Những tàu chở dầu của Nga 'tàng hình' trên bản đồ định vị

NĂNG LƯỢNG NGA
09:53 - 01/04/2022
Những con tàu chở dầu Nga vẫn "hoạt động ngầm" trên biển. Ảnh: Shutterstock
Những con tàu chở dầu Nga vẫn "hoạt động ngầm" trên biển. Ảnh: Shutterstock
0:00 / 0:00
0:00
Trong bối cảnh chiến sự kéo dài tại Ukraine và hàng loạt các lệnh trừng phạt của phương Tây, nhiều tàu chở dầu thô và các sản phẩm liên quan của Nga đã tắt hệ thống giám sát hải trình và âm thầm biến mất khỏi bản đồ.

Chia sẻ với CNN, công ty tình báo Windward cho biết, hành động tắt bộ phát tín hiệu giám sát hải trình - hay còn gọi là “hoạt động trong bóng tối”- của những tàu chở dầu thô có liên quan đến Nga đã tăng 600% so với trước khi cuộc xung đột tại Ukraine nổ ra.

“Chúng tôi thấy có sự gia tăng đột biến các hiện tượng tàu chở dầu Nga cố tình tắt tín hiệu để tránh lệnh trừng phạt. Các đội tàu này đang bắt đầu che giấu vị trí và nơi xuất hàng hóa của mình”, ông Ami Daniel, Giám đốc điều hành của Windward, cho biết. Hiện tượng này không chỉ diễn ra ở các tàu chở dầu thô, ngay cả các sản phẩm khác từ dầu mỏ cũng có xu hướng tăng tương tự.

Theo Windward, trong tuần bắt đầu từ ngày 12/3, đã có 33 lần tàu chở sản phẩm dầu và hóa dầu của Nga “hoạt động trong bóng tối”. Con số này cao hơn 236% so với mức trung bình hàng tuần của 12 tháng trước đó.

Những chuyến hành trình âm thầm trên biển

Theo các quy định quốc tế, tàu thuyền chở dầu phải luôn bật thiết bị phát tín hiệu. Tháng 5/2020, Bộ Tài chính Mỹ đã gửi một bản khuyến cáo đến ngành hàng hải, năng lượng và kim loại về “các hành vi trốn tránh lệnh trừng phạt và vận chuyển bất hợp pháp”. Trong đó, việc “vô hiệu hóa hoặc thao túng” hệ thống nhận diện tự động (AIS) trên tàu thuyền được coi là hành vi vi phạm.

Tuy nhiên, tàu hàng có thể phải “hoạt động trong bóng tối” vì lý do an toàn, như khi đi qua vùng có nhiều cướp biển. Nhưng ông Daniel cho rằng đây không phải lý do khiến các con tàu Nga tắt AIS.

“Những con tàu này đang muốn biến mất khỏi radar. Đây chính là dấu hiệu cảnh báo”, ông nói.

Tâm lý sợ vào danh sách đen và sẽ không thể kinh doanh trong tương lai, khiến nhiều công ty chọn cách bắt tay trong bóng tối với các hãng dầu Nga. Ảnh: Shutterstock

Tâm lý sợ vào danh sách đen và sẽ không thể kinh doanh trong tương lai, khiến nhiều công ty chọn cách bắt tay trong bóng tối với các hãng dầu Nga. Ảnh: Shutterstock

Người phát ngôn Bộ Tài chính Mỹ cho biết cơ quan này “biết những báo cáo trên” và đang phối hợp với các đối tác để giám sát tàu thuyền khả nghi bằng “nhiều cách khác nhau” mà không cần dựa vào AIS.

Điều này từng xảy ra vào thập kỷ trước, khi Mỹ áp lệnh trừng phạt đối với Venezuela và Iran, khiến việc mua dầu từ những quốc gia này trở thành bất hợp pháp. “Nga đang học theo cách của Venezuela và Iran, với một chút thay đổi”, ông Andy Lipow, Chủ tịch hãng tư vấn Lipow Oil Associates, nhận định.

Điểm khác biệt mà ông Lipow nói đến là, không giống như Venezuela và Iran, phương Tây đã không áp đặt các biện pháp trừng phạt trực tiếp đối với dầu của Nga. Nhà Trắng đã cấm nhập khẩu dầu của Nga vào trong nước. Nhưng điều đó không có nghĩa có thể cấm các nước khác mua năng lượng của Nga.

Tuy nhiên, tâm lý lo khi làm ăn với doanh nghiệp Nga và sự bất ổn trước rủi ro về lệnh trừng phạt, đã khiến Nga rơi vào tình trạng cấm vận trên thực tế. Đây chính là lý do để giải thích việc các tàu treo cờ Nga gia tăng hoạt động trong bóng tối.

Với người mua, họ không muốn bị nói là đã mua dầu Nga trong lúc chiến sự tại Ukraine đang xảy ra ác liệt. Tương tự như vậy, với các công ty vận chuyển, họ sẽ tắt hệ thống AIS để có thể tránh sự giám sát của các bên. “Các con tàu này đang hoạt động ngầm vì sợ nếu làm ăn với doanh nghiệp Nga, họ sẽ bị cho vào danh sách đen một thời gian và sẽ không thể kinh doanh trong tương lai”, ông Lipow nói.

Ngoài ra, có một lý do để mua dầu Nga vào lúc này – giá giao dịch đang đang rẻ hơn khoảng 30 USD so với giá dầu Brent trên thế giới. “Bạn đang được giảm giá sâu. Động lực kinh tế là ở đó, nếu bạn không lo ngại về các lệnh trừng phạt”, ông Michael Tran, Giám đốc điều hành chiến lược năng lượng toàn cầu tại RBC Capital Markets, cho biết.

Dầu Nga đã chảy đi đâu?

Theo ước tính của công ty nghiên cứu Rystad Energy, xuất khẩu dầu thô của Nga đã giảm từ 1,2 triệu đến 1,5 triệu thùng mỗi ngày trong 5 tuần kể từ khi xung đột bùng nổ ở Ukraine. Báo cáo của hãng Rystad còn chỉ ra rằng, lượng dầu bí ẩn này có thể lên tới khoảng 4,5 triệu thùng/ngày. Vậy ai đang mua dầu của Nga?

Lượng dầu bí ẩn của Nga vẫn chảy ra thế giới mỗi ngày. Ảnh: Fleetmon

Lượng dầu bí ẩn của Nga vẫn chảy ra thế giới mỗi ngày. Ảnh: Fleetmon

Các nhà phân tích cho biết, có bằng chứng cho thấy các nhà máy lọc dầu ở Trung Quốc và Ấn Độ - hai trong số những quốc gia phát triển nhanh nhất và tiêu thụ nhiều dầu nhất thế giới - đang tích cực mua năng lượng từ Nga.

Các nhà kinh doanh được nhận định có thể đang mua dầu của Nga và cất trong kho, bao gồm trên các “kho nổi” của những con tàu không cập bến. Ngoài các hoạt động ngầm, công ty Windward phát hiện ra rằng một số công ty vẫn đang giao dịch với các tàu chở dầu liên kết của Nga và tham gia vào các hoạt động chuyển giao từ tàu này sang tàu khác.

Bên cạnh “hoạt động trong bóng tối”, hãng Windward còn thấy rằng một số tàu thuyền và công ty vẫn đang làm ăn với các tàu chở dầu có liên hệ với Nga. Những tàu này đang sử dụng phương thức chuyển dầu trực tiếp giữa hai tàu.

Năm 2020, Bộ Tài chính Mỹ đã cảnh báo phương thức chuyển dầu trực tiếp giữa hai tàu, đặc biệt là vào ban đêm hoặc ở những khu vực được coi là có nguy cơ trốn tránh lệnh trừng phạt cao, “để che giấu nguồn gốc hoặc điểm đến” của dầu, than đá và các nguyên liệu khác.

Ngay cả khi Nga bị trừng phạt, số lượng “cuộc giao dịch dầu” với thời gian ít nhất 3 tiếng giữa tàu chở dầu Nga và các tàu khác vẫn diễn ra “tương đối bình thường”, Windward tiết lộ.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện tại Việt Nam 4 tháng đầu năm 2024 ước đạt 6,28 tỷ USD tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 4 tháng đầu năm trong 5 năm qua.