Nông dân chật vật vì giá phân bón tăng từ 30 – 40%

NÔNG NGHIỆP Việt nAM
18:45 - 13/11/2021
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
0:00 / 0:00
0:00
Giá các loại vật tư đầu vào, giá phân bón tăng cao khiến chi phí sản xuất vụ Đông - Xuân 2021 - 2022 sẽ tăng thêm trên 11,2 tỉ đồng, gây thiệt hại lớn cho nông dân.

Thông tin này được đưa ra tại Diễn đàn Kết nối nông sản 970 “Kết nối cung cầu vật tư đầu vào, thúc đẩy sản xuất vụ Đông Xuân phía Nam” sáng 13/11.

Theo ông Lê Thanh Tùng, Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), mặc dù gặp khó khăn do đại dịch, công tác triển khai sản xuất vụ Thu Đông, vụ mùa năm 2021 tại các tỉnh Đông Nam Bộ và ĐBSCL đã được tiến hành sớm và có nhiều giải pháp thích ứng với tình hình dự báo lũ thấp, đến nay cơ bản đạt được các chỉ tiêu, kế hoạch đề ra.

Theo thống kê của Cục Trồng trọt, các vụ lúa sản xuất ở khu vực phía Nam như Đông Xuân, Hè Thu chiếm tỷ trọng lớn. Tổng 4 vụ thu hoạch khoảng 21 triệu tấn lúa gạo, chiếm 50% cả nước. Nhưng tình hình giá vật tư sản xuất năm nay tăng cao, điển hình là giá phân bón, đã tác động bất lợi đến thu nhập của nông dân trồng lúa.

Ảnh tác giả

Tuy nhiên, năm nay giá vật tư tăng cao. Riêng giá phân bón tăng cao khiến chi phí sản xuất lúa vụ đông xuân 2021 - 2022 sẽ tăng thêm trên 11,2 tỉ đồng, gây thiệt hại lớn cho nông dân. Về việc này, Bộ NN&PTNT cùng Bộ Công thương đã có các cuộc họp và đề xuất Chính phủ tìm cách tháo gỡ”.

Ông Lê Thanh Tùng, Cục trưởng Cục Trồng trọt

Cùng quan điểm với Cục trưởng Cục Trồng trọt, ông Trương Kiến Thọ, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT An Giang cho rằng mặc dù hiện nay vấn đề lưu thông đã phần nào được giải quyết, giá lúa sẽ có sự điều chỉnh tăng, bên cạnh đó các loại trái cây, rau màu giá bán cũng khởi sắc trở lại.

"Tuy nhiên giá vật tư đầu vào, phân bón đang là rào cản lớn đối với lợi nhuận của người nông dân. Sắp tới phải có các mô hình, hướng dẫn để giảm giá thành của sản phẩm, giảm chi phí sản xuất cho bà con", đại diện ngành nông nghiệp An Giang nói.

Chia sẻ những nỗi niềm của bà con nông dân ở một số xã thuộc 2 huyện Bắc Bình, Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận, chị Ngô Vân, đại diện dự án Hợp tác nông nghiệp phi chính phủ của Đức đã có trao đổi với MEKONG ASEAN.

Chị Vân cho biết, bà con nông dân đang rất khó khăn vì giá vật tư tăng cao, đặc biệt là giá phân bón. Nhiều hộ nông dân bị các đại lý phân bón ép giá nông sản.

Ảnh tác giả

"Có những trường hợp bà con vay nợ phân bón và sau đó nông sản sản xuất ra phải bán rẻ lại cho những đại lý này, dẫn đến tình trạng nợ chồng nợ. Khi bà con có ý kiến thì các đại lý phân bón giải thích rằng phải chờ sự lên tiếng của Bộ NN&PTNT và các Hợp tác xã can thiệp vào thì giá phân bón mới có thể giảm xuống được".

Chị Ngô Vân, đại diện dự án Hợp tác nông nghiệp phi chính phủ của Đức

Phản ánh về giá vật tư đầu vào (phân bón, thuốc bảo vệ thực vật), ông Lê Hữu Toàn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang cho biết: Hiện nay giá vật tư tại tỉnh Kiên Giang đang có mức tăng từ 30 - 40%, trong khi giá bán lúa không tăng. Vì vậy, đề nghị cơ quan chức năng siết chặt việc quản lý để giá bán vật tư đầu vào không tăng thêm, giúp người nông dân thuận lợi trong việc giảm giá thành sản xuất trong vụ Đông Xuân.

Cần dự báo chiến lược từng mùa vụ để ổn định giá phân bón

Đây là đề xuất giải pháp cho tình trạng giá phân bón đe dọa lợi nhuận của người nông dân của ông Phan Văn Tâm, Giám đốc Marketing, Công ty CP Phân bón Bình Điền. Ông Tâm cho biết hiện nay đang xảy ra tình trạng khan hiếm nguyên liệu sản xuất phân bón, ngay cả với Bình Điền thì việc tìm nguồn cung cấp cũng đang gặp không ít khó khăn.

“Do các nguyên liệu nhập khẩu đều tăng giá mạnh nên các cơ quan chức năng cần có phương án giúp nông dân thích ứng và đối phó với tình hình này”, ông Phan Văn Tâm kiến nghị.

Ảnh tác giả

"Giải pháp để thích ứng là trước mỗi mùa vụ cần có dự báo sâu về tình hình thị trường, về vật tư đầu vào trong giai đoạn đó. Từ những dự báo này chúng ta sẽ đưa ra được chiến lược sản xuất phù hợp cho mỗi mùa vụ để đảm bảo lợi nhuận cho người nông dân dù có biến động về giá vật tư đầu vào”.

Ông Phan Văn Tâm, đại diện Công ty CP Phân bón Bình Điền

Bà Bùi Thị Hồng Hà, Trưởng phòng Vi sinh Nông nghiệp, Trung tâm Nông nghiệp Hữu cơ, Học viện Nông nghiệp Việt Nam (VNUA) cũng đưa ra đề xuất ứng dụng men vi sinh xử lý rơm rạ tiến tới giảm 50% phân bón hoá học.

Bà Hà cho biết, kết quả thu được sau khảo sát mới nhất của ứng dụng này đã giúp giảm phân hóa học tổng hợp từ 30 - 50% tùy lượng rơm rạ để lại trên đồng.

“Theo đó, các giá trị khác thu được như giá bán lúa đã được thị trường chấp nhận mua cao hơn, chất lượng hương và vị hạt gạo tăng rõ rệt, chất lượng đất tốt, bùn nhiều, sức khỏe cây trồng tốt và xanh lá đến khi thu hoạch, sức khỏe người nông dân tăng tỉ lệ thuận với mức độ giảm thuốc bảo vệ thực vật trong chăm sóc lúa”, bà Hà nhận định.

Đây cũng là định hướng mà Bộ trưởng NN&PTNN Lê Minh Hoan từng chỉ ra rằng, nông nghiệp Việt Nam cần thích ứng với biến chuyển xu thế tiêu dùng thế giới tránh những điểm nghẽn trong nông nghiệp là tư duy mùa vụ, thương vụ, nhiệm kỳ.

Ảnh tác giả

"Nông nghiệp Việt Nam phải theo xu thế tiêu dùng “xanh” của thế giới hiện nay. Đó là vấn đề bảo vệ môi trường, cân bằng carbon, hạn chế thuốc trừ sâu…. Không chỉ là vấn đề kỹ thuật, chất lượng mà Việt Nam phải nêu được hình ảnh của nông nghiệp Việt Nam, định vị được nông sản Việt Nam phát triển bền vững".

Bộ trưởng NN PTNN Lê Minh Hoan

Một thông tin được chia sẻ tại Diễn đàn là đại diện Tập đoàn Lộc Trời tuyên bố sẽ không tăng giá vật tư nông nghiệp như cam kết từ đầu năm cho đến hết năm 2021.

Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, lũy kế xuất khẩu gạo đến nửa đầu tháng 9/2021 đạt 4,23 triệu tấn, trị giá 2,26 tỉ USD. So với cùng kỳ năm 2020, giảm 12,09% về lượng và giảm 4,53% về giá trị.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện tại Việt Nam 4 tháng đầu năm 2024 ước đạt 6,28 tỷ USD tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 4 tháng đầu năm trong 5 năm qua.