư tháng âm nặng nhất với tỷ lệ -15,4%.

Giá trị tài sản ròng (NAV) quỹ lớn nhất của Dragon Capital là gần 2,2 tỷ USD, tương ứng khoản đầu tư HPG vào khoảng 3.200 tỷ đồng. Trước đó, đầu tháng 3, giá trị khoản đầu tư cổ phiếu HPG của VEIL là 313,6 triệu USD, tương đương 7.212 tỷ đồng. Đây là cổ phiếu có tỷ trọng lớn nhất cơ cấu danh mục thời điểm đó, đạt 11,9%. Như vậy, VEIL đã bán ròng HPG trong 3 tháng với tổng giá trị hơn 3.600 tỷ đồng.

Các khoản đầu tư cổ phiếu lớn của VEIL tính đến ngày 30/6/2022.

Các khoản đầu tư cổ phiếu lớn của VEIL tính đến ngày 30/6/2022.

Về phía doanh nghiệp đầu tư thì CTCP Hóa An (mã DHA) cũng phải “ôm hối hận” khi đầu tư vào cổ phiếu của Hòa Phát. Cụ thể, tại thời điểm đầu năm 2022, Hóa An chỉ sở hữu 300.000 đơn vị cổ phiếu HPG và tăng lên 590.000 đơn vị vào cuối quý 1. Trong đợt giảm sâu của thị trường nói chung và cổ phiếu HPG nói riêng trong quý 2 vừa qua, doanh nghiệp này đã nâng tổng lượng cổ phiếu HPG nắm giữ lên 2,54 triệu đơn vị tại thời điểm 30/6.

Mua bình quân với giá thấp hơn, giá trị khoản đầu tư của Hóa An vào cổ phiếu Hòa Phát tăng lên 78,16 tỷ đồng. Tuy nhiên, HPG vẫn còn giá thấp hơn sau đó. Chỉ trong vòng 3 tháng, mã này đã giảm 34,6%. Và Hóa An đã phải trích lập cho khoản dự phòng giảm giá HPG là 20,17 tỷ đồng. Cũng chính khoản dự phòng này khiến Hóa An chỉ lãi vỏn vẹn 1,75 tỷ đồng. Đây là quý báo lãi thấp nhất kể từ quý I/2014.

Rủi ro giảm giá không còn lớn

Theo VNDirect, HPG trở thành mã lấy đi nhiều điểm nhất của thị trường chứng khoán Việt Nam trong nửa đầu năm 2022. Áp lực bán đã có dấu hiệu vơi bớt tại vùng đáy trong những phiên gần đây nhưng dòng tiền vào ảm đạm đã hạn chế đáng kể khả năng hồi phục của các cổ phiếu thép.

Nhận định về triển vọng của nhóm cổ phiếu thép, Chứng khoán SSI cho rằng, cho đến nay, giá cổ phiếu thép đã phản ánh được khá rõ quá trình tạo đỉnh và điều chỉnh của giá thép. Với mức định giá hiện tại, rủi ro giảm giá không còn lớn như giai đoạn trước đặc biệt là đối với nhà đầu tư dài hạn. Tuy nhiên, đà tăng cũng có thể bị giới hạn trong giao dịch ngắn hạn, khi định giá chịu áp lực lớn từ lợi nhuận thấp và khả năng giá thép biến động trong những quý tới.

Đánh giá triển vọng 6 tháng cuối năm 2022, Chứng khoán Mirae Asset hạ nhận định ngành thép từ tích cực xuống trung tính dựa trên các luận điểm: Áp lực từ nguồn cung than cốc lẫn giá than tăng cao, bào mòn từ 3-6% biên lợi nhuận gộp các công ty thép, lạm phát chưa có dấu hiệu dừng lại và ngành bất động sản chững lại trong năm 2022.

Tin liên quan

Đọc tiếp