NHNN: Triển khai Thông tư 02, các ngân hàng không được tăng thủ tục cho doanh nghiệp

NGÂN HÀNG Việt nAM
18:32 - 25/04/2023
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú tại Hội nghị.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú tại Hội nghị.
0:00 / 0:00
0:00
Phó Thống đốc thường trực NHNN Đào Minh Tú đề nghị các ngân hàng thương mại có giải pháp để đưa Thông tư 02 đi vào cuộc sống ngay từ đầu, không để doanh nghiệp than phiền không tiếp cận được chính sách.

Tại Hội nghị trực tuyến toàn ngành về công tác tín dụng và triển khai Thông tư 02/2023 tổ chức ngày 25/4/2023, Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú cho biết, sau khi nhận thấy hiệu quả của Thông tư 01 và 03 trong thời kỳ dịch Covid-19 và thực tế khó khăn của doanh nghiệp hiện nay, NHNN đã tiếp tục ban hành Thông tư 02/2023.

Các ngân hàng không được tăng thủ tục cho doanh nghiệp, không để xảy ra lợi dụng, vi phạm chính sách, đặc biệt là tránh che giấu nợ xấu

Chia sẻ tại hội nghị, bà Hà Thu Giang - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) cho biết, Thông tư 02 quy định đối tượng được xem xét cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ là những khách hàng gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất - kinh doanh và trả nợ các khoản vay phục vụ đời sống, tiêu dùng.

Thông tư giao quyền tự chủ cho các tổ chức tín dụng trong việc xem xét đánh giá, mức độ khó khăn của khách hàng thông qua một số nội dung như doanh thu, thu nhập sụt giảm.

"Mục đích ban hành Thông tư này nhằm tạo điều kiện kéo dài thời gian vay và trả nợ ngân hàng, giảm áp lực trả nợ cho khách hàng. Đồng thời tạo điều kiện cho khách hàng tiếp cận các nguồn vốn để phục vụ sản xuất - kinh doanh, tiêu dùng, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế", bà Giang nói.

Việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng. Tuy nhiên, các tổ chức tín dụng phải đánh giá, phân loại cũng như trích lập dự phòng theo nhóm nợ thực tế của khách hàng.

Theo quy định tại Thông tư 02, các tổ chức tín dụng phải trích lập dự phòng tối thiểu 50% trong năm 2023 và 100% trong năm 2024. Trong quy định của Thông tư cũng đã quy định rõ trách nhiệm của các tổ chức tín dụng trong việc xây dựng và ban hành quy định nội bộ để hướng dẫn thống nhất triển khai trong toàn hệ thống, cũng như tăng cường công tác kiểm tra, giám sát trong quá trình triển khai thực hiện chính sách.

Bà Hà Thu Giang - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ảnh: NHNN)

Bà Hà Thu Giang - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ảnh: NHNN)

Đặc biệt, Phó Thống đốc Đào Minh Tú nêu yêu cầu: "Làm sao để Thông tư 02 đi vào đời sống ngay từ ngày đầu, không còn thấy lời oán thán từ doanh nghiệp rằng không tiếp cận được. Để làm được điều đó, các ngân hàng không được tăng thủ tục cho doanh nghiệp khi tiến hành thủ tục giãn, hoãn nợ."

Phó Thống đốc cũng nhấn mạnh yêu cầu có không để xảy ra lợi dụng, vi phạm chính sách, đặc biệt là tránh che giấu nợ xấu...

Về phía các ngân hàng thương mại, Tổng Giám đốc BIDV Lê Ngọc Lâm cho biết, BIDV sẽ nhanh chóng triển khai nội dung của thông tư trên toàn hệ thống để nhanh chóng giúp người dân và doanh nghiệp được thụ hưởng.

Lãnh đạo ngân hàng Vietinbank cũng đánh giá, Thông tư 02 có độ mạnh rất lớn để giải bài toán hiện nay. Đôi bên đều có lợi, đặc biệt là nền kinh tế, doanh nghiệp trong khi áp lực lại đổ dồn về nhà băng. Do đó mỗi ngân hàng thương mại phải có điểm cân bằng.

Tín dụng đến ngày 20/4 tăng trưởng 2,57%

Cũng tại hội nghị nêu trên, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết, tính đến ngày 20/4/2023, tăng trưởng tín dụng đạt trên 12,23 triệu tỷ đồng, tăng 2,57% so với cuối năm 2022, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2022.

Trên cơ sở mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2023 khoảng 6,5% và lạm phát khoảng 4,5% được Quốc hội, Chính phủ đặt ra, NHNN định hướng tăng trưởng tín dụng năm 2023 khoảng 14 - 15%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế.

Về vấn đề tăng trưởng tín dụng từ đầu năm đến nay còn thấp, các doanh nghiệp cùng đưa chung một nguyên nhân là do khả năng hấp thụ vốn do doanh nghiệp gặp khó khăn về cầu, ví dụ như trong lĩnh vực xuất khẩu.

Đại diện ngân hàng Agribank chia sẻ: "Chúng tôi vẫn ghi nhận tăng trưởng tại Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ, còn các khu vực khác lại giảm so với đầu năm, đặc biệt là Đồng bằng sông Hồng. Nguyên nhân chính không phải cơ chế chính sách hay lãi suất cho vay mà do khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế".

Trước yêu cầu phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, NHNN đã chủ động, kịp thời ban hành và quyết liệt chỉ đạo hệ thống các tổ chức tín dụng triển khai nhiều chính sách, giải pháp về tín dụng nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh. Tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng nhưng không hạ chuẩn cấp tín dụng nhằm đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống.

Bên cạnh đó, NHNN đã tích cực thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, khơi thông dòng vốn tín dụng, như rà soát, hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan đến hoạt động cấp tín dụng nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động của các tổ chức tín dụng.

Toàn cảnh Hội nghị. (Ảnh: NHNN)

Toàn cảnh Hội nghị. (Ảnh: NHNN)

Đối với chương trình 120.000 tỷ đồng, NHNN đã khẩn trương có văn bản số 2308/NHNN-TD ngày 1/4/2023 hướng dẫn các nội dung chính về lãi suất, thời gian ưu đãi để đảm bảo triển khai thống nhất cho các ngân hàng thương mại và các khách hàng thuộc đối tượng vay vốn; chương trình đã triển khai từ 1/4/2023.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Ảnh minh họa: PGBank đã có những phát triển vượt bậc sau khi cổ đông sáng lập là Petrolimex thoái vốn và sự tham gia của Tập đoàn Thành Công.

Những cổ đông ‘gần lớn’ ở PGBank

ĐHĐCĐ năm 2024 của PGBank có sự tham dự của 20 cổ đông, đại diện cho 97,424% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết. Xét theo tỷ lệ, đây là con số rất cao trên thị trường, thậm chí còn cao hơn các ngân hàng thương mại quốc doanh.