Những nước châu Á dẫn đầu thế giới về tỷ lệ tiêm chủng

Vaccine Covid-19 CHÂU Á
15:24 - 23/11/2021
Người trẻ xếp hàng để được tiêm vaccine Covid-19 của Sinovac tại một trung tâm y tế ở Phnom Penh, Campuchia ngày 1/8/2021. Ảnh: AP
Người trẻ xếp hàng để được tiêm vaccine Covid-19 của Sinovac tại một trung tâm y tế ở Phnom Penh, Campuchia ngày 1/8/2021. Ảnh: AP
0:00 / 0:00
0:00
Mặc dù triển khai chiến dịch tiêm chủng chậm hơn châu Âu và Mỹ, nhiều nước khu vực châu Á - Thái Bình Dương hiện vươn lên có tỷ lệ tiêm vaccine Covid-19 cao nhất thế giới.

Khi Campuchia bắt đầu chiến dịch tiêm vaccine Covid-19, hàng dài người nối đuôi nhau chờ đợi trên khắp các con phố. Thậm chí, người dân còn để giày dép trên đường để giữ chỗ trong khi đi tránh nắng. Sau 3 tháng, khoảng 11% dân số nước này được tiêm ít nhất một liều. Đây là tỷ lệ không cao nhưng một đất nước giàu có như Nhật Bản cũng phải mất 3 tháng rưỡi để đạt đến mức đó.

Giờ đây, cả Campuchia và Nhật Bản đều tự hào về tỷ lệ tiêm chủng được xếp vào hàng cao nhất thế giới. Họ là hai trong số nhiều quốc gia ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương mới đầu chậm trễn trong các chiến dịch tiêm chủng nhưng sau đó đã vượt qua cả Mỹ và nhiều quốc gia châu Âu.

Các quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng cao bao gồm cả nước giàu lẫn nước nghèo; nước đông dân lẫn nước ít dân. Nhưng điểm chung của họ là kinh nghiệm đối phó với các bệnh truyền nhiễm và các chương trình mua sắm vaccine khôn ngoan.

Campuchia

Campuchia là một trong những quốc gia sớm nhất trong khu vực bắt đầu chương trình tiêm chủng với đợt đầu tiên vào ngày 10/2. Tuy nhiên, mốc thời gian này vẫn muộn hơn hai tháng so với Mỹ và Anh.

Cũng như những nước khác trong khu vực, việc triển khai tiêm vaccine diễn ra chậm chạp. Đến đầu tháng 5, khi biến thể Delta bắt đầu lây lan nhanh chóng, mới chỉ 11% trong số 16 triệu người Campuchia đã được tiêm ít nhất một mũi, theo Our World in Data. Tỷ lệ này chỉ tương đương với 1/2 tỷ lệ của Mỹ và 1/3 của Anh vào thời điểm đó.

Một cậu bé òa khóc khi tiêm mũi vaccine thứ 2 của Sinovac tại trung tâm y tế Krang Thnung, ngoại ô Phnom Penh, Campuchia ngày 15/11/2021. Ảnh: AP

Một cậu bé òa khóc khi tiêm mũi vaccine thứ 2 của Sinovac tại trung tâm y tế Krang Thnung, ngoại ô Phnom Penh, Campuchia ngày 15/11/2021. Ảnh: AP

Hiện nay Campuchia đã tiêm chủng đầy đủ được 78% dân số - so với tỷ lệ 58% ở Mỹ. Nước này hiện đang cung cấp các mũi tiêm tăng cường và xem xét mở rộng chương trình tiêm cho đối tượng trẻ 3 và 4 tuổi. Thủ tướng Hun Sen đã tận dụng mối quan hệ thân thiết với Bắc Kinh để mua gần 37 triệu liều vaccine từ Trung Quốc. Ngoài ra, nước này cũng đã nhận được các khoản viện trợ vaccine lớn từ Mỹ, Nhật Bản, Anh và chương trình COVAX.

Thời điểm ban đầu, Campuchia và đa số các nước khác trong khu vực triển khai chương trình tiêm vaccine tương đối muộn do sự chủ quan trong bối cảnh tỷ lệ lây nhiễm thấp. Cho đến khi họ bắt đầu thì biến chủng Delta đã gây ra số ca tử vong cao ở Mỹ, Anh và Ấn Độ. Điều này giúp thuyết phục ngay cả những người hoài nghi vaccine nhất chấp nhận tiêm chủng.

“Tôi có lo lắng, nhưng hiện tại chúng tôi đang sống dưới mối đe dọa của Covid-19. Không có lựa chọn nào khác ngoài việc tiêm vaccine”, anh Rath Sreymom, người đã vội vàng đưa cô con gái 5 tuổi của mình đi tiêm mũi vaccine đầu tiên ngay sau khi Campuchia triển khai chương trình tiêm chủng cho trẻ em.

Còn cô bé Nuth Nyra (Phnom Penh) cho biết bản thân rất vui khi được tiêm mũi đầu tiên: “Khi tiêm cháu cảm thấy hơi đau một chút. Nhưng cháu đã không khóc".

Một nhân viên y tế tiêm vaccine cho một người phụ nữ tại nhà của bà ở bang Selangor, Malaysia ngày 13/7. Ảnh: AP.
Một nhân viên y tế tiêm vaccine cho một người phụ nữ tại nhà của bà ở bang Selangor, Malaysia ngày 13/7. Ảnh: AP.

Malaysia

Những quốc gia châu Á - Thái Bình Dương khi bắt đầu chương trình tiêm chủng đã gặp phải nhiều khó khăn khi Ấn Độ, nhà sản xuất vaccine Covid-19 đã phải ngưng xuất khẩu vaccine trong làn sóng dịch tăng đột biến vào mùa xuân.

Theo ông John Fleming, Trưởng bộ phận y tế khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của Ủy ban Chữ thập Đỏ Quốc tế: “Chắc chắn rằng, đối với các nước đã thành công trong chiến dịch tiêm chủng, việc có được nguồn cung vaccine tại chỗ chính là một chìa khóa vô cùng quan trọng. Sau đó, việc tạo ra nhu cầu cũng rất cần thiết, phải thu hút sự ủng hộ của cộng đồng và tạo cơ hội cho các nhóm yếu thế được tiếp cận với vaccine”.

Một số quốc gia, như Malaysia, đã nỗ lực để đảm bảo rằng ngay cả những nhóm người khó tiếp cận nhất cũng được tiêm vaccine. Nước này đã tranh thủ sự giúp đỡ của Ủy ban Chữ thập Đỏ Quốc tế để tiêm vaccine cho những người sinh sống bất hợp pháp trong nước và các nhóm hoài nghi vaccine do chính phủ tài trợ.

Giáo sư Sazaly Abu Bakar, giám đốc Trung tâm Giáo dục Nghiên cứu và Bệnh Truyền nhiễm Nhiệt đới cho biết: “Chúng tôi đã làm cho vaccine có thể dễ dàng tiếp cận được với tất cả mọi người”.

Theo Our World in Data, cũng như Campuchia và Nhật Bản, Malaysia cũng gặp khó khăn trong việc triển khai tiêm vaccine ở ba tháng đầu tiên, với không tới 5% trong số 33 dân được tiêm mũi 1.

Tuy nhiên, khi số ca bệnh tăng cao, Malaysia đã mua nhiều vaccine hơn và thành lập hàng trăm trung tâm tiêm chủng. Trong đó, các trung tâm lớn có khả năng cung cấp tới 10.000 mũi tiêm mỗi ngày. Hiện nay, cả nước Malaysia đã đạt tỷ lệ dân số tiêm vaccine đầy đủ lên tới 76%.

Nhật Bản

Chương trình tiêm vaccine của Nhật Bản nổi tiếng là trì trệ khiến cả thế giới băn khoăn liệu nước này có thể tổ chức Thế vận hội mùa hè 2021 được hay không. Đến giữa tháng 2, nước này mới triển khai tiêm chủng sau khi đã kiểm tra lâm sàng người dân trước khi tiêm vaccine - một động thái bị chỉ trích là không cần thiết. Vấn đề về nguồn cung vaccine cũng là trở ngại của Nhật lúc bấy giờ.

Tuy nhiên, mọi chuyện đã rẽ theo hướng khác. Thủ tướng Nhật Bản khi đó là ông Yoshihide Suga đã điều động quân đội đến vận hành các trung tâm tiêm chủng hàng loạt ở Tokyo và Osaka. Đồng thời ông ban hành luật cho phép nha sĩ, nhân viên y tế và nhân viên phòng thí nghiệm được tiêm chủng cùng với bác sĩ và y tá.

Người Nhật Bản ngồi chờ để được tiêm vaccine Moderna tại một trung tâm tiêm chủng mới thành lập tại Tokyo, Nhật Bản ngày 24/5. Ảnh: AP.

Người Nhật Bản ngồi chờ để được tiêm vaccine Moderna tại một trung tâm tiêm chủng mới thành lập tại Tokyo, Nhật Bản ngày 24/5. Ảnh: AP.

Sự thành công của chương trình phần lớn là nhờ phản ứng của công chúng. Nhiều người Nhật Bản mới đầu nghi ngờ về vaccine, nhưng sau khi chứng kiến ​​số ca tử vong tăng cao trên khắp thế giới, điều đó đã không còn là vấn đề.

Ông Kiyoshi Goto, đã nghỉ hưu, đang chuẩn bị cho mũi tiêm tiếp theo của mình. Người đàn ông 75 tuổi nói: “Tôi muốn tiêm mũi tăng cường vì lượng kháng thể của chúng tôi đang giảm xuống”.

Trong thời gian tới, với tỷ lệ tiêm chủng cao, các quốc gia này có triển vọng vực dậy nền kinh tế, mở cửa du lịch và tăng cường thu hút vốn đầu tư.

Cho đến nay, khoảng 10 quốc gia trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương đã tiêm chủng cho hơn 70% dân số của họ hoặc đang trên đà thành công, bao gồm Australia, Trung Quốc, Nhật Bản và Bhutan. Ở Singapore, 92% dân số đã được tiêm chủng đầy đủ.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Nữ phát ngôn viên AI của Bộ Ngoại giao Ukraine Victoria Shi. Ảnh: Theo Bộ Ngoại giao Ukraine.

Bộ Ngoại giao Ukraine giới thiệu phát ngôn viên AI

Nữ phát ngôn viên tên Victoria Shi được tạo ra từ trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ thay mặt Bộ Ngoại giao Ukraine đưa ra các tuyên bố chính thức. Những tuyên bố do Victoria Shi đọc sẽ không phải do AI tạo ra mà được viết và xác minh bởi người thật.