Oxfam: Nền kinh tế vì lợi nhuận đang phá vỡ sự gắn kết xã hội

KINH TẾ Việt nAM
07:00 - 30/12/2021
Ảnh tại triển lãm Nền Kinh tế Nhân văn, do Oxfam Việt Nam tổ chức.
Ảnh tại triển lãm Nền Kinh tế Nhân văn, do Oxfam Việt Nam tổ chức.
0:00 / 0:00
0:00
Mô hình kinh tế thế giới hiện nay đang khiến bất bình đẳng trở nên trầm trọng khi 26 người sở hữu khối tài sản bằng một nửa dân số nghèo nhất nhân loại, đặt ra yêu cầu cần thay đổi phương thức vận hành nền kinh tế.

Thông điệp này được đưa ra tại cuộc triển lãm "Nền Kinh tế Nhân văn" do Oxfam Việt Nam tổ chức tại Hà Nội từ cuối tháng 12 và kéo dài đến ngày 02/01/2022.

Triển lãm là sự kiện đầu tiên trong chuỗi thảo luận xã hội về sự cần thiết xây dựng nền kinh tế nhân văn lấy con người và trái đất làm trung tâm, thay cho “nền kinh tế vì lợi nhuận” đang phá vỡ sự gắn kết xã hội ở nhiều quốc gia trên thế giới.

Nền Kinh tế Nhân văn là mô hình kinh tế mới do tổ chức Oxfam đề xuất trên phạm vi toàn cầu nhằm giải quyết những lỗ hổng trong phương thức vận hành nền kinh tế hiện nay. Việc sử dụng GDP làm thước đo cho sự phát triển kinh tế không còn phù hợp trong bối cảnh hiện nay.

Nền kinh tế vì lợi nhuận đang tạo ra những bất bình đẳng trầm trọng trong xã hội và ngày càng gia tăng do tác động của đại dịch COVID-19 được Oxfam chỉ ra bằng những số liệu dẫn chứng: tài sản của 1% người giàu nhất thế giới nhiều gấp đôi tài sản của 6,9 tỷ nhân loại cộng lại.

Một người tiết kiệm 10.000 USD mỗi ngày, từ thời xây Kim Tự Tháp, thì đến nay tài sản cũng chỉ bằng 1/5 lượng tài sản trung bình của 5 tỷ phú giàu nhất thế giới.

"Chỉ cần đánh thuế 0,5% trên tài sản của 1% người giàu nhất thế giới trong 10 năm tới, chúng ta có đủ tiền để tạo ra 117 triệu việc làm," theo Oxfam.

Hay tính toán thời gian quay lại cuộc sống bình thường trước đại dịch, người nghèo cần thời gian dài gấp 14 lần so với người giàu.

Phát biểu tại lễ khai mạc triển lãm, ông Phạm Quang Tú, Phó Giám đốc quốc gia tổ chức Oxfam tại Việt Nam cho rằng, đã đến lúc chúng ta cần nhìn nhận GDP không phải là thước đo phát triển của quốc gia. Các quốc gia cần đánh giá sự phát triển qua một thước đo rộng hơn về phúc lợi, nghèo đa chiều, và tính tới những yếu tố gây tổn hại tới sự bền vững của môi trường.

Ảnh tác giả

“Oxfam đánh giá cao định hướng phát triển bao trùm mà Chính phủ Việt Nam đặt ra nhằm đảm bảo tất cả mọi người đều được hưởng lợi từ quá trình tăng trưởng. Nhưng thực tế cho thấy vẫn còn khoảng cách giữa định hướng và thực thi chính sách. Vì thế, chúng tôi mong Chính phủ, các Bộ, ban, ngành và các địa phương xây dựng những chính sách, chương trình để hiện thực hóa những mục tiêu này. Điều đó cũng sẽ giúp thay đổi quan niệm sống của người dân đặt lợi ích nhân văn cho cộng đồng, xã hội và môi trường lên trên lợi nhuận ngắn hạn”.

Ông Phạm Quang Tú, Phó Giám đốc quốc gia tổ chức Oxfam tại Việt Nam

Các mô hình tại triển lãm gợi mở về tính cấp thiết xây dựng hệ thống bình đẳng giới, dịch vụ công phổ quát cho toàn dân, các mô hình kinh doanh cho tương lai, việc làm tử tế và các khía cạnh khác trong sự phát triển của xã hội, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế dịch chuyển sau tác động của đại dịch COVID-19 và hướng tới Net Zero.

4 mô hình của nền Kinh tế Nhân văn

Điểm cốt lõi của mô hình nền Kinh tế Nhân văn là đặt lợi ích của con người và Trái đất lên trên lợi nhuận. Mô hình này hình thành nên hệ thống kinh tế và xã hội thành công, nơi mà con người là trung tâm của tư duy kinh tế.

Hoạt động kinh doanh và thị trường mang lại lợi ích cho số đông chứ không chỉ một số ít những người giàu; và những giới hạn chịu đựng của môi trường không bị xâm phạm, trong khi những nền tảng xã hội và thịnh vượng về kinh tế vẫn được đảm bảo.

9 lĩnh vực ưu tiên của Nền Kinh tế Nhân văn

1. Không chỉ GDP, mà cần phải đạt được mục tiêu về phúc lợi xã hội, đảm bảo bình đẳng, và giữ gìn môi trường

2. Điều tiết được thị trường chứ không để thị trường chi phối

3. Chấm dứt sự tập trung cao độ của cải vào tay một số ít

4. Thực hiện thuế lũy tiến

5. Phổ cập toàn dân tiếp cận đến dịch vụ công

6. Lương công bằng

7. Bình đẳng giới (bao gồm vấn đề công việc chăm sóc không được trả lương)

8. Mô hình kinh doanh mới

9. Sự tham gia của người dân

Để hiện thực hóa nền Kinh tế Nhân văn, Oxfam đưa ra 4 mô hình cần thay đổi cho nền kinh tế hiện tại.

Mô hình về không gian phát triển được Oxfam để cập đến đầu tiên và cho rằng để cải thiện việc xã hội phân cực giàu nghèo, việc cần làm là tăng số lượng dân cư thuộc tầng lớp trung lưu. Nhóm dân cư này thường sống ở các đô thị.

Sự phát triển của các đô thị vệ tinh vừa và nhỏ, chất lượng sống và dịch vụ cơ bản được đáp ứng, có kết nối tốt với các đô thị lớn và khu vực nông thôn thông qua hệ thống cơ sở hạ tầng và giao thông thuận tiện, giúp thúc đẩy việc đạt được cả ba mục tiêu là kinh tế thịnh vượng, xã hội công bằng và tương lai bền vững.

Sự kết nối này được tạo ra nhờ sự phát triển hạ tầng cơ sở cứng cũng như hạ tầng cơ sở mềm, bao gồm thể chế hay lĩnh vực hỗ trợ cho lao động di cư.

Thay đổi mô hình dịch vụ công cũng là một yếu tố quan trọng để thay đổi phương thức vận hành nền kinh tế hiện tại. Oxfam cho rằng, chi phí y tế và giáo dục đang là gánh nặng của người dân Việt Nam. Để giải quyết, nguồn thu từ thuế cần được hướng đến việc xây dựng hệ thống giáo dục và y tế phổ quát miễn phí cho tất cả mọi người.

Thông qua việc trang bị cho người dân những công cụ thuận tiện dựa trên ứng dụng công nghệ thông tin để đánh giá chất lượng các dịch vụ công và truyền thông tới người dân để họ tích cực sử dụng các công cụ này, cơ quan nhà nước sẽ xây dựng được một cơ chế phản hồi khách quan, đáng tin cậy về chất lượng dịch vụ công.

Một yếu tố được nhắc đến nhiều đó chính là cải thiện mô hình bình đằng giới. Các công việc chăm sóc con cái, người cao tuổi, người bị bệnh hoặc khuyết tật về thể chất và tinh thần, các công việc nhà như nấu ăn, lau dọn, giặt giũ, may vá, lấy nước, chẻ củi... vốn rất quan trọng đối với xã hội và nền kinh tế.

Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể cả về chính sách và thực hành về giới. Luật Bình đẳng giới Việt Nam năm 2006 là một trong những văn bản pháp luật về giới tiến bộ nhất châu Á.

Tuy nhiên, các khuôn mẫu và định kiến xã hội vẫn tồn tại, khiến nhiều phụ nữ chịu nhiều thiệt thòi và không thể tận dụng các cơ hội giáo dục, chính trị và kinh tế. Phụ nữ vẫn đang chịu thiệt thòi cả trên cả ba loại hình bình đẳng: cơ hội, kết quả, tiếng nói và vị thế.

Trong tương lai, công việc chăm sóc không được trả lương (unpaid care work) cần được tính, và và tiến tới trở thành một cấu phần trong GDP để ghi nhận đầy đủ hơn đóng góp của nữ giới vào sự phát triển của quốc gia.

Oxfam cho rằng, Nhà nước cần đầu tư cung cấp các dịch vụ chăm sóc như nhà dưỡng lão, nhà trẻ, mẫu giáo...bên cạnh các phong trào xã hội thay đổi các khuôn mẫu và định kiến giới để giải phóng phụ nữ.

Từ những yếu tố trên, Oxfam đưa ra đề xuất các doanh nghiệp cần thay đổi mô hình kinh doanh hướng tới ba trách nhiệm:

Trách nhiệm cơ bản – tôn trọng quyền con người: Tôn trọng quyền con người và trả mức lương đủ để người lao động thực hiện các quyền này. Trách nhiệm này hiện đã được công nhận rộng rãi là cơ sở nền tảng của mọi doanh nghiệp.

Trách nhiệm xã hội – trách nhiệm công dân của doanh nghiệp: Doanh nghiệp đầu tư vào các thực hành đạo đức, hạn chế tối đa tổn hại cho xã hội và môi trường. Thêm vào đó, các doanh nghiệp là mắt xích quan trọng giúp giải quyết tình trạng đói nghèo, thông qua hợp tác với các cộng đồng yếu thế trong cùng một chuỗi giá trị.

Trách nhiệm khai sáng – các giá trị chung: Mô hình giá trị chung hướng tới mục tiêu nâng cao năng lực cạnh tranh của công ty trong dài hạn, thông qua việc xác định những lĩnh vực mà doanh nghiệp và xã hội có thể đem lại lợi ích cho nhau. Mô hình này đóng góp vào thành công của doanh nghiệp trong dài hạn dựa trên việc doanh nghiệp đồng hành giải quyết các vấn đề xã hội và môi trường.

Đánh giá về khả năng thay đổi phương thức vận hành nền kinh tế, TS. Nguyễn Thắng, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng tư vấn chính sách kinh tế - xã hội, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam cho biết: “Để xây dựng Nền Kinh tế Nhân văn ở Việt Nam, cần thúc đẩy phát triển bao trùm đi cùng với kiềm chế sự gia tăng chênh lệch về tài sản. Đến năm 2030 và xa hơn là năm 2045, xu hướng gia tăng bất bình đẳng về tài sản có thể là rủi ro tiềm ẩn đe dọa sự gắn kết xã hội nói riêng và sự phát triển của Việt Nam nói chung.”

Tin liên quan

Đọc tiếp