Sửa đổi Luật Điện lực: Nhà nước sẽ nắm độc quyền vận hành lưới điện, từng bước xoá độc quyền của EVN

điện lực Việt nAM
16:14 - 08/01/2022
Theo Nghị quyết 55, Nhà nước độc quyền trong điều độ điện, được thực hiện bởi Trung tâm điều độ hệ thống điện lực Quốc gia.
Theo Nghị quyết 55, Nhà nước độc quyền trong điều độ điện, được thực hiện bởi Trung tâm điều độ hệ thống điện lực Quốc gia.
0:00 / 0:00
0:00
Bên cạnh việc khuyến khích tư nhân đầu tư vào hạ tầng truyền tải điện, Nhà nước vẫn giữ vai trò độc quyền lưới điện cao áp và siêu cao áp, độc quyền điều độ điện.

Kỳ họp bất thường thứ nhất, Quốc hội khóa XV, tại buổi thảo luận ở tổ liên quan đến Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số quy định của Luật Điện lực vào ngày 06/01 vừa qua, các nội dung sửa đổi một số quy định của Luật Điện lực đã được các đại biểu đưa ra thảo luận. Theo đó, dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 4 Luật Điện lực theo hướng quy định nhà nước độc quyền trong "vận hành lưới điện truyền tải, trừ lưới điện do các thành phần kinh tế ngoài nhà nước đầu tư xây dựng", đồng thời, cho phép tư nhân tham gia đầu tư vào lưới truyền tải điện.

Trong ba năm qua, năng lượng tái tạo là lĩnh vực thu hút lượng lớn đầu tư tư nhân. Hiện đã có khoảng 27.000 MW điện từ nguồn năng lượng tái tạo trong tổng công suất nguồn đặt của hệ thống điện quốc gia.

Tuy nhiên, việc phát triển nguồn điện từ năng lượng tái tạo lại không đồng bộ với lưới truyền tải điện, nên khi dự án năng lượng tái tạo đầu tư xong, không giải phóng được hết công suất, không bán được điện, gây lãng phí nguồn lực.

Đề cập đến sự cần thiết phải sửa Luật Điện lực, ông Trần Văn Khải, Ủy viên thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho biết: "Nhiều nhà đầu tư đứng trên bờ vực phá sản vì họ đầu tư xong, vay vốn ngân hàng rồi không bán được điện, không có nguồn thu trả nợ".

Ngoài ra, ông Khải cũng nhấn mạnh cần có quy định cụ thể về quyền đấu nối, để tránh các nhà đầu tư tư nhân được giao "độc quyền tự nhiên" lưới điện truyền tải gây khó khăn cho các nhà đầu tư nhỏ khác muốn đấu nối.

Các đại biểu tham gia thảo luận tổ về Luật Điện lực sửa đổi, sáng 6/1. Nguồn: Internet.

Các đại biểu tham gia thảo luận tổ về Luật Điện lực sửa đổi, sáng 6/1. Nguồn: Internet.

Về vấn đề vận hành lưới điện truyền tải, ông Trần Tuấn Anh, Trưởng ban Kinh tế trung ương, cho rằng hiện chưa rõ việc vận hành lưới điện do tư nhân đầu tư và lưới điện do Nhà nước quản lý sẽ ra sao. Ông cũng bày tỏ lo ngại khi quy định không rõ ràng sẽ rất dễ xảy ra xung đột, vận hành cục bộ, không thông suốt hệ thống lưới truyền tải, ảnh hưởng tới đảm bảo an ninh, an toàn hệ thống điện.

Đồng tình với điều này, bà Nguyễn Thị Lệ Thủy, Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường cho hay, nếu chỉ sửa một điều luật để thu hút vốn đầu tư tư nhân vào hạ tầng điện, mà không quan tâm tới vận hành an toàn lưới điện quốc gia thì "giải quyết được chỗ này, lại nảy sinh nút thắt khác".

Vì thế, các đại biểu kiến nghị Chính phủ cần nêu khái niệm, quy định để thấy rõ vai trò của Nhà nước trong vận hành hệ thống điện.

Giải trình trước những vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, Bộ đề nghị chỉ sửa khoản 2, Điều 4 Luật Điện lực nhằm huy động mọi nguồn lực để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khơi thông các điểm nghẽn để giải tỏa công suất cho các dự án điện, nhất là các dự án điện năng lượng tái tạo đã đi vào vận hành.

Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu tại phiên họp sáng 6/1. Nguồn: Internet.

Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu tại phiên họp sáng 6/1. Nguồn: Internet.

Việc sửa đổi này cho phép xã hội hoá để tư nhân đầu tư vào truyền tải điện nhằm giải toả công suất các nhà máy điện năng lượng tái tạo, không để lãng phí nguồn lực xã hội khi đã đầu tư các nhà máy điện.

Theo đó, tư nhân có thể đầu tư trạm và đường dây từ 220 kV trở xuống, còn đối với 220kV trở lên ở những vùng trọng điểm, trọng yếu về kinh tế, quốc phòng cho đến các hệ thống truyền tải cao áp 500 KV thì thuộc phạm vi của Nhà nước.

“Dù là Nhà nước hay tư nhân đầu tư thì đều phải tuân thủ theo quy định về đầu tư, về xây dựng, điều độ và vận hành hệ thống điện theo tiêu chuẩn an toàn”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.

Điều đó đồng nghĩa với việc Nhà nước vẫn giữ độc quyền cho điều độ điện, và tiến tới Trung tâm điều độ điện quốc gia sẽ sớm tách khỏi EVN, đặt dưới sự điều hành trực tiếp của Bộ Công Thương để bảo đảm tính khách quan.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nêu rõ: “Từng bước xóa độc quyền của EVN là điều chắc chắn phải làm, đây là chuyện phải khẳng định rõ ràng. A0 hiện nằm ở EVN nên tác động của EVN còn lớn, nay mai khi tách ra độc lập là một thành viên và dưới sự chỉ đạo điều hành trực tiếp của Bộ Công Thương thì câu chuyện sẽ khác.”

Tại khoản 2, Điều 4 Luật Điện lực quy định về chính sách phát triển điện lực quy định “Nhà nước độc quyền trong điều độ hệ thống điện quốc gia”. Như vậy, về điều độ hệ thống điện, Nhà nước vẫn là chủ thể thực hiện.

Nội dung đề xuất sửa đổi khoản 2, Điều 4 Luật Điện lực đang mở rộng cho các thành phần kinh tế ngoài Nhà nước vận hành lưới điện truyền tải, trừ lưới điện do Nhà nước đầu tư.

Trong đề xuất sửa đổi các quy định khác tại Luật Điện lực đang triển khai, Bộ Công Thương đã bổ sung chính sách về hoàn thiện các quy định về quản lý, vận hành hệ thống điện và bảo đảm chất lượng điện năng.

Theo người đứng đầu Bộ Công Thương dẫn giải, Nhà nước sẽ độc quyền ở hệ thống truyền tải những đường dây cao áp và siêu cao áp, độc quyền trong việc điều độ điện; kiểm soát thông qua đầu tư quản lý vận hành hệ thống điện. Nhà nước còn quản lý về tiêu chuẩn kỹ thuật quy trình đầu tư trong ngành điện thông qua các Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, Luật Điện lực và các luật có liên quan.

“Nhà nước điều độ hệ thống điện cho nên sẽ bảo đảm cân đối giữa các vùng miền, bảo đảm an ninh về năng lượng, an ninh quốc gia”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Về giá điện, Bộ trưởng cho biết, các doanh nghiệp sản xuất điện thì phải tham gia đấu giá để cung cấp điện. “Với giá trần của Nhà nước quy định, anh nào đấu giá thấp hơn thì Nhà nước mua, anh nào cao hơn thì Nhà nước thôi, cho nên anh phải tính hiệu quả lỗ lãi để quyết định việc đầu tư hay không đầu tư. Và việc áp dụng các giá điện do các cấp thẩm quyền quyết định”.

Cho ý kiến về nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu vấn đề, ngành điện là ngành bình ổn giá nhưng lợi nhuận định mức chỉ được 3%, trong khi với ngành khác thì lợi nhuận do thị trường quyết định. Việc này cần làm rõ, do nó ảnh hưởng trực tiếp đến việc thu hút các nhà đầu tư, nhất là khi nhà đầu tư xây dựng nhà máy phát điện rồi liệu có đấu nối vào với hệ thống truyền tải điện hay không.

Theo báo cáo ngày 5/1 của Bộ Công Thương gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, hoạt động kiểm soát của Nhà nước và những vấn đề đặt ra trong tổ chức quản lý, vận hành lưới điện truyền tải của một số dự án điện của nhà đầu tư tư nhân đã được Chính phủ cho phép thực hiện, đấu nối với hệ thống điện quốc gia, bảo đảm hiệu quả và an toàn hệ thống điện, quốc phòng an ninh.

EVNNPT đề xuất sớm phê duyệt Quy hoạch điện 8 để làm lưới điện truyền tải

Thông tin được đưa ra tại Hội nghị tổng kết năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022 của Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT), chiều 7-1.

Theo EVNNPT, tổng sản lượng điện truyền tải năm 2021 đạt 200,86 tỉ kWh. Tất cả chỉ tiêu suất sự cố năm 2021 đều thấp hơn so với kế hoạch, số sự cố lưới truyền tải năm 2021 giảm 36,5% so với năm 2020.

Năm 2021, EVNNPT cũng đã khởi công 42 dự án, đóng điện 43 dự án theo kế hoạch. Trong số các dự án này, có các dự án quan trọng như trạm biến áp 500kV Vân Phong, đường dây 500kV Vân Phong – Vĩnh Tân...

Tại Hội nghị, Chủ tịch HĐTV EVN Dương Quang Thành yêu cầu EVNNPT tiếp tục đảm bảo vận hành an toàn, ổn định, tin cậy hệ thống truyền tải điện, đặc biệt là hệ thống 500kV Bắc – Nam; Triển khai quyết liệt, mạnh mẽ chủ đề năm 2022 của EVN: “Thích ứng an toàn, linh hoạt và hiệu quả”; Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong hoạt động sản xuất kinh doanh và đầu tư xây dựng,...

Lãnh đạo EVN giao EVNNPT phấn đấu hoàn thành mục tiêu điều khiển từ xa và không người trực vận hành với 100% trạm biến áp 220kV trong giai đoạn 2025-2030, giữ vững vị trí trong Top 3 Công ty tuyền tải điện trong khu vực ASEAN giai đoạn 2022 – 2025.

Cũng tại Hội nghị này, EVNNPT đề xuất EVN kiến nghị Chính phủ sớm phê duyệt Quy hoạch điện 8, để EVNNPT có căn cứ triển khai các dự án lưới điện truyền tải, đảm bảo tiến độ theo yêu cầu.

Tin liên quan

Đọc tiếp