Những dự án nhà máy điện rác vẫn 'nằm trên giấy'

Năng lượng sạch Việt nAM
09:23 - 21/01/2022
Nhiều dự án được phê duyệt nhưng đến nay vẫn không đảm bảo được tiến độ hoàn thành - Ảnh: minh họa
Nhiều dự án được phê duyệt nhưng đến nay vẫn không đảm bảo được tiến độ hoàn thành - Ảnh: minh họa
0:00 / 0:00
0:00
Sự kiện nhà máy điện rác lớn thứ 2 thế giới tại Hà Nội đi vào hoạt động mở ra kỳ vọng cho giải pháp vừa xử lý rác vừa tạo ra năng lượng, tuy nhiên nhiều dự án tương tự đến hiện nay vẫn chỉ ‘nằm trên giấy’ do vướng mắc về thủ tục, nguồn vốn và quy hoạch.

Theo Bộ Công Thương, tại Việt Nam, bình quân mỗi ngày có khoảng 35.000 tấn rác thải sinh hoạt đô thị và 34.000 tấn rác thải sinh hoạt nông thôn. Khối lượng rác thải tại mỗi thành phố như Hà Nội và TP HCM lên tới khoảng 7.000 – 8.000 tấn mỗi ngày.

Theo Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia, khối lượng chất thải rắn sinh hoạt cũng tăng đáng kể ở các địa phương có tốc độ đô thị hóa cao như Thanh Hóa đạt 2.175 tấn/ngày; Hải Phòng đạt 1.082 tấn/ngày, Bình Dương đạt 2.661 tấn/ngày, Đồng Nai đạt 1.486 tấn/ngày, Quảng Ninh đạt 1.539 tấn/ngày; Đà Nẵng đạt 1.080 tấn/ngày…

Bộ Tài Nguyên và Môi trường cho biết, hiện có khoảng 71% chất thải rắn sinh hoạt đang được xử lý chôn lấp, 16% được xử lý tại các nhà máy chế biến sản xuất phân compost và 13% được xử lý bằng phương pháp đốt, đốt kết hợp với thu hồi năng lượng.

Trên cả nước hiện có 1.322 cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt, trong đó có 381 lò đốt, 37 dây chuyền chế biến compost, 904 bãi chôn lấp.

Tuy nhiên, việc xử lý rác thải rắn theo phương pháp chôn lấp chưa đảm bảo khoa học. Trong khi đó, việc chế biến thành compost hiệu quả không cao, dễ gây ảnh hưởng đến nguồn nước..

Nhiều dự án nhà máy điện rác vẫn còn trong giai đoạn hoàn tất thủ tục, dẫn đến tình trạng quá thời hạn hoàn thành công trình - Ảnh: minh họa

Nhiều dự án nhà máy điện rác vẫn còn trong giai đoạn hoàn tất thủ tục, dẫn đến tình trạng quá thời hạn hoàn thành công trình - Ảnh: minh họa

Theo ông Phạm Nguyên Hùng, Chủ tịch HĐQT PECC1, với khối lượng rác thải khổng lồ trên, Việt Nam hoàn toàn có thể khai thác và sản xuất thành điện. Hiện nay, công nghệ đốt rác phát điện là công nghệ tối ưu với khả năng giảm 90 – 95% thể tích và khối lượng rác thải; giảm khả năng gây ô nhiễm môi trường, giảm phát thải nhà kính.

Tại Việt Nam, năm 2017, nhà máy Nedo - nhà máy điện rác đầu tiên đi vào hoạt động với công suất xử lý rác đạt 75 tấn/ngày, tạo 1,93MW/giờ. Đây được đánh giá là dự án tiên phong trong quy trình xử lý rác thải công nghiệp hiện đại của Việt Nam.

Sau Nedo, một số nhà máy khác cũng đi vào hoạt động tại Hà Nam, Cần Thơ và Quảng Bình. Mới đây, ngày 20/1, nhà máy điện rác lớn thứ 2 thế giới - nhà máy điện rác Sóc Sơn đã đi vào hoạt động với công suất tối đa đạt 800 tấn/ngày, khi tất cả các lò đốt hoạt động sẽ lên tới 5.000 tấn/ngày, tổng công suất phát điện đạt 75MW/giờ.

Ngoài ra, một số dự án điện rác khác cũng đang được tổ chức triển khai như dự án nhà máy điện rác tại Bắc Ninh, đạt công suất 500 tấn/ngày và 11,6 MW; nhà máy điện rác Vĩnh Tân, tỉnh Đồng Nai, công suất 4.000 tấn/ngày, công suất phát điện 30MW; nhà máy xử lý chất thải sinh hoạt phát điện Trạm Thản, tỉnh Phú Thọ, công suất 500 tấn/ngày….

Tuy nhiên, đa số các dự án đang triển khai đều gặp vướng mắc về thủ tục đầu tư hoặc vấn đề ‘nằm trên giấy’.

Vướng mắc từ các dự án nhà máy điện rác

Theo ông Phạm Nguyên Hùng, để xây dựng nhà máy xử lý rác phát điện với công nghệ hiện đại đòi hỏi có nguồn vốn đầu tư lớn. Nhưng doanh nghiệp lại gặp không ít rào cản.

Dữ liệu ban đầu của một số dự án tại Việt Nam đã được phê duyệt và chờ phê duyệt, suất đầu tư cho các nhà máy điện rác nằm trong khoảng 3,5-4 triệu USD/1MW điện. Trong khi đó, ông Nguyễn Đình Trọng, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn công nghệ T-Tech chia sẻ, dù sử dụng loại công nghệ theo phương án nào, hiệu suất điện năng của các nhà máy điện rác đều ở mức nhỏ, cao nhất cũng chỉ 30%.

Do công suất điện phát lên lưới quốc gia cũng sẽ nhỏ nên thời gian thu hồi vốn của các dự án này thường chậm, từ 10 - 20 năm. Nếu không có chính sách khuyến khích, rất khó kêu gọi các nhà đầu tư tham gia.

Bên cạnh đó, điểm chung của các dự án điện rác là chi phí vận hành lớn, cần bảo trì thường xuyên và tuổi thọ thiết bị ngắn hơn so với các dự án nhiệt điện đốt than. Bởi vậy, nhiều dự án đã ‘đứt gánh giữa đường’ do công nghệ đòi hỏi khoản kinh phí quá lớn, chiếm tới 70 – 80% tổng vốn đầu tư.

Mặt khác, doanh nghiệp phải tốn thêm chi phí phân loại rác khi hiện nay người dân Việt Nam chưa có thói quen này. Trong khi đó, mức thu phí rác thải lại thấp hơn so với mặt bằng chung. Theo Ngân hàng Thế giới (WB), mức thu phí rác thải tại Việt Nam mới chiếm khoảng 0,5% thu nhập trung bình của hộ gia đình, còn mức phí chính thức phải chiếm từ 1 – 1,5%.

Các nhà đầu tư điện rác cũng từng đề xuất về việc miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 4 năm đầu tiên để cải thiện về nguồn vốn. Cụ thể, doanh nghiệp được hưởng thuế suất thu nhập doanh nghiệp 5% trong 9 năm tiếp theo và từ năm thứ 15 trở đi thì được hưởng thuế suất 10%.

Ngoài ra, thủ tục đầu tư nhà máy điện rác vẫn còn phức tạp. Thời gian hoàn tất thủ tục kéo dài, có khi kéo hàng năm; chưa có hướng dẫn cụ thể thực hiện Luật Quy hoạch nên việc bổ sung các dự án vào Quy hoạch phát triển điện lực bị kéo dài.

Năm 2021, Công ty Tâm Sinh Nghĩa đã khởi công xây dựng nhà máy điện rác với công suất 2.000 tấn/ngày. Tuy nhiên, theo Phó Tổng giám đốc Công ty Tâm Sinh Nghĩa Ngô Đức Thắng, khi dự án khởi công vẫn chưa được phía thành phố Hồ Chí Minh hỗ trợ các thủ tục pháp lý để hoàn thành công trình.

Cùng tình trạng, theo chia sẻ của tổng giám đốc Công ty Vietstar, dự án nhà máy điện rác từ khi khởi công cũng chưa được thành phố cấp phép, khiến dự án bị chậm trễ tiến độ.

Tại khâu quy hoạch, điểm nghẽn của dự án là khó tìm được địa điểm thích hợp cho các bãi tập kết rác, địa điểm xây dựng nhà máy điện rác. Nhà quy hoạch, chủ đầu tư thường không tìm được tiếng nói chung với người dân địa phương.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà. Ảnh: VGP

Rà soát toàn diện các dự án BOT giao thông

Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 190 ngày 3/5/2024 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà về giải pháp xử lý khó khăn, vướng mắc tại một số dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức hợp đồng BOT.