Sòng phẳng với tăng trưởng tín dụng

LÃI SUẤT NGÂN HÀNG
08:23 - 17/06/2023
Sòng phẳng với tăng trưởng tín dụng
0:00 / 0:00
0:00
Đến hết tháng 5, tín dụng nền kinh tế về mặt số liệu đạt trên 12,3 triệu tỷ đồng, tức là mức tăng khoảng 3,17% so với cuối năm 2022.

Thiếu đơn hàng, anh Tiến, một chủ doanh nghiệp nhỏ sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ tại Nam Định vẫn đang "gồng" thanh toán đúng hạn tiền lãi mỗi tháng tại một ngân hàng thương mại. "Ngân hàng vừa thông báo giảm nhẹ lãi suất, cũng muốn vay thêm để trang trải chi phí nhưng lấn cấn, lãi vẫn cao quá, sợ trả không nổi", anh chia sẻ.

Theo những thông báo chính thức, thì đến nay mặt bằng lãi suất cơ bản đã ổn định. Số liệu từ NHNN cho thấy, so với cuối năm 2022, lãi suất tiền gửi bình quân phát sinh mới của các ngân hàng ở mức khoảng 6,1%/năm, giảm 0,37%/năm, còn lãi suất cho vay bình quân phát sinh mới khoảng 9,07%/năm, giảm 0,9%/năm so với cuối năm 2022.

Tuy nhiên, một con số đáng suy ngẫm, đến hết quý 1/2023 tỷ lệ dư nợ cho vay toàn hệ thống trên tổng tiền gửi ở mức 75,2%, nghĩa là huy động được 10 đồng, các ngân hàng thương mại cho vay bình quân chỉ 7 đồng rưỡi, thấp chưa từng có trong nhiều thập kỷ qua.

Đến hết tháng 5, tín dụng nền kinh tế về mặt số liệu đạt trên 12,3 triệu tỷ đồng, tức là mức tăng khoảng 3,17% so với cuối năm 2022, cho thấy sức hấp thụ vốn của nền kinh tế vẫn còn yếu, thấp hơn đáng kể so với năm ngoái - tăng trưởng tín dụng đạt xấp xỉ 8%.

TS. Lê Xuân Nghĩa trong một cuộc trao đổi với người viết cũng đánh giá, từ phía doanh nghiệp, thực chất, doanh nghiệp không dám vay vốn. Vay thì phải trả, mà cầu tiêu dùng trên thị trường còn yếu, áp lực vốn - lãi là bài toán mà doanh nghiệp phải cân nhắc. Không phải doanh nghiệp không cần tiền, mà họ khó tiếp cận hoặc tiếp cận với mức lãi suất vay cao nên không dám vay.

Bài toán lại quay vòng, từ phía ngân hàng, không phải các ngân hàng không muốn cho vay, mà lo ngại về nợ xấu cũng chĩa mũi dùi vào cơ quan này. Doanh nghiệp thì thiếu đơn hàng, sức mua thì yếu, nên cũng ngại đi vay. Có lẽ, loại hình doanh nghiệp sẵn sàng "cắn răng" để vay ở thời điểm này chủ yếu là doanh nghiệp bất động sản.

"NHNN không thể điều hành theo cách thử và sai"

Quyết định tạm ngừng tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sau kỳ họp kéo dài 2 ngày 13-14/6 vừa qua cũng cung cấp những tín hiệu từ thị trường quốc tế và đặt các nhà hoạch định chính sách vào thế phải quyết định tiếp tục hạ lãi suất điều hành để kéo lãi suất cho vay giảm nhanh hơn nữa hay "thận trọng" giảm lãi suất, tiếp tục theo dõi diễn biến quốc tế và áp lực tỷ giá.

Đáp lại lời kêu gọi của Thủ tướng và sự mong mỏi của nền kinh tế, NHNN đã tiếp tục giảm hàng loạt lãi suất điều hành lần thứ 4 từ ngày 19/6. Chưa xét về sức nặng - nhẹ của mức độ điều chỉnh lãi suất, quyết định dứt khoát, nhanh chóng của NHNN cho thấy chính sách tiền tệ đa mục tiêu đang nỗ lực dồn hết sức để tăng khả năng tiếp cận vốn, hỗ trợ thanh khoản cho người dân, doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, phục hồi nền kinh tế.

Song, nói đi cũng phải nói lại, giống như Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà từng nói NHNN không thể điều hành theo cách thử và sai.

Trong bối cảnh việc điều hành chính sách tiền tệ vẫn phải "lựa" diễn biến kinh tế thế giới khi mà tổng cầu của kinh tế thế giới đang suy giảm, lạm phát bên ngoài vẫn cao và mặt bằng lãi suất các vẫn chưa hạ nhiệt, kỳ vọng lãi suất Việt Nam rẽ hẳn một con đường riêng, giảm mạnh có thể khiến các nhà hoạch định chính sách phải "đau đầu".

Chính sách tiền tệ không thể vỗ một bàn tay

Tuy nhiên, giảm lãi suất không phải là chìa khóa vạn năng mở khóa tín dụng, lưu thông dòng tiền, phục hồi tiêu dùng, tăng trưởng kinh tế. Giảm lãi suất có hiệu ứng tích cực tới nền kinh tế, song "không thể vỗ một bàn tay", cần sự song hành của các chính sách khác, như chính sách tài khóa để có thể kích cầu đầu tư, tiêu dùng, tín dụng, hỗ trợ nền kinh tế phục hồi, giúp doanh nghiệp thoát khó khăn.

Mới đây, Thường trực Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính thực hiện nhanh chóng việc hoàn thuế giá trị gia tăng cho doanh nghiệp, bảo đảm thủ tục đơn giản, nhanh gọn, thuận lợi.

Khẩn trương trình Chính phủ ban hành Nghị định về giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước trước ngày 20/6/2023; chủ động triển khai hiệu quả, kịp thời chính sách giảm thuế giá trị gia tăng 2% sau khi được Quốc hội thông qua.

Tập trung rà soát, có giải pháp, lộ trình, kế hoạch cụ thể xử lý kịp thời, hiệu quả vấn đề thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, thị trường bảo hiểm.

Với sự phối hợp nhịp nhàng, đồng bộ của các chính sách trên, cùng với việc Việt Nam đã và đang rốt ráo cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, kinh tế nửa cuối năm 2023 kỳ vọng sẽ từng bước phục hồi, thúc đẩy sức hấp thụ vốn của nền kinh tế.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Ảnh minh họa: PGBank đã có những phát triển vượt bậc sau khi cổ đông sáng lập là Petrolimex thoái vốn và sự tham gia của Tập đoàn Thành Công.

Những cổ đông ‘gần lớn’ ở PGBank

ĐHĐCĐ năm 2024 của PGBank có sự tham dự của 20 cổ đông, đại diện cho 97,424% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết. Xét theo tỷ lệ, đây là con số rất cao trên thị trường, thậm chí còn cao hơn các ngân hàng thương mại quốc doanh.