Quốc hội thông qua Luật Giá sửa đổi, giữ quy định giá trần vé máy bay

Luật Giá QUỐC HỘI
15:39 - 19/06/2023
Các đại biểu nhấn nút thông qua Luật Giá sửa đổi. Ảnh: Quochoi
Các đại biểu nhấn nút thông qua Luật Giá sửa đổi. Ảnh: Quochoi
0:00 / 0:00
0:00
Với 92,91% số đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Giá sửa đổi.

Luật Giá sửa đổi được Quốc hội biểu quyết thông qua vào chiều 19/6. Trước khi biểu quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý Dự án Luật Giá sửa đổi của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH).

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách nêu rõ, tại Kỳ họp thứ 4 và Kỳ họp thứ 5, Quốc hội đã thảo luận về Dự án Luật Giá sửa đổi; các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết và xác đáng. Đến nay, cơ bản ý kiến của các vị đại biểu đều tán thành với phương án tiếp thu, giải trình, chỉnh lý; một số ý kiến góp ý thêm nhằm hoàn thiện Dự thảo Luật.

Liên quan đến giá dịch vụ vận chuyển hành khách hàng không nội địa, đây là vấn đề được đại biểu quan tâm trong các phiên thảo luận, trong đó có ý kiến đề nghị nên bỏ quy định về khung giá, đưa mặt hàng này thực hiện hoàn toàn theo cơ chế thị trường. Lý do đưa ra là quy định này mâu thuẫn với nguyên tắc quản lý giá đặt ra tại các Nghị quyết của Đảng và Nhà nước, với Luật Hàng không dân dụng, với Luật cạnh tranh; mâu thuẫn trong Dự thảo Luật Giá…

Ngược lại, đa số ý kiến ủng hộ tiếp tục giữ quy định như Dự thảo, Nhà nước định giá tối đa (giá trần) để đảm bảo lợi ích nhân dân, thúc đẩy kinh tế xã hội; có ý kiến đề nghị chỉ định giá đối với hạng vé phổ thông.

Theo UBTVQH, trong bối cảnh hiện nay, khi thị trường hàng không còn mang tính cạnh tranh hạn chế, việc thúc đẩy các loại hình vận tải phát triển đồng bộ, hiện đại còn phải phấn đấu. Đặc biệt là khi đường sắt Bắc - Nam tốc độ cao chưa được triển khai, vận hành thì trước mắt, Nhà nước vẫn cần công cụ quản lý giá dịch vụ hàng không nội địa để góp phần ổn định thị trường.

Về lâu dài khi các loại hình giao thông phát triển đồng bộ, có nhiều lựa chọn cho người dân, sẽ tính toán quy định giá dịch vụ vận chuyển hành khách hàng không nội địa cho phù hợp.

UBTVQH khẳng định, việc quy định giá trần hoàn toàn phù hợp với Nghị quyết số 11-NQ/TW của BCH Trung ương Đảng khóa XII. Theo đó, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là nền kinh tế vận hành theo quy luật thị trường, có sự quản lý của Nhà nước.

Việc quy định giá trần bản chất là công cụ quản lý Nhà nước về giá, bảo đảm trách nhiệm của Nhà nước trong ổn định thị trường; không phải là việc lồng ghép chính sách xã hội như Hiệp hội hàng không đã nêu.

Việc quy định giá trần vẫn bảo đảm quyền chủ động của doanh nghiệp. Hiện nay các hãng hàng không vẫn toàn quyền quyết định giá dịch vụ, trong đó có giá vé máy bay; chỉ riêng giá vé máy bay hạng phổ thông thì có quyền quyết định giá cụ thể trên cơ sở không vượt giá trần.

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nếu không quy định giá trần thì đồng nghĩa với việc Nhà nước bỏ công cụ điều tiết giá. Các hãng hàng không hoàn toàn có thể đưa ra giá vé máy bay lên mức cao đối với hạng vé phổ thông, nhất là các dịp lễ, tết, mùa du lịch nhu cầu đi lại tăng cao, ảnh hưởng đến người dân, nhất là người có thu nhập thấp khó có thể được tiếp cận các dịch vụ hàng không; làm tăng chi phí xã hội.

Việc này còn làm tăng chi ngân sách Nhà nước khi hiện nay nhiều cơ quan Nhà nước hàng năm phải chi ngân sách khá lớn cho việc mua vé máy bay phục vụ nhu cầu công tác. Thực tế cho thấy, có những thời điểm (như dịp 30/4 - 01/5/2023 vừa qua) các hãng đã đồng loạt tăng giá vé máy bay gây tác động tiêu cực đến hoạt động du lịch, tâm lý người dân.

Căn cứ bối cảnh thực tế; dựa trên nguyên tắc quyết định theo đa số, tại thời điểm hiện nay, UBTVQH xin Quốc hội cho phép chỉ quy định giá trần đối với dịch vụ vận chuyển hành khách bằng đường hàng không.

Luật Giá sửa đổi được thông qua với tỷ lệ đồng thuận cao.

Luật Giá sửa đổi được thông qua với tỷ lệ đồng thuận cao.

Về đề nghị đưa mặt hàng điện vào danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá; UBTVQH cho rằng, về nguyên lý, biện pháp định giá là biện pháp điều tiết với mức độ cao nhất của Nhà nước đối với giá hàng hóa, dịch vụ để đảm bảo các mục tiêu về hạn chế vị thế độc quyền, đảm bảo đời sống người dân phù hợp với các bối cảnh kinh tế xã hội.

Theo quy định tại Điều 30 Luật Điện lực, việc xem xét định giá, điều chỉnh giá điện phải trên cơ sở các yếu tố chi phí, đồng thời phải xem xét đánh giá về mức độ điều chỉnh, thời gian điều chỉnh, bối cảnh điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, thu nhập của người dân trong từng thời kỳ nhằm đảm bảo đời sống người dân, tạo động lực cho sản xuất phát triển.

Như vậy, khi thực hiện biện pháp định giá, Nhà nước đã tính đến mục tiêu hài hòa lợi ích giữa các bên, trong đó đã có cả mục tiêu ổn định giá cả phù hợp với bối cảnh kinh tế xã hội. Trên cơ sở đó, tại Dự thảo Luật Giá sửa đổi tiếp tục kế thừa Luật hiện hành quy định mặt hàng điện thuộc Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá và không quy định tại Danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá.

“Vì vậy, UBTVQH xin Quốc hội cho phép không quy định mặt hàng này tại Dự thảo Luật”, báo cáo nêu rõ.

Về ý kiến đề nghị xem xét, đánh giá việc đưa mặt hàng “thịt lợn” vào Danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá, UBTVQH giải thích, tỷ lệ sử dụng thịt lợn trong cơ cấu bữa ăn của các gia đình có xu hướng giảm trong thời gian gần đây, chỉ ở mức 40-45% so với mức 65-70% như trước đây.

Bên cạnh đó, việc áp dụng bình ổn giá đồng nghĩa với việc phải kê khai giá. Việc kê khai giá thịt lợn là khó khả thi khi có rất nhiều tổ chức, cá nhân kinh doanh; giá biến động từng ngày đối với mặt hàng này và các cá nhân kinh doanh cơ bản sẽ khó thực hiện quy định kê khai giá như Dự thảo Luật quy định.

Theo quy định hiện hành, mặt hàng “thịt lợn” không thuộc Danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá và thực tế diễn biến thị trường trong thời gian qua cũng không đặt ra yêu cầu cấp thiết phải đưa vào thực hiện bình ổn giá.

Do vậy, tại thời điểm hiện nay, UBTVQH cũng cho rằng không quy định mặt hàng này tại Danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện tại Việt Nam 4 tháng đầu năm 2024 ước đạt 6,28 tỷ USD tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 4 tháng đầu năm trong 5 năm qua.