"Gói hỗ trợ phải có chọn lọc kỹ càng, tính đến hiệu quả từng đồng vốn bỏ ra"

VĨ MÔ Việt nAM
07:00 - 30/12/2021
"Gói hỗ trợ phải có chọn lọc kỹ càng, tính đến hiệu quả từng đồng vốn bỏ ra"
0:00 / 0:00
0:00
Cần hiểu rằng cứu doanh nghiệp cũng là lo cho người lao động, cho họ sinh kế, việc làm và thu nhập, qua đó đỡ đi gánh nặng của Nhà nước về vấn đề an sinh xã hội, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhận định.

Dịch COVID-19 đặt nền kinh tế Việt Nam trước thách thức chưa từng có tiền lệ khi tăng trưởng GDP năm 2020 và 2021 chỉ lần lượt đạt 2,91% và 2,58%, cũng đồng thời đặt dấu hỏi vào tính khả thi của mục tiêu tăng trưởng kinh tế theo kế hoạch phát triển 2021-2025.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng khi chia sẻ về các phản ứng chính sách cần thiết để hỗ trợ phục hồi kinh tế, đã từng nói: “Kinh nghiệm quốc tế, khuyến nghị của các chuyên gia, tổ chức quốc tế đều cho rằng, Việt Nam cần phải xây dựng chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, để không “lỡ nhịp” khi bước vào trạng thái bình thường mới”.

Trước khi Quốc hội đưa ra những quyết sách tại kỳ họp bất thường ngày 4/11 tới đây về chương trình và các giải pháp phục hồi ứng phó với những tác động tệ hại của đại dịch, MEKONG ASEAN đã có cuộc trò chuyện với bà Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế, nguyên Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) xung quanh vấn đề phục hồi khu vực doanh nghiệp như thế nào, đâu là động lực cần thiết và những tác động lan toả có thể có của cuộc "giải cứu" này.

MEKONG ASEAN: Nếu ví Chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội quy mô lớn chưa từng có sắp tới là một động lực quan trọng tiếp lực cho đà phục hồi phát triển bền vững, thì "ngòi nổ" lớn nhất của động cơ sẽ nằm ở đâu, thưa bà?

Ảnh tác giả

"Cùng với vấn đề đầu tư công thì việc làm thế nào khai thác động lực doanh nghiệp, phát triển tối đa nội lực doanh nghiệp Việt Nam trong cả khu vực công và tư sẽ là chìa khóa then chốt cho phục hồi bền vững".

Bà Phạm Chi Lan

Bà Phạm Chi Lan: Nhìn chung, trong Chương trình phục hồi, Chính phủ và Quốc hội bàn rất nhiều đến các gói, các khoản tiền, nguồn huy động tiền. Nhưng cá nhân tôi cho rằng cùng với vấn đề đầu tư công thì việc làm thế nào khai thác động lực doanh nghiệp, phát triển tối đa nội lực doanh nghiệp Việt Nam trong cả khu vực công và tư sẽ là chìa khóa then chốt cho phục hồi bền vững.

Suy cho cùng, phục hồi kinh tế trước hết là phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh và tiêu dùng của đất nước, đồng nghĩa phải tập trung cao độ vào động lực phát triển doanh nghiệp. Trong đó, cái đáng để quan tâm thúc đẩy là phần đóng góp trực tiếp của doanh nghiệp Việt Nam vào nền kinh tế chứ không phải động lực đầu tư nước ngoài.

Bên cạnh đó, cần hiểu rằng cứu doanh nghiệp tức là lo cho người lao động, cho họ sinh kế, việc làm và thu nhập, qua đó đỡ đi gánh nặng của nhà nước về vấn đề an sinh xã hội. Đây chính là nguyên lý cho người lao động “cần câu”, Nhà nước không trực tiếp hỗ trợ tiền mặt mà phân bổ nguồn lực gián tiếp qua doanh nghiệp.

Ảnh tác giả

"Cứu doanh nghiệp cũng là lo cho người lao động, cho họ sinh kế, việc làm và thu nhập, qua đó đỡ đi gánh nặng của Nhà nước về vấn đề an sinh xã hội. Đây chính là nguyên lý cho người lao động “cần câu”."

Bà Phạm Chi Lan

MEKONG ASEAN: Bà có thể cho biết cụ thể hơn quan điểm của bà về phương hướng phục hồi khu vực doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn hiện tại?

Bà Phạm Chi Lan: Ở nước ta hiện nay, khu vực kinh tế Nhà nước còn chiếm tỷ trọng lớn, tỷ lệ sử dụng nguồn lực ở khu vực này do đó cũng lớn. Vì vậy, chỉ khi doanh nghiệp Nhà nước hoạt động có hiệu quả thì hiệu quả toàn nền kinh tế mới tăng lên được. Doanh nghiệp quốc doanh cần tiếp tục cải thiện làm sao hiệu quả hoạt động cao hơn, giảm bớt gánh nặng nợ đi.

Nhưng đặc biệt, doanh nghiệp tư nhân phải thực sự trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế. Suy cho cùng, hiệu quả kinh tế lớn nhất trước hết đến từ khu vực tư nhân.

Ở các nước người ta đã chứng minh rồi, giá trị của kinh tế thị trường phải thể hiện ở tính cạnh tranh và độ hiệu quả. Trong cả 2 yếu tố này, bao giờ khu vực tư cũng làm tốt hơn khu vực công bởi tư nhân làm gì cũng đi kèm động lực lợi nhuận, có lợi họ mới làm, không có lợi thì họ không làm. Còn khu vực công phần nào đó phải cõng những công việc chung của quốc gia, nên tính hiệu quả có thể không bằng.

Phục hồi khu vực doanh nghiệp cần đạt được tính tổng thể, toàn diện. Có như thế, ta mới có nền tảng phục hồi bền vững được.

MEKONG ASEAN: Trong năm 2021, tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay lại hoạt động ước đạt 173.593 doanh nghiệp, chỉ thấp hơn khoảng 3% so với năm 2020 nhờ sự phục hồi mạnh mẽ trong quý IV. Trước những con số lạc quan như vậy, bà đánh giá ra sao về triển vọng của khu vực doanh nghiệp khi Chương trình phục hồi phát triển kinh tế xã hội tới đây đi vào thực tiễn?

Bà Phạm Chi Lan: Cần xác định lần phục hồi tới đây không phải khôi phục y xì về mức cũ, mà đặt mục tiêu phục hồi trên nền tảng mới cao hơn trước. Phục hồi không chỉ về lượng, mà còn về chất.

Do đó, tôi mong trong phân bổ nguồn lực Chương trình phục hồi thời gian tới chú trọng cho những cái mới chứ không phải phục hồi cái cũ. Cái nào cần và đáng phục hồi thì ta phục hồi, cái nào không đáng thì bỏ đi để mà tạo nền tảng mới cho phát triển.

Phải tập trung vào các yêu cầu mới như chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ vào các ngành khác nhau để nâng cao hiệu quả, nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp nói riêng toàn nền kinh tế nói chung.

Ảnh tác giả

"Phục hồi tới đây không phải khôi phục y xì về mức cũ, mà phục hồi trên nền tảng mới cao hơn trước. Phục hồi không chỉ về lượng, mà còn về chất. Cái nào cũ, lạc hậu thì phải sẵn sàng cắt bỏ đi, không cần phục hồi về nữa. Cũng như trong cơ thể mà có tế bào bệnh thì phải loại bỏ để tế bào mới phát triển, tăng sức lực lên."

Bà Phạm Chi Lan

MEKONG ASEAN: Có quan điểm cho rằng đối với gói phục hồi kinh tế, phần an sinh cần tập trung cho những người yếu thế nhất, nhưng phần kinh tế thì nên tập trung cho những doanh nghiệp khỏe nhất, có khả năng làm ra nhiều của cải cho xã hội nhất. Ý kiến của bà ra sao?

Bà Phạm Chi Lan: Trong phục hồi doanh nghiệp, cần quan tâm tới cả hai lực lượng, thậm chí tôi cho rằng doanh nghiệp vừa và nhỏ phải được quan tâm đúng mực hơn. Không thể chỉ tập trung vào doanh nghiệp khỏe nhất, bởi dù sao thì những doanh nghiệp lớn mạnh bản thân họ đã có sức chống đỡ tốt hơn rồi.

Trong nền kinh tế, 98% doanh nghiệp là nhỏ và vừa. 98% này đóng góp cho an sinh nhiều lắm chứ. Khoảng 70-80% lao động trong nền kinh tế đang làm việc cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa chứ đâu phải doanh nghiệp lớn mạnh hay khu vực FDI.

Xưa nay, phân bổ nguồn lực của nền kinh tế vẫn chủ yếu rơi vào những doanh nghiệp có khả năng sử dụng nguồn lực cao hơn. Dù các doanh nghiệp nhỏ và vừa đang đối mặt nhiều vấn đề khó khăn nhưng họ chỉ được tiếp cận nguồn lực hạn chế thôi.

Nhìn vào đất đai thì rất rõ: những mảnh đất có giá trị thương mại cao nhất đã về tay doanh nghiệp lớn. Hầm mỏ cũng vậy, quyền khai thác tài nguyên chủ yếu nằm trong tay doanh nghiệp Nhà nước hoặc doanh nghiệp tư nhân quy mô lớn. Ngay cả nguồn lực tài chính, tín dụng ngân hàng hay các nguồn vốn đầu tư thì doanh nghiệp càng lớn, càng mạnh càng dễ tiếp cận hơn. Xưa nay họ có thiệt thòi đâu!

Nói chung, có nhiều ý kiến cho rằng cần chú trọng phục hồi doanh nghiệp lớn để dẫn dắt nền kinh tế. Bản thân tôi cũng ủng hộ các doanh nghiệp lớn, cũng mong có nhiều doanh nghiệp lớn hơn. Nhưng theo quan điểm của tôi thì nên tính đến phân bổ công bằng nguồn lực chứ không phải ông nào lớn thì hưởng nhiều.

Ảnh tác giả

"Nên tính đến phân bổ công bằng nguồn lực chứ không phải ông nào lớn thì hưởng nhiều."

Bà Phạm Chi Lan

MEKONG ASEAN: Phương án “công bằng” trong phân bổ nguồn lực doanh nghiệp mà bà nhắc đến cụ thể ra sao, thưa bà? Chắc hẳn không phải cào bằng tất cả?

Bà Phạm Chi Lan: Phân bổ nguồn lực công bằng ở đây là xem xét công bằng dựa trên các tiêu chí như nguồn lực được doanh nghiệp sử dụng ra sao, lĩnh vực nào đáng để hỗ trợ.

Doanh nghiệp lớn nếu có hỗ trợ thì chỉ hỗ trợ những doanh nghiệp trong hoạt động trong lĩnh vực thực sự khó khăn, hoặc lĩnh vực kinh tế mang tính đột phá như công nghệ mà bản thân nguồn lực doanh nghiệp không làm nổi.

Bởi vì nhìn chung đầu tư cho công nghệ thực sự rủi ro rất nhiều và chi phí rất lớn. Như ở các nước giàu có, chẳng hạn Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, chính phủ các nước sẵn sàng đầu tư một phần để chia sẻ rủi ro khi doanh nghiệp rót tiền nghiên cứu sản phẩm công nghệ cao.

Ngoài ra, doanh nghiệp cỡ vừa và nhỏ đặc biệt rất cần ưu tiên nguồn lực hỗ trợ. Lâu nay, doanh nghiệp nhỏ tiếp cận tín dụng, nguồn lực rất hạn chế, đây là vấn đề dễ thấy.

Tôi cho rằng lâu nay chúng ta hơi bỏ quên doanh nghiệp vừa. Trong các ngành công nghiệp phụ trợ thì phải là doanh nghiệp quy mô vừa trở lên mới làm được hiệu quả, mới đủ sức đầu tư, đủ trình độ để quản trị và đủ vị thế để liên kết với các doanh nghiệp lớn, làm ra các sản phẩm phụ trợ cung cấp cho doanh nghiệp lớn hoặc doanh nghiệp FDI.

Khi ta hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ để họ tham gia vào cùng chuỗi cung ứng với doanh nghiệp lớn trong nước thì đó cũng là một cách gián tiếp hỗ trợ doanh nghiệp lớn rồi.

MEKONG ASEAN: Có lo ngại gói hỗ trợ phục hồi lớn có thể kéo theo hiện tượng doanh nghiệp zombie hay nguy cơ doanh nghiệp đưa vốn sang các kênh đầu tư bất động sản, chứng khoán thay vì đầu tư sản xuất kinh doanh. Làm thế nào để hạn chế tình trạng này, thưa bà?

Bà Phạm Chi Lan: Về hiện tượng doanh nghiệp zombie thì tôi nói rồi, có những doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp vừa và nhỏ đã tê liệt rồi, không thể hoạt động nữa rồi, ta phải chấp nhận và sẵn sàng để nó chết. Chỉ khi doanh nghiệp có triển vọng phục hồi hoặc chuyển hướng sang ngành khác chứng minh được hiệu quả thì ta mới hoan nghênh, mới hỗ trợ.

Còn về câu chuyện doanh nghiệp đưa vốn vào các kênh đầu tư như bất động sản, cái đó đã quá nhiều rồi. Nó gây nguy cơ bong bóng bất động sản, thổi giá bất động sản lên cao quá đáng và làm giảm đáng kể nguồn lực mà đáng lẽ doanh nghiệp dùng nó để đầu tư cho các ngành công nghiệp, sản xuất kinh doanh. Do đó, hỗ trợ phải có chọn lọc kỹ càng. Nếu doanh nghiệp nào dù lớn nhưng chỉ chuyên đầu tư kinh doanh bất động sản thì đề nghị cắt hết hỗ trợ, áp thuế bất động sản để thu lại phần doanh nghiệp hưởng chênh lệch lâu nay.

Ảnh tác giả

"Dù hỗ trợ doanh nghiệp lớn hay doanh nghiệp nhỏ thì đều cần phải tính đến hiệu quả từng đồng vốn bỏ ra."

Bà Phạm Chi Lan

MEKONG ASEAN: Trân trọng cảm ơn bà!

Tin liên quan

Đọc tiếp

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà. Ảnh: VGP

Rà soát toàn diện các dự án BOT giao thông

Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 190 ngày 3/5/2024 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà về giải pháp xử lý khó khăn, vướng mắc tại một số dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức hợp đồng BOT.