Nợ vay của Tập đoàn FLC chiếm 70% tổng tài sản

DOANH NGHIỆP Việt nAM
09:25 - 30/03/2022
Tài sản của FLC chủ yếu là các dự án bất động sản. Ảnh: FLC Hạ Long
Tài sản của FLC chủ yếu là các dự án bất động sản. Ảnh: FLC Hạ Long
0:00 / 0:00
0:00
Theo báo cáo tài chính của FLC, tại thời điểm cuối năm 2021, tập đoàn này có tổng tài sản 33.787 tỷ đồng; trong khi đó nợ phải trả là 24.064 tỷ đồng, chiếm hơn 70% tổng tài sản.

Cụ thể trong tổng tài sản, tài sản ngắn hạn chiếm 17.636 tỷ đồng, trong đó các khoản phải thu ngắn hạn là 13.585 tỷ đồng, hàng tồn kho 2.159 tỷ đồng. Tài sản dài hạn chiếm 16.150 tỷ đồng, chủ yếu từ tài sản cố định 3.351 tỷ đồng, tài sản dở dang dài hạn 7.245 tỷ đồng, đầu tư tài chính 4.940 tỷ đồng.

Tài sản dở dang dài hạn của Tập đoàn FLC nằm tại hơn 11 dự án lớn như Dự án Hạ Long, Khu nghỉ dưỡng Quảng Bình, Dự án Sầm Sơn giai đoạn 2, Dự án Bình Định giai đoạn 2, Khu đô thị Garden City Đại Mỗ, dự án Tân Phú Đông (Sa Đéc, Đồng Tháp), FLC Premier, dự án Hà Khánh giai đoạn 1 (Hạ Long), dự án Trường Chinh Kon Tum, Centre Point Gia Lai…

Tổng nợ phải trả là 24.064 tỷ đồng, trong khi con số này hồi đầu năm là 24.411 tỷ đồng. Nợ ngắn hạn chiếm 15.951 tỷ đồng, giảm so với đầu năm hơn 2.000 tỷ; trong đó khoản người mua trả tiền trước chiếm lớn nhất với 5.028 tỷ đồng. Còn nợ dài hạn tăng từ 6.402 tỷ đồng lên 8.112 tỷ đồng.

Năm 2021, FLC ghi nhận doanh thu 6.772 tỷ đồng và lãi sau thuế đạt 83,6 tỷ đồng, lần lượt giảm 50% và 73% so với năm 2020. So với kế hoạch kinh doanh 15.250 tỷ đồng doanh thu và 880 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, FLC mới thực hiện được 45% chỉ tiêu doanh thu và vỏn vẹn 9,5% chỉ tiêu lợi nhuận năm.

Theo báo cáo lưu chuyển tiền tệ, trong năm 2021, FLC thu 4.887 tỷ đồng từ khoản đi vay. Luỹ kế, doanh nghiệp này có hơn 6.200 tỷ đồng vay và nợ thuê tài chính với các ngân hàng, công ty chứng khoán. Trong đó, vay ngắn hạn là 2.035 tỷ và 4.170 tỷ đồng dài hạn.

Trong nhóm ngân hàng và các tổ chức tài chính cấp tín dụng, chủ nợ lớn nhất hiện nay của FLC là Sacombank với số dư đến cuối năm 2021 lên tới 1.840 tỷ đồng, thông qua 2 hợp đồng tín dụng. Cả 2 đều là khoản vay dài hạn và mới phát sinh trong năm 2021, sau khi Sacombank và Bamboo Airways ký kết hợp tác toàn diện.

BIDV là chủ nợ lớn thứ hai của FLC với tổng dư nợ cho vay 1.747 tỷ đồng thông qua cả các khoản vay ngắn hạn và dài hạn. Ngoài ra, FLC còn nợ OCB 1.392 tỷ đồng đến cuối năm 2021, thông qua một khoản vay ngắn hạn và 2 khoản phát hành trái phiếu; đồng thời nợ Ngân hàng Quốc dân NCB, Agribank và Công ty Chứng khoán MBS hàng trăm tỷ đồng.

Bên cạnh FLC, các ngân hàng trên cũng đang là chủ nợ chính tại Công ty CP Đầu tư Kinh doanh Phát triển Bất động sản FLCHomes - một doanh nghiệp khác trong hệ sinh thái FLC. Tính đến cuối năm 2021, FLCHomes đang có khoản dư nợ hơn 710 tỷ đồng tại các ngân hàng. Các bên cho vay chính vẫn là Sacombank với gần 400 tỷ đồng; NCB 200 tỷ đồng và OCB 108 tỷ đồng.

Về tài sản thế chấp, các ngân hàng khi cho FLC vay đều có tài sản đảm bảo là cổ phiếu doanh nghiệp và người có liên quan FLC, Bamboo Airways cùng các dự án bất động sản hình thành từ vốn vay. Đáng chú ý, khoản vay tại NCB đang được đảm bảo bởi 60 triệu cổ phần BAV (Bamboo Airways). Cả Tập đoàn FLC và Bamboo Airways đều do ông Trịnh Văn Quyết làm Chủ tịch Hội đồng quản trị.

Đầu năm 2021, Bamboo Airways hoàn tất đợt tăng vốn điều lệ từ 7.000 tỷ đồng lên 10.500 tỷ đồng. Toàn bộ số vốn đóng góp thêm là nguồn vốn tư nhân, song cơ cấu cổ đông mới không được tiết lộ.

Bamboo Airways hiện là công ty liên kết của FLC. Ảnh: Bamboo Airways

Bamboo Airways hiện là công ty liên kết của FLC. Ảnh: Bamboo Airways

Sau khi Bamboo tăng vốn, tỷ lệ sở hữu của FLC giảm từ 51,29% xuống còn 39,4%. Như vậy từ quý I/2021, Bamboo Airways đã không còn là công ty con của Tập đoàn FLC mà là công ty liên kết. Thực tế, Tập đoàn FLC không thoái bớt vốn khỏi Bamboo mà thậm chí còn góp thêm 550 tỷ đồng. Nhưng do nguồn vốn mà các cổ đông khác góp vào lớn hơn nên tỷ lệ sở hữu của FLC tại Bamboo bị giảm xuống.

Sau đó, Bamboo Airways tiếp tục thêm hai đợt tăng vốn nữa và đến tháng 10/2021 đã đạt 18.500 tỷ đồng. Con số này đưa Bamboo Airways vào nhóm có vốn điều lệ lớn hàng đầu, chỉ kém Vietnam Airlines khoảng gần 4.000 tỷ đồng và hơn gần hai lần Vietjet Air.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2021 của FLC, tại thời điểm 31/12/2021, tập đoàn chỉ còn sở hữu 21,7% cổ phần tại Bamboo Airways. Do vậy, FLC đã không còn hợp nhất kết quả kinh doanh của Bamboo Airways vào báo cáo tài chính quý IV.

Tại thời điểm ngày 1/6/2021, cổ đông lớn nhất của Bamboo Airways là ông Trịnh Văn Quyết với tổng 94% cổ phần. Con số này sau đó chưa được tiết lộ.

Bamboo Airways chính thức cất cánh từ tháng 1/2019, trong 2 năm đầu hoạt động hãng đều báo cáo có lợi nhuận. FLC từng có kế hoạch IPO (bán cổ phần lần đầu ra công chúng) trong năm 2020, nhưng ảnh hưởng dịch bệnh nên phải lùi lại tới nay.

Còn theo báo cáo tài chính của FLC, luỹ kế tới hết năm 2021, FLC đã rót vào Bamboo Airways tổng số vốn 4.015 tỷ đồng, lỗ của hãng hàng không phân chia về cho FLC là hơn 501 tỷ đồng. Riêng trong năm 2021, FLC đã góp vốn vào Bamboo Airways 550 tỷ đồng, đồng thời thoái vốn một phần thu về hơn 121 tỷ đồng.

Sau khi ông Trịnh Văn Quyết bị khởi tố, bắt tạm giam ngày 29/3, bà Vũ Đặng Hải Yến - Phó tổng giám đốc FLC đã được uỷ quyền thực hiện các công việc, quyền Chủ tịch HĐQT của ông Quyết tại FLC và Công ty cổ phần Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways). Bà Hải Yến cũng được uỷ quyền toàn bộ quyền cổ đông tại hai doanh nghiệp này; quyền liên quan đến các tài sản, quyền tài sản thuộc sở hữu của ông Trịnh Văn Quyết.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Ảnh minh họa: PGBank đã có những phát triển vượt bậc sau khi cổ đông sáng lập là Petrolimex thoái vốn và sự tham gia của Tập đoàn Thành Công.

Những cổ đông ‘gần lớn’ ở PGBank

ĐHĐCĐ năm 2024 của PGBank có sự tham dự của 20 cổ đông, đại diện cho 97,424% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết. Xét theo tỷ lệ, đây là con số rất cao trên thị trường, thậm chí còn cao hơn các ngân hàng thương mại quốc doanh.