NHNN: Gói tín dụng 120.000 tỷ đồng mới có 68 dự án tham gia

TÍN DỤNG Việt nAM
18:52 - 22/02/2024
NHNN: Gói tín dụng 120.000 tỷ đồng mới có 68 dự án tham gia
0:00 / 0:00
0:00
Theo Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà, tiến độ giải ngân gói 120.000 tỷ đồng chậm trễ do gặp nhiều khó khăn, xuất phát từ thiếu hụt nguồn cung, người dân ưu tiên duy trì cuộc sống nên chưa xem xét tới việc mua nhà.

Tại Hội nghị triển khai Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030” năm 2024 tổ chức ngày 22/2 do Bộ Xây dựng chủ trì, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Phạm Thanh Hà cho biết, về kết quả triển khai chương trình cho vay 120.000 tỷ đồng, hiện có 28/63 UBND tỉnh gửi văn bản hoặc công bố trên cổng thông tin điện tử về danh mục dự án tham gia chương trình với 68 dự án; tổng nhu cầu vay vốn là hơn 30.000 tỷ đồng.

Các ngân hàng thương mại đã cam kết cấp tín dụng cho 15 dự án với số tiền cam kết là khoảng 7.000 tỷ đồng, trong đó, có 7 dự án đã có nhu cầu giải ngân, số tiền cam kết cấp tín dụng cho các dự án này là 1.805 tỷ đồng, đã được giải ngân 531 tỷ đồng. Ngoài ra, các ngân hàng thương mại đã giải ngân cho người mua nhà tại 3 dự án với số tiền là 4,7 tỷ đồng.

Về lãi suất, theo quy định tại Nghị quyết 33/NQ-CP, mức lãi suất áp dụng đối với Chương trình 120.000 tỷ đồng thấp hơn từ 1,5% đến 2% so với mức lãi suất cho vay trung và dài hạn của các ngân hàng thương mại nhà nước trên thị trường trong từng trong từng thời kỳ.

Song, theo Bộ Xây dựng, cần thẳng thắn nhìn nhận việc triển khai Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất một triệu căn nhà ở xã hội giai đoạn 2021-2030" vẫn còn tồn tại những hạn chế, vướng mắc, khó khăn của các doanh nghiệp đầu tư nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân trong tiếp cận đất đai, thủ tục đầu tư xây dựng, tín dụng, chính sách ưu đãi… Đặc biệt, việc giải ngân gói tín dụng ưu đãi 120.000 tỷ đồng còn chậm so với mong muốn và nhu cầu thực tiễn của các doanh nghiệp đầu tư nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân.

Toàn cảnh hội nghị.

Toàn cảnh hội nghị.

Nhiều người dân còn khó khăn, chưa xem xét việc mua nhà trong thời điểm này

Lý giải về những khó khăn, vướng mắc này, Phó Thống đốc NHNN nêu rõ. Đầu tiên là nguồn cung nhà ở xã hội còn hạn chế. Theo NHNN, đến nay mới có 28 tỉnh, thành phố công bố danh mục nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư. Tổng cộng mới có 68 dự án được công bố thuộc danh mục vay vốn chương trình này.

Bên cạnh đó, một số địa phương chưa công bố danh mục này mặc dù Sở Xây dựng đã có văn bản đề nghị. Ngoài ra, một số dự án thuộc danh mục được công bố nhưng chủ đầu tư không có nhu cầu vay vốn.

Thứ hai, các tổ chức tín dụng qua tiếp cận, thẩm định các dự án nhận thấy một số dự án còn gặp vướng mắc về mặt pháp lý, về giải phóng mặt bằng, về thủ tục tính tiền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất… Những vướng mắc về mặt pháp lý cũng là nguyên nhân dẫn tới các tổ chức tín dụng chưa có cơ sở để cấp tín dụng cho chủ đầu tư dự án.

Theo tổng hợp danh mục dự án đủ điều kiện tham gia chương trình 120.000 tỷ đồng chỉ có 4 dự án (tại TP HCM, Hà Nội và Nghệ An) trên tổng số 68 dự án là dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cho thấy số lượng các dự án này còn chiếm tỷ lệ rất thấp.

Về phía người mua nhà, theo báo cáo của NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố, nhiều dự án đang thi công phần móng hoặc đang trong giai đoạn lựa chọn nhà thầu, chưa khởi công, đang giải phóng mặt bằng … vì vậy chưa đủ điều kiện mở bán sản phẩm.

Bên cạnh đó, theo Luật Nhà ở (2014) quy định về điều kiện được mua nhà ở xã hội như điều kiện về cư trú và điều kiện về thu nhập thuộc diện không phải đóng thuế thu nhập cá nhân không còn phù hợp trong bối cảnh giá nhà đã tăng cao. Tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa 15, Quốc hội đã thông qua Luật Nhà ở sửa đổi trong đó một số điều kiện đã được chỉnh sửa tuy nhiên hiện chưa có hiệu lực thi hành.

Hiện nay, người mua nhà tại một số dự án đã vay vốn tại ngân hàng chính sách xã hội theo quy định tại Nghị định 100/2015/NĐ-CP cho thấy các đối tượng này sẽ có xu hướng lựa chọn vay vốn tại đây với lãi suất cho vay ưu đãi hơn (chương trình có sự hỗ trợ từ nguồn ngân sách nhà nước).

Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà.

Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà.

"Khách hàng mua nhà ở tại các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, mua nhà tại dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ bị ảnh hưởng do tình hình kinh tế, sản xuất kinh doanh khó khăn như: bị cắt giảm nhân sự, giảm lương do không có đơn hàng… dẫn đến nguồn thu nhập của khách hàng sụt giảm. Do đó, khách hàng hiện nay ưu tiên cho việc duy trì nhu cầu cuộc sống, chưa xem xét việc mua nhà trong thời điểm này", Phó Thống đốc nêu rõ.

Đẩy nhanh tiến độ xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội

Tại Hội nghị, Phó Thống đốc NHNN khẳng định, để đẩy mạnh Chương trình 120.000 tỷ đồng, cần có sự vào cuộc đồng bộ của hệ thống chính trị, các Bộ, ngành, địa phương quyết liệt đẩy nhanh tiến độ triển khai Đề án xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ, từ đó tạo ra các dự án nhà ở để các ngân hàng thương mại xem xét cho vay.

Trên cơ sở đó, Ngân hàng Nhà nước kiến nghị:

Đối với các Bộ ngành địa phương: Bộ Xây dựng tổng hợp, thông báo danh mục những dự án đủ điều kiện thuận lợi cho các NHTM tra cứu, xem xét cho vay theo nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết 33/NQ-CP (trên cơ sở danh mục do UBND tỉnh công bố) theo chỉ đạo tại Công văn số 681/VPCP-CN ngày 29/01/2024.

Khẩn trương, tích cực triển khai các nhiệm vụ được giao tại Quyết định 338/QĐ-TTg. Các Bộ, ngành rà soát, sửa đổi hoặc trình cấp có thẩm quyền sửa đổi các văn bản pháp luật liên quan, nhất là khẩn trương ban hành các văn bản hướng dẫn Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS (mới được thông qua)... để tháo gỡ vướng mắc về mặt pháp lý, trình tự, thủ tục trong đầu tư, xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, tăng nguồn cung phân khúc BĐS này cho thị trường, đáp ứng nhu cầu thực của người dân.

Xem xét, rà soát các quy định về Luật Thuế thu nhập cá nhân, tạo thuận lợi cho người mua nhà đáp ứng điều kiện về thu nhập để hưởng chính sách ưu đãi về nhà ở xã hội.

Có giải pháp hiệu quả thúc đẩy phát triển, thu hút đa dạng các nguồn vốn đầu tư vào thị trường bất động sản thông qua thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, FDI...

Đối với các địa phương: UBND các tỉnh, thành phố khẩn trương công bố danh mục các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư, trong đó, các dự án được công bố phải đảm bảo đúng theo hướng dẫn của Bộ Xây dựng tại Công văn số 1551/BXD-QLN cả về nội dung và hình thức công bố; đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Cuối cùng, về phía các chủ đầu tư dự án, cần khẩn trương hoàn thiện các thủ tục pháp lý để triển khai dự án, trường hợp có khó khăn, vướng mắc thì cần kịp thời báo cáo, đề xuất cấp có thẩm quyền để tháo gỡ. Nâng cao năng lực tài chính, năng lực thi công để đảm bảo tiến độ triển khai dự án, phấn đấu đạt mục tiêu đề ra tại đề án theo đúng tiến độ.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Eximbank báo lãi quý 1/2024 giảm 24%

Eximbank báo lãi quý 1/2024 giảm 24%

Năm 2024, Eximbank đặt tham vọng lãi trước thuế tăng tới 90% so với 2023, tuy nhiên hết quý 1, lợi nhuận ngân hàng này chỉ đạt hơn 661 tỷ đồng, giảm 24% so với cùng kỳ năm trước và thực hiện được 13% kế hoạch.
TPBank khép lại quý 1/2024 với kết quả kinh doanh khởi sắc.

TPBank báo lãi 1.800 tỷ đồng trong quý 1/2024

Kết thúc quý 1/2024, lợi nhuận của TPBank đạt hơn 1.800 tỷ đồng. Đáng chú ý, ngân hàng đã tiến hành góp vốn vào CTCP Quản lý quỹ Việt Cát (VFC), bước đầu mở rộng quy mô nhằm phát triển trở thành tập đoàn tài chính vững mạnh.