Nông sản Việt tại Lào chịu sự cạnh tranh lớn từ Thái Lan và Trung Quốc

Giao thương Lào
16:07 - 22/06/2022
Hàng Việt Nam trong một siêu thị tại Lào.
Hàng Việt Nam trong một siêu thị tại Lào.
0:00 / 0:00
0:00
Trong những năm gần đây, xuất khẩu hàng hóa sang thị trường láng giềng - Lào bắt đầu ghi nhận sự sụt giảm. Nguyên nhân chủ yếu là do doanh nghiệp Việt vẫn chưa đáp ứng được các yêu cầu từ phía thị trường Lào và gặp sự cạnh tranh mạnh từ Thái Lan và Trung Quốc.

Phát biểu tại phiên tư vấn xuất khẩu sang thị trường Lào và Thái Lan ngày 21/6 do Cục Xúc tiến thương mại phối hợp tổ chức, bà Lê Thị Phương Hoa, Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Lào cho biết, doanh nghiệp Việt đang có nhiều cơ hội xuất khẩu sang thị trường này.

Lào và Việt Nam hiện có 10 tỉnh biên giới giáp biên, với 8 cặp cửa khẩu quốc tế, 7 cặp cửa khẩu chính và 18 cặp cửa khẩu phụ tạo thuận lợi giao thương khu vực, quãng thời gian và chi phí được rút ngắn rất nhiều so với các quốc gia trong khu vực châu Á và thế giới.

Ngoài ra, thương mại hai nước được hưởng lợi từ việc cắt giảm thuế suất về 0% cho hầu hết các mặt hàng của hai nước theo các Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN, Hiệp định Thương mại song phương Việt Nam-Lào, Hiệp định Thương mại biên giới Việt Nam-Lào. Các thuận lợi khác như thị trường Lào không yêu cầu khắt khe về chất lượng sản phẩm, người tiêu dùng có nhiều thiện cảm với hàng hóa từ Việt Nam.

Lào gần như chấp nhận chứng nhận tiêu chuẩn từ các nước xuất khẩu, trong đó bao gồm Việt Nam. Hiện các đồ uống có chứng nhận an toàn thực phẩm của Việt Nam khi vào Lào đều được chấp nhận.

Mặt khác, doanh nghiệp Việt còn có thể tận dụng việc kết nối của Lào với Thái Lan và Trung Quốc xuất khẩu sang hai thị trường. Qua đó, giảm chi phí vận chuyển, tăng sức cạnh tranh của hàng Việt vào các thị trường lân cận.

Trong tương lai, việc hoàn thành hai dự án đường cao tốc Hà Nội – Vientiane và đường sắt Vũng Áng – Vientiane được kỳ vọng sẽ giúp giao thương với Lào trở nên nhanh chóng hơn, giảm chi phí giao hàng, giảm giá thành...

Về tình hình xuất khẩu sang Lào thời gian qua, trong giai đoạn 2017 – 2019, xuất khẩu sang thị trường này liên tục ghi nhận tăng trưởng dương. Bước sang năm 2020, do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Lào có sự sụt giảm. Năm 2021, bắt đầu ghi nhận lại tín hiệu phục hồi.

Tuy nhiên, trong 5 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Lào chỉ đạt 255 triệu USD, giảm 8,9% so với cùng kỳ năm 2021 (năm 2021 đạt 280 triệu USD). Các sản phẩm chính xuất khẩu sang thị trường này gồm các sản phẩm công nghiệp, các sản phẩm nông sản, thực phẩm…

Đối với mặt hàng nông sản, nhìn chung nhu cầu về các nông sản từ Việt Nam còn ít. Nguyên nhân chủ yếu do dân cư của Lào tương đối thấp, chỉ ở mức hơn 7 triệu dân, tập trung ở các thành phố lớn như Vientiane.

Mặt khác, các mặt hàng nông sản, thực phẩm của Việt Nam phải chịu sự cạnh tranh lớn từ phía Trung Quốc và Thái Lan. Mặc dù người Lào khá yêu thích hàng Việt nhưng hàng Thái lại được ưa chuộng hơn. Do yếu tố địa lý và do chiến lược truyền thông chuyên nghiệp của các doanh nghiệp Thái, cho nên từ lâu hàng hóa của Thái Lan luôn được người Lào lựa chọn.

Mặt khác, yếu tố thời gian và giá cả hàng hóa cũng “kìm chân” doanh nghiệp Việt. Từ khu vực Đông Bắc của Thái Lan đến thủ đô Vientiane của Lào chỉ mất thời gian một ngày hoặc hơn một ngày, trong khi từ phía Việt Nam sẽ lâu hơn.

Riêng đối với mặt hàng thủy sản, người tiêu dùng Lào rất ưa chuộng sản phẩm tươi sống. Yếu tố thời gian vận chuyển đã giúp doanh nghiệp Thái có ưu thế vượt trội so với doanh nghiệp Việt.

Ngoài Thái Lan, hàng Việt hiện còn gặp cạnh tranh với hàng Trung Quốc. Từ cuối năm 2021, Trung Quốc và Lào đã đưa vào hoạt động tuyến đường sắt nối liền 2 nước. Như vậy, chi phí vận chuyển và thời gian xuất khẩu hàng hóa Trung Quốc vào thị trường này cũng giảm đi đáng kể, cạnh tranh trực tiếp với hàng Việt.

Bên cạnh đó, kênh phân phối hàng hóa của Việt Nam tại Lào cũng chưa tốt. Hiện, hàng hóa của doanh nghiệp Việt mới chỉ được phân phối trong các cửa hàng nhỏ lẻ tại Lào. Ở Lào hiện có chuỗi siêu thị hàng Việt - Vimart nhưng hàng hóa chủ yếu trong chuỗi này là hàng Thái Lan. Nguyên nhân chính là do người Lào rất ưa chuộng sản phẩm của quốc gia này, điều đó buộc Vimart phải ưu tiên hàng Thái hơn để chuỗi có thể phát triển.

Tin liên quan

Đọc tiếp