Singapore xin miễn trừ lệnh hạn chế xuất khẩu gạo của Ấn Độ

Gạo SINGAPORE
18:14 - 28/07/2023
Singapore khuyên người dân linh hoạt chuyển sang loại tinh bột khác trong trường hợp nguồn cung gạo bị gián đoạn. Ảnh: Reuters
Singapore khuyên người dân linh hoạt chuyển sang loại tinh bột khác trong trường hợp nguồn cung gạo bị gián đoạn. Ảnh: Reuters
0:00 / 0:00
0:00
Ngày 28/7, Cơ quan Lương thực Singapore (SFA) cho biết nước này đang liên hệ chặt chẽ với chính quyền Ấn Độ để xin miễn trừ lệnh cấm xuất khẩu gạo trắng không phải gạo basmati.

Bắt đầu từ cuối ngày 20/7, chính phủ Ấn Độ ban hành lệnh cấm xuất khẩu gạo trắng không phải gạo bamasti – loại gạo chiếm 25% tỷ trọng xuất khẩu gạo của quốc gia này – với hiệu lực ngay lập tức nhằm kiểm soát giá lương thực nội địa tăng cao. Theo tuyên bố từ Bộ Các vấn đề Người tiêu dùng Ấn Độ, lệnh cấm này là nhằm đảm bảo thị trường trong nước “có đủ gạo” cũng như phần nào “làm dịu đà tăng giá” của các sản phẩm gạo trắng không phải gạo bamasti.

Là nước xuất khẩu gạo hàng đầu và chiếm hơn 40% thương mại gạo trên thế giới, bất kỳ sự sụt giảm nào trong số lượng gạo xuất khẩu của Ấn Độ đều sẽ gây ảnh hưởng lên giá lương thực toàn cầu. Ngày 26/7, nhà kinh tế trưởng Pierre-Olivier Gourinchas của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nhận định động thái hạn chế xuất khẩu một số loại gạo của Ấn Độ có thể khiến tình trạng lạm phát lương thực trầm trọng hơn.

Phát biểu tại một cuộc họp báo, Reuters trích dẫn ông Gourinchas cho biết lệnh hạn chế xuất khẩu của Ấn Độ sẽ có tác động tương tự như việc đình chỉ thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc ở Biển Đen của Ukraine khi nó góp phần đẩy giá gạo ở các nước khác lên cao. Ngoài ra, ông cũng đưa ra dự đoán giá ngũ cốc toàn cầu, vốn đã ở mức cao nhất trong 11 năm, có thể tăng 10-15% trong năm nay trong khi động thái của Ấn Độ có thể gây thêm căng thẳng cho tình hình giá cả.

Công ty phân tích nông nghiệp Gro Intelligence cũng đưa ra nhận định tương tự khi cho biết lệnh cấm có khả năng làm trầm trọng thêm tình trạng mất an ninh lương thực đối với các quốc gia phụ thuộc nhiều vào gạo. Cụ thể, báo cáo của Go Intelligence cho biết: “Các điểm đến hàng đầu của gạo Ấn Độ bao gồm Bangladesh, Trung Quốc, Benin và Nepal. Các nước châu Phi khác cũng nhập khẩu một lượng lớn gạo Ấn Độ”.

Singapore cũng sẽ nằm trong số các nước bị ảnh hưởng do gạo trắng không phải gạo basmati từ Ấn Độ chiếm khoảng 17% lượng gạo nhập khẩu của Singapore, theo CNA trích dẫn dữ liệu từ SFA,. Riêng trong năm 2022, nguồn cung gạo từ Ấn Độ chiếm khoảng 40% lượng gạo nhập khẩu của quốc gia Đông Nam Á này.

Nhằm giải quyết bất kỳ ảnh hưởng tiềm năng nào từ lệnh hạn chế xuất khẩu của Ấn Độ, Cơ quan Lương thực Singapore cho biết sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với hơn 30 quốc gia xuất khẩu gạo để tăng cường nguồn cung. Ngoài ra, cơ quan này cũng đang “liên hệ chặt chẽ với chính quyền Ấn Độ để xin miễn trừ lệnh cấm”.

Điều này phù hợp với các yêu cầu trong Chương trình Dự trữ Gạo của Singapore, trong đó các nhà nhập khẩu gạo phải dự trữ lượng gạo tương đương với hai lần lượng nhập khẩu hàng tháng của mình giúp đảm bảo cung cấp đủ gạo trên thị trường nội địa. SFA khẳng định sẽ thường xuyên xem xét tình trạng hàng tồn kho và sẵn sàng hợp tác chặt chẽ với các bộ ngành nếu cần có bất kỳ điều chỉnh nào”.

Tuy nhiên, cơ quan này cho biết sự gián đoạn nguồn cung trong thời gian tới vẫn có thể xảy ra. Chính phủ Singapore “sẽ cố gắng làm tất cả những gì có thể để giảm thiểu tác động”, nhưng không thể đảm bảo “giảm thiểu hoàn toàn sự gián đoạn đối với nguồn cung thực phẩm”.

Hiện nguồn cung gạo tổng thể của Singapore vẫn “ổn định” và đầy đủ nếu người tiêu dùng chỉ mua với số lượng cần thiết. Nếu trong trường hợp gián đoạn xảy ra, người tiêu dùng cũng được khuyến khích linh hoạt hơn thông qua việc chuyển sang các loại gạo khác hoặc các nguồn carbohydrate khác.

Tin liên quan

Đọc tiếp